Ngành công thương với Nghị quyết 21

Bình luận · 72 Lượt xem

Để góp phần cùng với các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt Nghị quyết số 21, ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hư?

Theo Sở Công thương đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 21, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, trong điều kiện kinh tế thế giới có những dấu hiệu sụt giảm, kinh tế trong nước còn gặp khó khăn, công nghiệp chế biến nông sản vẫn được đầu tư, mở rộng, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ, tỷ lệ chế biến tăng, nhiều sản phẩm nông sản chế biến phát triển phù hợp với xu hướng của thị trường. Công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 17.412,52 tỷ đồng, tăng 17,37% so với cùng kỳ năm trước và 6 tháng đầu năm 2024, công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 9.693,36 tỷ đồng, tăng 10,97%. 

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản năm 2023 đạt 517,44 triệu USD, chiếm 55,7% tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá của tỉnh và tăng 22,3% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm 2024 đạt 248,3 triệu USD. Tỷ trọng giá trị nông sản xuất khẩu qua chế biến, chế biến sâu năm 2023 đến nay, đạt 20%. 

Năm 2024, theo xếp hạng của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Lâm Đồng xếp hạng 13/58 tỉnh, thành phố về chỉ số phát triển thương mại điện tử, bằng với xếp hạng năm 2023. Các chỉ số thành phần đều tăng so với năm trước. 

Để đạt được kết quả nêu trên, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực giúp hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển. Các doanh nghiệp, cá nhân đã sử dụng các nền tảng số cho hoạt động kinh doanh ngày càng nhiều, một số sản phẩm nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (mắc ca, sầu riêng,…) vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Phát triển thương hiệu địa phương “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đang trở thành thương hiệu mạnh.
 
Tuy nhiên, thực tế ngành Công thương với Nghị quyết 21 qua 2 năm triển khai thực hiện cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Đơn cử như hiện nay chưa có nhiều sản phẩm nông sản chế biến có giá trị gia tăng cao. Dịch vụ logistics chưa phát triển. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng chậm lại, trong đó có mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (chè, hạt điều). Thương mại điện tử quy mô nhỏ và thuộc nhóm có chỉ số phát triển thương mại điện tử trung bình của cả nước. Trong giai đoạn 2022 - 2024, chưa thu hút nhiều nhà máy có công nghệ hiện đại, quy mô lớn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng về chế biến các sản phẩm nông nghiệp. 

 Liên kết, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là giữa các hộ dân với các cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm giữa các bên với nhau. Tỷ lệ nông sản được tiêu thụ thông qua thương mại điện tử vẫn còn rất thấp, chỉ đạt dưới 0,1% so với tổng sản lượng nông sản toàn tỉnh. 

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên do tình hình khủng hoảng chính trị, lạm phát tại nhiều quốc gia nên nhu cầu của thế giới giảm, sản phẩm tiêu thụ, hàng tồn kho nhiều. Bên cạnh đó, nhiều công ty kinh doanh xuất khẩu gặp khó khăn, chi phí logistics ở cảng biển quốc tế tăng cao. Đầu vào sản xuất tăng cao, nguyên liệu sản xuất thiếu và không ổn định cũng là những rủi ro mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Do đó, doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hạn chế đầu tư hoặc không đầu tư, có ít doanh nghiệp thành lập mới, nên ít doanh nghiệp phù hợp với chương trình khuyến công;...

Lãnh đạo Sở Công thương thông tin, dự báo một số chỉ tiêu trong thời gian tới địa phương sẽ phấn đấu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu nông sản hàng năm tăng từ 10% và kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 600 triệu USD, tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chế biến, chế biến sâu đạt từ 30%, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11,9% -12,3%/năm.

Để thực hiện được các chỉ tiêu, kế hoạch đưa ra, công tác triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng tâm sẽ tập trung triển khai các chương trình nhằm thực hiện chính sách phát triển thương mại nông sản, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước, như: Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; hỗ trợ do-anh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu và thương mại điện tử; phát triển nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” và các nhãn hiệu mạnh của địa phương.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện những nội dung nhiệm vụ của ngành, Sở Công thương sẽ cùng với các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, tăng cường khuyến khích doanh nghiệp cũng như kêu gọi đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông sản và phát triển hạ tầng logistics trong nông nghiệp.

Bình luận