Trẻ hóa 1.000 giống lúa gửi Ngân hàng Gen tại Na Uy để bảo tồn

Bình luận · 214 Lượt xem

KIÊN GIANG 1.000 mẫu giống lúa, gồm 500 giống lúa cao sản và 500 giống lúa mùa sẽ được trẻ hóa và gửi tồn trữ tại Ngân hàng Gen của Na Uy.

Ngày 8/12, tại Trang trại lúa mùa Tư Việt (thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) tổ chức hội thảo đánh giá mô hình trẻ hóa các giống lúa mùa.

 

Đề tài “Trẻ hóa và tồn trữ hạt lúa tại Svalbal Global Seed Vault” (Na Uy) do Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL phối hợp với Tổ chức The Global Crop Diversity Trust (Đức) thực hiện.

 

TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL cho biết, mục tiêu chính của đề tài nhằm trẻ hóa, tồn trữ 1.000 mẫu giống lúa, gồm 500 giống lúa cao sản và 500 giống lúa mùa tại Ngân hàng gen của Na Uy. Tăng cường nguồn giống cho ngân hàng gen tại Trường Đại học Cần Thơ. Nâng cao năng lực nghiên cứu, đáp ứng tốt về nhu cầu sản xuất lúa bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Ông Lê Quốc Việt, chủ Trang trại lúa mùa Tư Việt cho biết, diện tích canh tác của trang trại áp dụng quy trình sản xuất truyền thống theo cách làm của ông bà xưa, hoàn toàn không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc hóa học, kể cả máy móc cơ giới hóa. Để tạo nguồn dinh dưỡng cho đất, trang trại thả bèo hoa dâu để chúng sinh sản và tự phân hủy nhằm tạo nguồn phân xanh tự nhiên. Tham gia thực hiện dự án, trang trại đã gieo cấy và trẻ hóa 800 giống lúa mùa, hiện lúa đã trổ bông, vào mẩy chắc hạt, chờ chín để thu hoạch.

 

Theo ông Việt, việc trẻ hóa các giống lúa mùa ngoài việc tuân thủ quy trình, tỉ mẩn để không bị lẫn lộn giữa các giống, còn gặp một khó khăn rất lớn đó là chim, chuột tập trung phá hoại do xung quanh hiện không có lúa.

 

Theo Ban chủ nhiệm đề tài trẻ hóa các giống lúa và bảo tồn nguồn gen, ngoài 800 giống lúa mùa (để chọn ra 500 giống) đang được thực hiện tại Trang trại lúa mùa Tư Việt, có 500 giống lúa cao sản cũng đã được thực hiện thành công tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Bình luận