Chuối Hà Nội, từ thất vọng với bệnh Panama đến niềm tin vào sản xuất sạch

Bình luận · 213 Lượt xem

Bệnh Panama trên chuối được ví như bệnh AIDS trên người, từng tàn phá nhiều vùng chuối ở Hà Nội nhưng nay đã có giống kháng và một kế hoạch sản xuất bài bản.

Bà Hoàng Thị Hòa- Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội cho biết Thủ đô có chiến lược rất bài bản cho cây chuối: “Khi xây dựng kế hoạch chuối chúng tôi đi điều tra ở các vùng chuối Hà Nội, thấy bệnh Panama rất nhiều và nhiều tỉnh thành đều bị. Bệnh này gây ra hiện tượng chết rạp khi bắt đầu ra buồng khiến chúng tôi rất lo lắng. Ở xã Thuần Mỹ huyện Ba Vì có 100 ha chuối mà bệnh Panama xóa trắng gần như không còn cây nào.

 

Diện tích chuối của Hà Nội trên 3.000ha, vậy cách đi thế nào? Chúng tôi đến Viện Nghiên cứu Rau quả nhờ tìm một doanh nghiệp lớn đang làm chuối phía Nam để học tập. Rất may là chúng tôi đã gặp anh Phạm Quốc Liêm- Chủ tịch, Tổng Giám đốc Unifarm. Anh đã mời những nông dân của Hà Nội vào tham quan khu sản xuất cứ 5 ha một lô, giống, trồng, chăm sóc, cách ly theo tiêu chuẩn đúng kiểu nông dân Philippines đang làm. Unifarm còn được hãng Dole nổi tiếng thế giới về chuối ủy quyền để xuất hàng đi nhiều nước.

Học xong, chúng tôi lại mời anh Liêm ra ngoài Bắc để chuyển giao kỹ thuật, xây dựng một vùng sản xuất chuối tiêu chuẩn ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì và Unifarm sẽ giúp tiêu thụ, đưa vào các siêu thị. Chuyên gia Philippines cũng đến đây để khảo sát rồi. Hiện Unifarm đang phải chuyển chuối từ Bình Dương ra và mới xây dựng vùng nguyên liệu ở tỉnh Hà Nam, giờ sẽ thêm Hà Nội.

 

Điều đáng nói là giống chuối già Nam Mỹ trồng ở phía Bắc ngọt hơn, ngon hơn ở trong Nam vì chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, được đối tác Nhật rất thích. Bởi thế, Hà Nội sẽ tạo vùng trồng ở Phú Châu để xuất khẩu đi Nhật, còn các vùng khác phục vụ cho thị trường nội địa. Điều rất may là giờ ta đã có giống chuối kháng được bệnh Panama do Viện nghiên cứu Rau quả chọn tạo, sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô”.

 

Xuất khẩu chính ngạch

Để thực hiện kế hoạch sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu năm 2023, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với Viện nghiên cứu Rau Quả tổ chức 1 lớp đào tạo cho 10 cán bộ HTX, nông dân tiêu biểu của các huyện Ba Vì, Mê Linh. Họ được học về lý thuyết như quy hoạch, thiết kế vườn trồng, chăm sóc, áp dụng công nghệ cao xây dựng liên kết chuỗi đến thực hành trồng, bao buồng, cắt tỉa định chồi, bón phân, điều tra, phát hiện, phòng trừ sâu bệnh hại. Đơn vị cũng phối hợp với các xã, HTX tổ chức 5 lớp tập huấn cho 150 nông dân và tổ chức 1 đoàn đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Bình Dương, Long An.

