Trà thảo mộc Trung Quốc bùng nổ, thu 'tiền tỉ' mỗi năm

Bình luận · 228 Lượt xem

Ngành sản xuất trà thảo mộc ở thành phố Bạc Châu (tỉnh An Huy, Trung Quốc) gần đây phát triển chóng mặt với hàng trăm triệu đơn hàng mỗi năm, đem lại lợi nhuận 'khủng'.

Tại một cơ sở sản xuất trà thảo mộc rộng 20.000m2 ở thành phố Bạc Châu, 8 dây chuyền sản xuất đang hoạt động hết công suất, cho sản lượng 20.000 thùng trà mỗi ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường đang tăng mạnh. Số hàng này được bán chủ yếu thông qua các nền tảng thương mại điện tử.

 

"Mùa thu và mùa đông là mùa cao điểm đối với chúng tôi khi nhu cầu về trà thảo mộc tăng mạnh", Đằng Quang Hữu, Chủ tịch Công ty Công nghệ Sinh học Thịnh Thạch An Huy, cho biết.

 

Đằng Quang Hữu là một trong nhiều người dân địa phương được hưởng lợi từ ngành công nghiệp trà thảo mộc đang bùng nổ của Bạc Châu. Được mệnh danh là thủ phủ của ngành công nghiệp dược liệu Trung Quốc, Bột Châu là nơi có trung tâm phân phối và thị trường dược liệu lớn nhất Trung Quốc, góp phần giúp nơi đây phát triển ngành công nghiệp trà thảo mộc.

 

Dữ liệu chính thức cho thấy lợi nhuận thu về từ sản xuất trà thảo mộc hàng năm của riêng Bạc Châu đã đạt gần 10 tỷ NDT (khoảng 1,4 tỷ USD), chiếm khoảng 70% ngành công nghiệp trà thảo mộc toàn quốc.

 

"Từ xa xưa, người dân Bạc Châu đã trồng hoa cúc, hoa mẫu đơn trắng và các thảo dược khác được sử dụng làm trà. Kể từ khi sản phẩm trà thảo mộc đầu tiên được đưa ra thị trường vào năm 1995, ngành công nghiệp trà thảo mộc của Bạc Châu đã phát triển với tốc độ chóng mặt", Trương Quốc Phương, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Công nghiệp Trà thảo mộc Bạc Châu, cho biết.

 

Theo ông Trương, thành phố hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp trà thảo mộc, với gần 50.000 nhân công.

 

Đằng Quang Hữu, mới 29 tuổi, là một trong những thanh niên trở về đóng góp cho quê hương sau khi tốt nghiệp đại học ở thành phố lớn. Một năm sau khi tốt nghiệp đại học hồi năm 2018, Đằng Quang Hữu đã thành lập một công ty trà thảo mộc cùng với những người bạn của mình.

 

"Ban đầu, chúng tôi bán trà thảo mộc cho các công ty khác trên sàn thương mại điện tử. Sau đó, khi nhu cầu thị trường tăng lên, chúng tôi đã xây dựng dây chuyền sản xuất riêng để sản xuất sản phẩm của mình", anh Đằng cho biết.

 

Hiện nay, công ty của Đằng Quang Hữu có gần 150 sản phẩm trà thảo mộc, với doanh thu hơn 200 triệu NDT trong năm 2022. Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, trong đó có châu Âu và Đông Nam Á.

 

Theo anh Đằng, khi người dân ngày càng quan tâm đến việc nâng cao sức khỏe, nhu cầu về các sản phẩm trà thảo mộc ngày càng tăng.

 

Dữ liệu cho thấy dịch vụ chuyển phát nhanh ở Bạc Châu đã chuyển 213 triệu đơn hàng trà thảo mộc vào năm 2022, tăng mạnh so với 35 triệu đơn vào năm 2018. Trong nửa đầu năm 2023, 130 triệu đơn hàng đã được chuyển đi, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Nhóm khách hàng cũng đã có sự thay đổi, mở rộng từ nhóm người trung niên và cao tuổi sang cả những người trẻ tuổi. Để đáp ứng nhóm khách hàng mới này, các doanh nghiệp trà thảo mộc địa phương đang tích cực nghiên cứu những loại trà mới khiến người trẻ yêu thích.

 

"Chúng tôi đã đổi mới sản phẩm của mình từ các sản phẩm đóng gói sang các loại đồ uống trực tiếp. Ví dụ, chúng tôi đã phát triển các loại đồ uống cho những người thường xuyên thức khuya", Hoài Tư Thủy, chủ sở hữu của Công ty Công nghệ Dược phẩm Thúy Trinh Nghĩa Thủ, cho biết thêm rằng họ cũng định hướng thương hiệu của mình nhắm mục tiêu đến các khách hàng trẻ tuổi.

 

Kể từ khi thành lập, doanh nghiệp của Hoài Tư Thủy đã nỗ lực phát triển thương hiệu và có nhiều sản phẩm bán rất chạy trên mạng. Doanh thu từ thương mại điện tử của doanh nghiệp này trong năm 2022 đạt gần 50 triệu NDT.

 

Để thúc đẩy ngành công nghiệp trà thảo mộc phát triển, Bạc Châu đã có nhiều ưu đãi về thuế, tổ chức các hội thảo đào tạo cho doanh nghiệp và tích cực xây dựng các nền tảng tiếp thị để giúp các thương hiệu nhỏ có thể đứng vững và xây dựng ảnh hưởng.

 

"Chúng tôi đang vạch ra một kế hoạch 5 năm cho ngành công nghiệp trà thảo mộc. Bằng cách cải thiện hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm, hợp tác với các tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo các tài năng trẻ, chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và bền vững hơn của ngành", ông Trương Quốc Phương nói.

 

 

Lâm Hưng

 

Bình luận