'Chất xúc tác' cho nông nghiệp hữu cơ Thừa Thiên Huế

Bình luận · 255 Lượt xem

Bằng sự mạnh dạn đầu tư, hỗ trợ của một số doanh nghiệp, tổ chức, nông nghiệp hữu cơ của Thừa Thiên Huế đã có những bước tiến ấn tượng.

Với chủ trương khuyến khích phát triển nông nghiệp “sạch” phục vụ du lịch, gắn nông nghiệp với phát triển du lịch, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong việc đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Tiên phong Tập đoàn Quế Lâm

Trước năm 2016, khái niệm nông nghiệp hữu cơ dường như vẫn còn xa lạ đối với nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời điểm đó, phần lớn nông dân chỉ chú trọng đến yếu tố năng suất, sản lượng mà bỏ qua nhiều yếu tố như nông nghiệp "sạch", bền vững. Mặt khác, việc canh tác nông nghiệp sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu một cách bừa bãi, bất chấp khiến nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. 

Sản phẩm rau má hữu cơ của Hợp tác xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền). Ảnh: Công Điền.

Sản phẩm rau má hữu cơ của Hợp tác xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền). Ảnh: Công Điền.

Năm 2016, cơ hội mở ra đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ Thừa Thiên Huế khi Tập đoàn Quế Lâm mạnh dạn đầu tư nhiều dự án trong lĩnh vực hữu cơ tại địa phương như: Hệ thống cửa hàng cung ứng sản phẩm nông sản hữu cơ (200 tỷ đồng); mhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, dự án tổ hợp chăn nuôi lợn an toàn sinh học 4F (Farm-Food-Feed-Fertilizer) tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng.

Từ những thành công ban đầu, đến năm 2019, Tập đoàn Quế Lâm liên kết thành lập vùng sản xuất lúa hữu cơ và bao tiêu sản phẩm với diện tích 70ha tại Hợp tác xã nông nghiệp Phù Bài, thị xã Hương Thủy; mô hình hộ chăn nuôi an toàn sinh học 10 - 30 lợn thịt... Đến nay, các mô hình vẫn đang được tiếp tục triển khai, mở ra nhiều triển vọng cho sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo ông Nguyễn Long An, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, mục tiêu xây dựng quy trình sản xuất khép kín từ các sản phẩm phân bón, chế phẩm vi sinh đến các sản phẩm nông sản hữu cơ an toàn theo liên kết chuỗi, hướng đến giá trị cộng đồng mà Tập đoàn Quế Lâm theo đuổi đã tạo "chất xúc tác" cho phát triển nông nghiệp hữu cơ địa phương, lan tỏa đến các cấp chính quyền, người sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi nhận thức và thực hành nông nghiệp hữu cơ.

Trên thực tế, với cam kết đồng hành cùng ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế, Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo hướng hữu cơ quy mô nông hộ, quy mô hợp tác xã trên một số cây trồng như lúa, đậu tương, dưa hấu, rau và chăn nuôi gà, lợn (3.000 con).

Nông dân huyện A Lưới nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Công Điền.

Nông dân huyện A Lưới nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Công Điền.

Từ những kết quả tích cực nêu trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký biên bản hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để cùng có những hoạt động mạnh mẽ hơn thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn 2019 - 2021 và tiếp tục ký kết biên bản hợp tác giai đoạn 2022 đến 2025, định hướng đến 2030.

Câu chuyện tổ, nhóm nông dân PGS

Vào năm 2019, với sự hỗ trợ từ Dự án Thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu VIE/433 của Chính phủ Luxembourg đã hình thành nên các tổ, nhóm nông dân PGS sản xuất rau hữu cơ theo hình thức liên kết nông hộ tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế).

Tổ, nhóm nông dân PGS là một cơ chế đảm bảo chất lượng với chi phí thấp, phù hợp với quy mô sản xuất hữu cơ nông hộ, tổ nhóm, góp phần bảo đảm chất lượng nông sản, khôi phục lòng tin của người tiêu dùng. 

Cụ thể, những sản phẩm tham gia dự án VIE/433 gồm: Rau má hữu cơ Quảng Thọ, rau hữu cơ Quảng Thành, gà Quảng Phước, lúa hữu cơ Phú Mỹ, rau hữu cơ Mỹ Lợi, dầu lạc Mỹ Á, lúa hữu cơ Lộc An. Tham gia dự án có 20 nhóm hộ với 181 hộ dân tham gia trên tổng diện tích hơn 16ha. Việc hình thành các tổ, nhóm nông dân PGS đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về phương pháp canh tác từ vô cơ sang hữu cơ. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc Hợp tác xã Quảng Thọ 2 (huyện Quảng Điền) - một trong thành viên tham gia dự án VIE/433, hiện nay những sản phẩm rau má hữu cơ của hợp tác xã đều được bán theo giá nông sản thông thường do sản phẩm chưa được chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp kinh doanh lại yêu cầu có chứng nhận sản phẩm hữu cơ để tiêu thụ trên thị trường có hiệu quả hơn.

Sản phẩm do các tổ, nhóm nông dân PGS tại Thừa Thiên Huế sản xuất. Công Điền.

Sản phẩm do các tổ, nhóm nông dân PGS tại Thừa Thiên Huế sản xuất. Công Điền.

"Đây là một trong những yếu tố khiến nhiều nông dân không mấy mặn mà tham gia vào mô hình tổ, nhóm nông dân PGS", ông Trí cho hay.

Theo ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, việc có chứng nhận sản phẩm hữu cơ sẽ giúp người tiêu dùng nhận dạng, tìm kiếm sản phẩm hữu cơ phù hợp với nhu cầu.

Để chứng nhận sản phẩm hữu cơ, có thể thuê các tổ chức chứng nhận trong và ngoài nước đánh giá, chứng nhận với chi phí rất cao nên chỉ phù hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, hướng đến thị trường xuất khẩu. Hình thức chứng nhận thứ hai là chứng nhận hữu cơ theo Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (Participatory Guarantee System – PGS).

Từ đó, theo ông Khoa, vấn đề đặt ra là cần thành lập Ban điều phối PGS cấp tỉnh tại Thừa Thiên Huế để chịu trách nhiệm thẩm định, chứng nhận PGS cho các sản phẩm nông sản hữu cơ theo TCVN 11041-2017.

Điều này sẽ góp phần giải quyết vấn đề chứng nhận hữu cơ ở quy mô nông hộ, tổ, nhóm. Bên cạnh đó, để có thêm nguồn lực phát triển, lan tỏa mạnh hơn phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, cần có sự kết nối, liên kết sản xuất với doanh nghiệp, hình thành các chuỗi ngành hàng gắn với tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm hỗ trợ từ các dự án trong và ngoài nước.

Bình luận