Hỗ trợ 50% giống, vật tư phân bón, thuốc BVTV, túi bao buồng, công phun thuốc, cử cán bộ kỹ thuật theo dõi chỉ đạo sản xuất. Đợt 1 tháng 4/2023 trồng 20ha với 21.000 cây giống nuôi cấy mô chuối tiêu hồng gồm các điểm Văn Khê, Phú Châu và Hoàng Kim và đợt 2 tháng 9/2023 trồng 20ha với 21.000 cây. Kết quả, tỷ lệ sống đạt 98%, cây sinh trưởng phát triển tốt, được phòng trừ sâu bệnh hại tập trung bằng máy bay không người lái, năng suất dự kiến đạt 45-46 tấn/ha, thu 300 - 350 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế 150-170 triệu đồng/ha.

 

Xây dựng được 1 mô hình ứng dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu, diện tích 10 ha tại xã Phú Châu huyện Ba Vì. Ở đó, ứng dụng bao buồng chuối, phòng trừ sâu bệnh đúng thời điểm bằng máy bay không người lái, có hệ thống tưới tiết kiệm nước, sản xuất theo VietGAP. Nhờ vậy, giảm 30-40% chi phí nhân công, dự kiến năng suất trung bình 47 tấn/ha, thu hoạch vào dịp Tết nên giá bán cao, đạt 330-340 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế 160-170 triệu đồng/ha. Sản phẩm được chứng nhận VietGAP đáp ứng đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu

Trung tâm còn phối hợp với liên danh Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ NATEK - NHONHO thực hiện cấp giấy chứng nhận sản xuất chuối theo tiêu chuẩn VietGAP cho các điểm tham gia mô hình với mức hỗ trợ 100%. Trong quá trình thực hiện, Công ty TNHH Công nghệ NHONHO tổ chức lấy mẫu đất, mẫu nước, mẫu sản phẩm để phân tích đánh giá chất lượng đất, nước, sản phẩm trong vùng sản xuất. Kết quả phân tích mẫu đất, mẫu nước và mẫu sản phẩm những chỉ tiêu về hàm lượng các kim loại nặng trong đất đều nằm trong ngưỡng cho phép, sản phẩm không có dư lượng thuốc BVTV.

 

Công ty Cổ phần khoa học và công nghệ NATEK khảo sát, đánh giá thiếu hụt; Hướng dẫn làm kho bảo quản phân bón, thuốc BVTV, trang bị bảo hộ lao động, tủ thuốc y tế, biển cảnh báo; hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký sản xuất để truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm…Cấp 3 giấy chứng nhận sản xuất chuối theo VietGAP cho 100% diện tích sản xuất năm 2023 tại xã Phú Châu huyện Ba Vì, xã Hoàng Kim, xã Văn Khê huyện Mê Linh.

 

Trung tâm cũng phối hợp với nhà thầu lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 37 ha phát triển trồng mới chuối tại các HTX, xã. Qua đó giúp giảm tối đa chi phí nhân công tưới, đáp ứng được nhu cầu nước theo các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây.

 

Với mục tiêu phát triển bền vững Trung tâm đã tăng cường khâu xúc tiến thương mại, tiêu thụ: Hỗ trợ cho hộ sản xuất thùng carton để đóng gói sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, biển vùng sản xuất, lắp đặt phần mềm hanoi.egap.vn. Đặc biệt hỗ trợ thiết bị làm lạnh để phục vụ bảo quản chuối tại hộ ở xã Phú Châu huyện Ba Vì với công suất đạt 3.000 - 3.500 kg chuối/đợt bảo quản. Việc ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản giúp nâng cao mẫu mã và chất lượng, giảm thất thoát sau thu hoạch từ 15-20% so với việc không bảo quản.

 

Ngoài ra, đơn vị còn kết nối tiêu thụ với 2 doanh nghiệp là công ty Unifarm và công ty TNHH xuất nhập khẩu Lam Thiệu với sản lượng trung bình 5 tấn/tháng. Riêng công ty Lam Thiệu thu mua chuối toàn bộ khu vực huyện Mê Linh đã được cấp mã số vùng trồng, sản lượng tiêu thụ 6-8 tấn/tháng chủ yếu sang thị trường Trung Quốc theo con đường xuất khẩu chính ngạch.

Bình luận