Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân

Bình luận · 90 Lượt xem

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN) vào thực tiễn sản xuất, mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân luôn là mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp trong n


Các diễn giả tham dự Diễn đàn kết nối sản phẩm khoa học công nghệ với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân.

 

Nhiều thành tựu KH&CN mới được giới thiệu tại không gian trưng bày của Diễn đàn, gồm: giống cây trồng, vật nuôi mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, các bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích… có thể chuyển giao ngay cho doanh nghiệp và người dân.

Không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Diễn đàn kết nối sản phẩm KH&CN với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân được tổ chức chiều ngày 10/7/2027. Gần 200 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong và ngoài Bộ, các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, các hợp tác xã, tổ chức quốc tế đã tham gia diễn đàn.

Diễn đàn là không gian để các đại biểu, diễn giả kết nối, chia sẻ, trao đổi, thảo luận để đi đến hợp tác bền chặt, cùng nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm KH&CN và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất, mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải và phát triển bền vững.

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Nguyễn Thị Thanh Thủy, những năm qua, khoa học công nghệ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành Nông nghiệp.

Ứng dụng khoa học công nghệ bao trùm tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, công nghệ sau thu hoạch… và đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hóa, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận (hoặc tương đương) nhiều loại cây trồng đạt khá, như: Việc tạo ra giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và thích ứng rộng. Đơn cử như cây cà phê Việt Nam đột phá về năng suất, cao gấp ba lần so với năng suất cà phê trên thế giới; cây điều cung cấp khoảng 40% tổng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến điều của Việt Nam; rau và cây ăn quả liên tục tăng về diện tích, năng suất, sản lượng, chủng loại phong phú...

Về chăn nuôi, hiện nay có 54 giống vật nuôi năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất, bao gồm 11 giống mới, 12 giống ngoại nhập và 31 giống lai tạo. Đặc biệt, vắc xin bệnh Dịch tả lợn châu Phi “Made in Vietnam” chính thức xuất khẩu sang 5 quốc gia: Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar, là niềm tự hào của ngành chăn nuôi nước nhà.

Ngoài ra, trong lĩnh vực thủy sản, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ đã sản xuất hàng loạt giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá chim vây vàng, cá nhụ, cá chiên, cá lăng, chạch chấu, hải sâm, ốc hương và các giống cá nước lạnh…

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, diễn đàn này được tổ chức như một sự kiện kết nối cung - cầu cho các sản phẩm khoa học công nghệ và tìm cơ hội liên kết, hợp tác giữa nhà khoa học với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Diễn đàn

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, khoa học công nghệ không chỉ dừng lại là tạo năng suất, sản lượng mà là tạo ra giá trị gia tăng. Giá trị gia tăng đến từ tích hợp đa giá trị trong một ngành với hướng tới mục tiêu giảm chi phí. Ví dụ như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, rồi nông nghiệp xanh, giảm phát thải… nhằm tạo thương hiệu, giá trị gia tăng. Đó chính là hướng đi của khoa học công nghệ trong tương lai.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư tập trung cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thí nghiệm của các đơn vị với quy mô lớn thay vì đầu tư nhỏ lẻ cho từng đơn vị như trước đây nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển, đặc biệt là một số thiết bị hiện đại tương đương khu vực và quốc tế.

Các địa phương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, mặt bằng, xúc tiến thương mại... tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, 8 lễ ký kết chuyển giao sản phẩm khoa học đã được tổ chức, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các đại biểu.

Ký kết hợp tác trong việc chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị 

HNN (mard.gov.vn)

Bình luận