Chiều 11/10, Cục Chăn nuôi tổ chức hội thảo “Tăng cường chăn nuôi bền vững nhằm cải thiện an ninh lương thực và an toàn thực phẩm” với ý kiến của các chuyên gia nhằm đưa ra định hướng cho phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.
Chương trình này nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Vietstock 2023 được tổ chức tại TP.HCM, kéo dài đến ngày 13/10. Nhiều ý kiến của các chuyên gia đã được đưa ra để đóng góp, thảo luận.
Cuộc “cách mạng” chăn nuôi lần thứ 2 đang mạnh mẽ
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, tuy Việt Nam “đất chật người đông”, địa hình đồi núi nhiều hơn đồng bằng nhưng ngành chăn nuôi nước ta được thế giới biết đến có năng lực sản xuất với những sản phẩm chất lượng, có bản sắc riêng.
“Theo đó, tổng đàn lợn đứng thứ 5 thế giới về tổng đàn là 29,1 triệu con; thủy cầm đứng thứ 2 với 120 triệu con; lượng sữa tươi nguyên liệu đạt 1,12 triệu tấn. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu mật ong lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ”, ông Đăng thông tin.
Trong báo cáo “Khái quát tình hình chăn nuôi, thách thức và cơ hội, định hướng phát triển”, TS Võ Trọng Thành, Cục Chăn nuôi cho thấy bức tranh ngành chăn nuôi đang phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Theo đó, tất cả các sản phẩm chăn nuôi: thịt lợn, gà, bò, sữa, trứng… có tốc độ tăng trưởng cao, phù hợp với định hướng phát triển.
Ngành chăn nuôi đóng góp 26,7% cơ cấu ngành nông nghiệp với giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2023 đạt 369 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, nhiều khó khăn thách thức đang đè nặng lên ngành chăn nuôi như thị trường tiêu thụ và mức tiêu thụ giảm. Chưa kể, nhập lậu động vật, gia súc và gia cầm vẫn còn diễn ra âm ỉ.
“Chưa kể, chi phí thức ăn chăn nuôi tuy đang hạ nhiệt nhưng giá nhiên liệu lại tăng thì ngành nông nghiệp cũng vẫn còn nhiều khó khăn. Vấn đề an toàn dịch bệnh vẫn còn là thách thức lớn khi chưa thể kiểm soát tuyệt đối. Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi vẫn còn và quỹ đất chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp…”, TS Võ Trọng Thành phân tích.
Trước thực trạng trên, theo GS.TS Dương Nguyên Khang, Giảng viên cao cấp tại ĐH Nông lâm TPHCM, chăn nuôi bền vững và ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu và bài giải cho những khó khăn trên. Mà muốn chăn nuôi bền vững thì phải kiểm soát được tổng đàn và chăn nuôi an toàn sinh học. “Kháng sinh và vacxin không phải là thanh bảo kiếm mà an toàn sinh học đặt lên hàng đầu”, GS.TS Dương Nguyên Khang nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa, Trường Đại học Lâm nghiệp, ngành chăn nuôi Việt Nam đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp chăn nuôi lần thứ 2. Cuộc cách mạng lần này mạnh mẽ hơn, lớn mạnh và quyết liệt hơn, với sự vào cuộc của các doanh nghiệp FDI. Đó là hướng đi bắt buộc để ngành chăn nuôi vượt qua những khó khăn, giữ vững vị thế trên thế giới và phát triển hơn.
Những năm gần đây, Việt Nam đang giải quyết rất tốt giải pháp về giống, dinh dưỡng và công nghệ chăn nuôi. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn còn có vẻ khá lúng túng trong vấn đề xử lý nước thải chăn nuôi.
Môi trường là vấn đề sống còn. Bài học của thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai ra quyết định tạm ngưng chăn nuôi hoặc di dời hơn 3.000 trang trại để bảo vệ môi trường là minh chứng rõ nét cho sự dịch chuyển. Chăn nuôi phải gắn liền với môi trường và nước thải cần được xử lý đúng cách và đầu tư bài bản. Nếu làm tốt, đây sẽ là nguồn tài nguyên quý giá.
“Chúng ta quên mất rằng chất thải chăn nuôi là nguồn năng lượng tái tạo quý giá khi giá năng lượng ngày càng cao. Với công nghệ xử lý phân thô và nước qua hệ thống xử lý nước thải biogas với nhiều hồ lắng thì vấn đề được giải quyết. Biogas là nguồn năng lượng rẻ tiền, bất cứ trang trại nào cũng có thể sản xuất, tận dụng được”, PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa chia sẻ.
