Vựa cá trắm đen không lơ là trước bệnh xuất huyết mùa xuân

Bình luận · 220 Lượt xem

Bệnh chủ yếu xuất hiện trên các loài cá thuộc họ cá chép như cá trắm đen vào giai đoạn cuối đông đầu xuân. Bệnh bùng phát rất nhanh có tỷ lệ chết cao.

Với sản lượng trên 2.000 tấn cá trắm đen/năm, nông trường Bạch Long, xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là nơi cung cấp cá trắm đen thương phẩm lớn nhất miền Bắc, đảm bảo thu nhập cho 170 hộ nhận khoán 142ha mặt nước.

 

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Nông trường Bạch Long, Cá trắm đen thường rất nhạy cảm với việc thay đổi thời tiết và môi trường, mỗi khi thời tiết thay đổi cá thường giảm ăn sau đó có thể bỏ ăn.

 

Cá trắm đen trên nông trường hiện được nuôi theo hình thức bán thâm canh, thâm canh với mật độ cao, theo hướng công nghiệp dễ dẫn đến hiện tượng thiếu khí và tích tụ khí độc nhiều trong ao gây chết ngạt cho cá nuôi. Đặc biệt vào các thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi cá rất dễ bị nhiễm bệnh, trong số đó điển hình là bệnh "xuất huyết mùa xuân" do virus.

 

Theo Chi cục Thủy sản Nam Định, đây là loại bệnh xuất hiện chủ yếu trên cá chép và các loài cá thuộc họ cá chép như cá trắm đen, trắm cỏ,… Bệnh do virus Rhabdovirus carpio gây ra, xuất hiện vào giai đoạn giao mùa cuối đông đầu xuân và cuối xuân đầu hè ở các tỉnh miền Bắc, virus gây bệnh từ giai đoạn cá giống đến cá thịt. Trong đó, cá giống được 1 năm tuổi dễ nhiễm bệnh với tỷ lệ chết có thể lên đến 70%.

Bệnh xuất huyết mùa xuân do virus là loại bệnh cấp tính nên phát bệnh rất nhanh và có tỷ lệ chết rất cao, lây lan chủ yếu do phân, chất thải hoặc dịch nhớt của cá bệnh; do nhiệt độ môi trường hoặc lây lan qua các vật trung gian như chim, cò...

 

Khi mắc bệnh cá có hiện tượng ngạt thở tách đàn, da có màu tối, cá có thể mất cân bằng, nhiều chỗ viêm có nhiều chất nhày, mắt lồi nhẹ, mang nhợt nhạt, các tơ mang dính bết lại, máu loãng chảy ra từ hậu môn, bụng trướng to, bơi không định hướng, bệnh nặng cá chết nổi hoặc cá chết chìm dưới tầng đáy.

 

Khi mổ, thấy hiện tượng xuất huyết trên bề mặt các nội tạng ở bụng, bụng chướng to, trong xoang bụng có dấu hiệu tích nước và có chứa nhiều dịch nhờn, xuất huyết bóng hơi, bóng hơi bị teo một ngăn, lá lách sưng to, tim, gan, thận, ruột xuất huyết...

 

Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu và nằm trong danh sách bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch theo Thông tư 04/2016 của Bộ NN-PTNT.

 

Do đó, định kỳ hàng năm vào các thời điểm giao mùa, Chi Cục Thủy Sản Nam Định sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Nuôi cấy virus CPE PCR.

 

Ngoài ra, khi có hiện tượng cá chết hàng loạt, cơ quan này cùng tiến hành lấy mẫu đột xuất để nhanh chóng xác định nguyên nhân, kịp thời có phương án tầm soát dịch bệnh.

Hiện, trên thế giới bệnh đã và đang được ghi nhận ở các nước có mùa đông lạnh. Bệnh đã xuất hiện trên các loài cá thuộc họ cá chép ở các nước châu Âu, sau đó đến vùng Trung Đông, Nga, Brazil, Mỹ, Canada, Trung Quốc và Việt Nam. Bệnh virus mùa xuân ở cá chép chủ yếu được kiểm soát dựa trên việc tránh tiếp xúc với tác nhân virus gây bệnh kết hợp với thực hành vệ sinh tốt.

 

Đối với các trang trại nuôi, trại sản xuất giống sử dụng nguồn nước ngầm thay cho việc lấy nước từ hệ thống sông/ngòi cấp thoát nước đặc biệt trong mùa dịch. Ngoài ra trong trang trại thường xuyên áp dụng các biện pháp vệ sinh khử trùng dụng cụ, trang thiết bị, kiểm soát mật độ nuôi đặc biệt giảm mật độ cá thả trong mùa đông và đầu mùa xuân để làm giảm sự lây lan của virus gây bệnh.

 

Đối với trang trại có khả năng kiểm soát được nhiệt độ nước trên 19°C - 20°C có thể ngăn chặn sự bùng phát bệnh. Mặc dù bệnh được cho rằng không lan truyền theo trục dọc, song các nhà khoa học vẫn khuyến cáo việc khử trùng trứng cá để ngăn chặn tuyệt đối việc lan truyền tác nhân gây bệnh theo đường này. Hiện tại chưa có thuốc điều trị hiệu quả đối với bệnh virus mùa xuân.

Bình luận