Rừng bạch đàn bị cháy lá, nhiễm bệnh lạ

Bình luận · 224 Lượt xem

Hàng loạt cánh rừng bạch đàn bị nhiễm bệnh tại nhiều xã của huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khiến người trồng rừng hoang mang, lo lắng.

Cùng với cây keo, bạch đàn là cây dễ trồng, sinh trưởng, phát triển nhanh, mang lại giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, những năm gần đây người dân huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất bằng việc trồng bạch đàn.

 

Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, trên địa bàn huyện đã xuất hiện tình trạng một số cây bạch đàn bị táp, khô lá, sau đó lan rộng ra cả đồi khiến người dân địa phương hoang mang do chưa biết cách xử lý. Người dân trồng bạch đàn cũng mong muốn cơ quan chức năng nghiên cứu tìm ra bệnh để có thể điều trị tận gốc.

 

Hiện nay, diện tích trồng bạch đàn của xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ chiếm khoảng 5% diện tích trồng rừng của xã (khoảng 250ha) và diện tích bị bệnh khô rụng lá khoảng 50ha. Qua kiểm tra ban đầu cho thấy, lá cây bị chuyển từ màu xanh sang màu nâu cát và ngọn bị xoăn rụt lại tập chung chủ yếu vào cây được 3 năm tuổi.

 

Ông Triệu Văn Quảng, một người dân xã Văn Hán cho biết, rất có thể bạch đàn nhiễm bệnh lạ, các hộ có rừng đã cố gắng làm nhiều biện pháp để cứu cây như phát quang, hơ lửa đốt ký sinh trùng, nhưng hiệu quả không cao.

 

Theo ông Lường Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán, bạch đàn là loại cây không được khuyến khích trồng ở địa phương nhưng từ năm 2020, người dân đã trồng tự phát tại 14/14 xóm của xã với tổng diện tích là hơn 120ha.

 

“Chỉ đến độ tuổi năm thứ 2 trở đi, cây bạch đàn bắt đầu bị cùng lúc 2 loại côn trùng là bọ xít và nhện đỏ chích hút, cũng đang nghi ngờ bị cả nấm bệnh dẫn tới khô cành, lá và chết cây. Có thể nguyên nhân đến từ việc trồng quá dày, cây phát triển nhanh và đến khi thiếu chất, cây thiếu sức sống, đề kháng kém dẫn tới phát sinh sâu bệnh”, ông Hoan nhận định.

 

Ông Hoan cũng cho biết, sự việc xảy ra từ tháng 6/2023, UBND xã Văn Hán đã báo cáo lên Phòng NN-PTNT huyện Đồng Hỷ và các cơ quan chuyên môn kiểm tra tình hình cây bạch đàn bị nhiễm bệnh. Xã cũng sẽ khuyến cáo bà con không trồng loại cây này vì làm bạc màu đất và hủy hoại các loại cây khác và không cấp được chứng chỉ rừng do không nằm trong danh mục theo quy định.

 

Bên cạnh xã Văn Hán, rừng bạch đàn ở xã Nam Hòa và một số xã khác trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng có hiện tượng lá vàng, lá khô, rụng từ đầu tháng 9. Để xác định nguyên nhân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra rừng bạch đàn trồng xen với keo tại lô 1, khoảnh 5, tiểu khu 202 thuộc xã Nam Hòa. Đồng thời, Chi cục cũng lấy mẫu cây bị khô lá và mẫu đất gửi Trung tâm Bảo vệ thực vật phía bắc kiểm tra, giám định sinh vật gây hại, kết quả không phát hiện thấy sinh vật gây hại (nấm, vi khuẩn, tuyến trùng) gây ra.

 

Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ, trong khi chưa phát hiện nguyên nhân gây ra hiện tượng rừng bạch đàn bị táp lá, khô lá, một số cây chết, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, thống kê diện tích trồng, diện tích có hiện tượng này.

Bình luận