Hiệu quả khi phân cấp cho địa phương mua vacxin phòng dịch

Bình luận · 300 Lượt xem

Các địa phương sẽ chủ động trong việc mua vacxin phù hợp với đặc thù vật nuôi trên địa bàn, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Việc tiêm phòng vacxin có vai trò quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Ảnh: L.K.

Việc tiêm phòng vacxin có vai trò quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Ảnh: L.K.

Những năm qua, cũng như các địa phương khác trên cả nước, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở Quảng Nam diễn biến rất phức tạp.

Nhiều loại bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục…đã ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi trên địa bàn, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho các hộ dân.

Trước thực tế này, hàng năm, ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam đặc biệt chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Ngoài đảm bảo về vấn đề vệ sinh môi trường, tiêu trừ mầm bệnh hoạt động không thể thiếu là triển khai tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi. Nhờ vậy, tỷ lệ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm của tỉnh này cũng có phần giảm đi đáng kể.

Như năm 2023, tổng số lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy giảm 94%; số trâu bò mắc bệnh viêm da nổi cục giảm 79%; gia cầm mắc bệnh cúm buộc phải tiêu hủy giảm 95% so với cùng kỳ năm 2022. 

Hiện nay, theo kế hoạch tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi của tỉnh Quảng Nam được thực hiện mỗi năm 2 đợt. Đợt 1 từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3 và đợt 2 từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9. Toàn bộ 18 thành phố, huyện, thị xã phải triển khai tiêm phòng đạt trên 80% số lượng tổng đàn.

Theo sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, nhìn chung, những đợt tiêm phòng trong nhiều năm qua, tất cả các địa phương đều thực hiện đạt kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, trước đây, khi bắt đầu mỗi đợt tiêm phòng, các địa phương sẽ đăng ký nhu cầu về chủng loại, số lượng vacxin sau đó báo cáo đăng ký với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.

Trên cơ sở tổng hợp của chi cục để đề xuất với UBND tỉnh trích kinh phí hỗ trợ. Sau đó, Sở NN-PTNT giao cho chi cục thực hiện đấu thầu các loại vacxin qua mạng. Đây cũng là cách làm phổ biến ở nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.

Tuy nhiên, việc tổng hợp, đấu thầu tập trung này có kinh phí rất lớn, trải qua nhiều thủ tục phức tạp dẫn đến việc cấp phát vacxin cho các địa phương nhiều thời điểm không được kịp thời, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh.

Nhìn nhận được vấn đề, bắt đầu từ năm 2021, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện việc phân cấp ủy quyền cho các địa phương tự thực hiện nhằm tăng tính chủ động, phù hợp, sát thực tế hơn.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã phân cấp cho các địa phương chủ động mua các loại vacxin để tiêm phòng cho vật nuôi. Ảnh: L.K.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã phân cấp cho các địa phương chủ động mua các loại vacxin để tiêm phòng cho vật nuôi. Ảnh: L.K.

Theo ông Trần Tam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hiệp Đức, vào thời điểm bắt đầu thực hiện theo chỉ đạo phân cấp này, đơn vị cũng gặp khá nhiều lúng túng, đặc biệt là về quy trình đấu thầu qua mạng. Các cán bộ, nhân viên trung tâm chưa nắm rõ các thủ tục. Cùng với đó, trung tâm cũng không có chứng chỉ đấu thầu nên phải thông qua 1 đơn vị tư nhân khác.

Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai, ông Tam cho rằng, sau khi quen dần với quá trình thực hiện, việc phân cấp mua vacxin cho các địa phương đã cho thấy được hiệu quả tốt.

“Thứ nhất, chúng tôi làm việc trực tiếp với nhà cung cấp, yêu cầu cung cấp vacxin vừa sản xuất, có thời hạn sử dụng dài hơn. Còn trước đây khi nhận cấp phát từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nhiều lúc vacxin về trễ, thời hạn sử dụng còn ngắn nên việc tiêm phòng khá cập rập.

Bên cạnh đó, cách làm này còn chủ động được số lượng vacxin tùy theo biến động của tổng đàn vật nuôi của huyện. Từng địa bàn cũng lựa chọn được những loại vacxin phù hợp. Ví dụ như thời gian trước, chi cục chỉ mua loại vacxin lở mồm long móng type O, miễn dịch được 1 - 2 chủng virus. Bây giờ mình có thể mua các loại vacxin miễn dịch chéo nhiều chủng virus để tiêm hiệu quả hơn”, ông Tam chia sẻ.

Còn tại huyện Thăng Bình, hiện nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp này đã tham mưu cho UBND huyện giao việc mua sắm vacxin về cho các từng xã.

Theo ông Nguyễn Xuân Cẩm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thăng Bình, đối với việc mua vacxin thông qua đấu thầu vấn đề cản trở nhất là thời gian. Từ khi bắt đầu các thủ tục đến lúc tiếp nhận vacxin phải mất từ 1 đến 2 tháng.

Do đó, để kịp thời tiêm phòng theo kế hoạch, đơn vị này đã kiến nghị lãnh đạo UBND cấp kinh phí tiêm phòng cả 2 đợt vào đầu năm với khoảng 700 triệu đồng.

“Dự kiến, trong tháng 12, huyện phân bổ kinh phí, đến tháng 1 năm sau chúng tôi sẽ thực hiện thủ tục đấu thầu để kịp tiến độ tiêm phòng vacxin đợt 1 vào tháng 3. Có thể thấy, việc phân cấp cho các địa phương trong việc mua sắm vacxin đã tạo được sự chủ động, đảm bảo kịp thời trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi”, ông Cẩm nói.

Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam: “Việc phân cấp mua vacxin cho các địa phương của tỉnh là cách làm đúng với chủ trương và đưa lại hiệu quả thiết thực. Bởi, mỗi địa bàn sẽ có những đặc thù về các loạt vật nuôi, mùa vụ khác nhau. Do đó, các huyện, thị xã, thành phố sẽ chủ động xem xét tiêm phòng vacxin loại nào trước, loại nào tiêm sau. Thực tế 3 năm qua cho thấy, kết quả thực hiện của các địa phương rất tốt, giúp hạn chế được các loại dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm”.

Bình luận