Khối tư nhân giữ vai trò quan trọng trong phòng, chống kháng kháng sinh

Bình luận · 177 Lượt xem

Các đơn vị sản xuất thức ăn và chăn nuôi tư nhân đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống kháng kháng sinh trong vật nuôi.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, đại diện Phòng Thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi chia sẻ về vai trò của khối tư nhân trong phòng, chống kháng kháng sinh. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, đại diện Phòng Thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi chia sẻ về vai trò của khối tư nhân trong phòng, chống kháng kháng sinh. Ảnh: Tùng Đinh.

Để có thể thực hiện công tác phòng, chống kháng kháng sinh một cách hiệu quả, việc giảm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi là hết sức cấp thiết.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), trước năm 2016, tại Việt Nam có khoảng 40 loại kháng sinh (dạng premix) được nhập khẩu và dùng trong thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng.

Đến năm 2016, Bộ NN-PTNT ban hành thông tư 06/2016/TT-BNNPTNT về Danh mục, hàm lượng kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm với mục đích kích thích sinh trưởng tại Việt Nam.

Từ đó, tạo ra sự thay đổi trong việc sử dụng kháng sinh. Cụ thể, chỉ còn 15 loại kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng.

Tiếp đó, đến ngày 1/1/2018, Việt Nam cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng nhưng vẫn cho phép dùng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để phòng, trị bệnh.

Tuy nhiên, trong lộ trình giảm sử dụng kháng sinh, dự kiến đến ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh và chỉ sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để điều trị bệnh.

Ở thời điểm hiện tại, 19 nhóm kháng sinh (99 hoạt chất) thuộc 3 danh mục (đặc biệt quan trọng, rất quan trọng, quan trọng) đều không được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh. Chỉ các loại kháng sinh nằm ngoài 3 danh mục nêu trên mới phép được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh.

Liên quan vai trò của khối tư nhân trong quá trình này, ông Nguyễn Hoàng Hải, đại diện Phòng Thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho rằng, với các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có 4 điểm cần lưu ý. Đầu tiên là sử dụng các giải pháp thay thế kháng sinh tron thức ăn chăn nuôi như probiotics, axit hữu cơ, thảo dược....

Thứ hai, sử dụng nguyên liệu có chất lượng tốt và kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi. Lưu ý thứ ba là sử dụng kháng sinh theo đúng đơn thuốc, khuyến cáo của nhà sản xuất thuốc thú y trong hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Lưu ý thứ 4 đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đó là thực hiện tốt quy trình vệ sinh và kiểm soát nhiễm chéo để hạn chế việc nhiễm chéo kháng sinh giữa các loại thức ăn chăn nuôi.

Các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống kháng kháng sinh. Ảnh: Tùng Đinh.

Các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống kháng kháng sinh. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong khi đó, với các cơ sở chăn nuôi tư nhân, điều cần làm đầu tiên là nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của kháng kháng sinh. Sau đó là tăng cường sử dụng vacxin để phòng bệnh cho vật nuôi và thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

Bên cạnh đó, cần sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh theo đúng hướng dẫn, khuyến cao của nhà sản xuất. Một điểm quan trọng nữa cần lưu ý là phải sử dụng các loại giống vật nuôi có chất lượng tốt, sạch bệnh để giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh.

Kháng kháng sinh là mối đe dọa sức khỏe cộng động trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuốc sống của người dân và sự phát triển tổng thể, bền vững của cả một quốc gia.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, mỗi năm kháng kháng sinh có thể cướp đi sinh mạng của 10 triệu người, tương đương với tần suất cứ 3 giây lại có một người chết do vi khuẩn kháng thuốc gây nên, lớn hơn số bệnh nhân ung thư hiện nay.

Việt Nam là một trong những các quốc gia, trong những năm gần đây đã phải chứng kiến mối đe dọa ngày càng gia tăng của kháng kháng sinh, do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong nuôi trồng thủy sản, trong chăn nuôi và trong cộng đồng.

Theo đó, việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi là một giải pháp cần thiết để chữa trị một số loại bệnh cũng như kích thích tăng trưởng cho vật nuôi.

Tuy nhiên, việc nhầm lẫn hay lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng không chỉ trên vật chủ mà còn những người ăn thịt của những gia súc này.

Bình luận