Hướng đi triển vọng để xuất ngoại
Không chỉ để vượt qua khó khăn, ngành chăn nuôi Việt Nam đang nhắm đến chiến lược dài hơi hơn: đưa các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính. Nhờ đó, giá trị kinh tế của các sản phẩm chăn nuôi được tăng lên và mang tính bền vững hơn.
Thế nhưng, để làm được điều ấy, theo TS Nguyễn Tiến Thành, Trường Đại học Lâm nghiệp thì ngành chăn nuôi “đừng để thua từ sân nhà”.
“Chúng ta cần phát triển bền vững ngành chăn nuôi với việc sản xuất những sản phẩm đảm bảo an toàn sinh học và yêu cầu của những thị trường khó tính. Tuy nhiên, nên phát triển bền vững phải tiếp cận như thế nào, ứng dụng khoa học kĩ thuật nào… là câu hỏi không phải người chăn nuôi, doanh nghiệp nào cũng có thể giải đáp”, TS Nguyễn Tiến Thành chia sẻ.
Một thực tế, tuy giống vật nuôi chỉ chiếm 2 - 6% giá trị sản xuất nhưng góp đến 40% vào năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho chăn nuôi. Do đó, đây chính là mắt xích đầu tiên mà ngành chăn nuôi cần lưu ý tới. Giống tốt còn giúp vật nuôi khỏe mạnh, hạn chế được dịch bệnh và đáp ứng tốt hơn với các yêu cầu khắt khe của thị trường.
Đây cũng là tiêu chí và hướng đi mà công ty TH Milk đang sử dụng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo ông Hà Đình Hiệu, đại diện TH Milk, hiện công ty đang ứng dụng công nghệ cao trong chọn giống và sản xuất sữa. Cụ thể, TH Milk sử dụng các phần mềm để đánh giá phối giống và tiến bộ di truyền hàng năm. Công nghệ IVF nhằm thúc đẩy nhanh nhất tiến độ di truyền.
Trong những năm qua, Bộ NN-PTNT đã kí kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, nhằm thúc đẩy phát triển và tìm hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi. Điều này đồng nghĩa là đi kèm với các trách nhiệm đối với đối tác.
Theo TS Mathew Stone, chuyên gia cao cấp IFC, trước khi có vacxin phòng tất cả các bệnh thì ngành chăn nuôi Việt Nam nên có những chiến lược để giảm trừ virus tại các trang trại.
“Các bạn nên phân vùng để có thể xây dựng được chuỗi an toàn sinh học hiệu quả. Phải tách đàn cách ly những vật nuôi đang khỏe mạnh ra khỏi với nguồn bệnh. Phải có những nỗ lực và phương pháp chẩn đoán hiệu quả, thẩm định và thanh tra định kỳ. Cục Chăn nuôi cũng nên xây dựng sẵn những công cụ để kịp thời phản ứng với mọi tình huống”, TS Mathew Stone khuyên.
Hiện các công ty lớn đã đầu tư vào kiểm soát khí đầu vào với các công nghệ chuồng trại chính xác, tích hợp đa công nghệ để kiểm soát không khí đầu vào bao gồm cả lọc nhiều loại virus và lọc khí thải đầu ra, nhận diện cá thể, phát hiện heo bệnh - sốt bằng camera…
Chăn nuôi heo đã và đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp chăn nuôi lần 2, đòi hỏi tính chuyên nghiệp, chuẩn mực, chất lượng… để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh và khốc liệt ở thị trường trong nước và sản phẩm nhập nội
Chính vì vậy những công nghệ mới giúp tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả chăn nuôi (giảm thiểu lao động, nâng cao an toàn sinh học…) phải được áp dụng. Đặc biệt, trên hệ thống chăn nuôi theo chuỗi (giống - thức ăn - sơ chế biến) đã và đang dần hình thành trong tương lai gần”, PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa trình bày.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, công nghệ mới cũng là những thách thức đối với những nhà chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy cần những hướng dẫn, chính sách phù hợp kịp thời và các nhà chăn nuôi nhỏ cũng nên chủ động kết nối, tham gia vào các chuỗi để tối ưu hóa chi phí đầu tư công nghệ.