Kiến tạo vùng xanh an toàn

Bình luận · 195 Lượt xem

Là tỉnh nông nghiệp, Tây Ninh xác định xây dựng vùng, cơ sơ an toàn dịch bệnh là vấn đề cốt yếu trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi.

Sau 2 năm thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, đến nay tỉnh Tây Ninh có 64 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (47 cơ sở chăn nuôi gà, 15 cơ sở chăn nuôi heo, 2 cơ sở chăn nuôi bò).   

 

Trong đó có một huyện (huyện Dương Minh Châu) được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện và 6 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã (huyện Gò Dầu) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gia cầm; huyện Bến Cầu có 9 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh lở mồm long móng trên trâu bò.

 

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 chuỗi cung ứng thịt heo an toàn chuỗi của hệ thống Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam với 98 cửa hàng cung cấp thịt sạch; chuỗi giá trị chăn nuôi heo của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam; chuỗi giá trị chăn nuôi gà của Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus - Bel gà; nhà máy sản xuất trứng gà thương phẩm của Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources và Công ty QL Farm tại huyện Tân Biên, sản lượng trứng bình quân khoảng 700.000 trứng/ngày/trại.

 

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, Tây Ninh hoàn thành xây dựng hai vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm (gà) và sẽ tổ chức lại các khâu sản xuất, đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học, khuyến khích hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ gia cầm theo hướng công nghệ cao.

 

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật được xác định là nội dung rất quan trọng trong công tác triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi.

 

Những năm gần đây, Tây Ninh đang tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng, từng bước cơ cấu lại vùng chăn nuôi, thay đổi hình thức nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại tập trung, bảo đảm ATDB, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Tuy nhiên, khó khăn ở Tây Ninh hiện nay là chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ vẫn đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung. Các mầm bệnh truyền nhiễm vẫn còn lưu hành trong môi trường nuôi, nguy cơ xảy ra dịch vẫn còn cao. Nếu không kiểm soát tốt, để dịch bệnh bùng phát thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn.

 

 

Sở NN-PTNT Tây Ninh cùng các tỉnh nằm trong vùng Đông Nam bộ cùng De Heus vừa tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh để xuất khẩu giai đoạn 2023 - 2028 nhằm chung tay xây dựng thành công chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH/OIE) và yêu cầu của nước nhập khẩu.

 

Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội đưa sản phẩm gia cầm của các tỉnh Đông Nam bộ đến gần hơn với người tiêu dùng trên thế giới.

 

Thỏa thuận đặt ra những mục tiêu quan trọng nhằm xây dựng một chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Trong đó, mục tiêu chính là tăng cường khả năng phòng ngừa và kiểm soát các dịch bệnh liên quan đến chăn nuôi gà, đồng thời cải thiện chất lượng thực phẩm và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, góp phần tạo ra một môi trường an toàn và bền vững trong ngành chăn nuôi gà, từ giai đoạn sản xuất đến giai đoạn chế biến.

 

Bên cạnh việc đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng, thỏa thuận còn giúp mở rộng cơ hội xuất khẩu gà Việt Nam ra thị trường quốc tế, được thị trường quốc tế công nhận và tin tưởng bởi chất lượng và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

 

“Tây Ninh mong muốn Bộ NN-PTNT và các cơ quan thuộc Bộ như Cục Thú y, Cục Chăn nuôi tiếp tục hỗ trợ tỉnh xây dựng cơ sở và vùng ATDB nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tổ chức lại các khâu sản xuất, đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hoá thị trường tiêu thụ... hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao.

 

Đồng thời, Tây Ninh sẽ liên kết với các tỉnh liền kề như Bình Dương, Bình Phước... để tạo ra vùng xanh với dịch bệnh. Vùng xanh càng lớn thì hiệu quả bảo vệ đàn gia cầm trước dịch bệnh càng cao”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

 

 

Trần Trung - Trần Phi

 

Bình luận