Cải thiện kinh tế nhờ Chợ phiên OCOP

Bình luận · 186 Lượt xem

THANH HÓA Mang về doanh thu hơn 200 triệu đồng sau 4 tiếng livestream bán hàng, các chủ thể OCOP đã ý thức ngày càng rõ việc hình thành chuỗi liên kết để quảng bá thương hiệu.

Số hóa sản phẩm nông nghiệp

Tỉnh đoàn Thanh Hóa vừa phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cùng TikTok Việt Nam tổ chức chương trình “Chợ Phiên OCOP Thanh Hóa”.

Thanh Hóa hiện có 442 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao và 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao. UBND tỉnh xác định, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh gắn liền với Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025 khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong chuỗi sự kiện, các nhà sáng tạo nội dung số đã tham quan trải nghiệm các địa điểm du lịch cùng các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, các chủ thể OCOP địa phương được tham gia tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số.

Tại đây, các chuyên gia đã cung cấp nhiều thông tin và kiến thức về kinh doanh trực tuyến, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trên nền tảng số thông qua các công cụ TikTok For Business. 

Song song với chương trình tập huấn, hoạt động Livestream Chợ phiên OCOP được tổ chức nhằm quảng bá các nông đặc sản OCOP Thanh Hóa đến với đông đảo công chúng. Tại buổi livestream "Chợ Phiên OCOP - Thanh Hóa" kéo dài 4 tiếng đã thu hút hơn 375.000 người xem livestream, mang về 205 triệu đồng doanh thu và 1000 đơn hàng OCOP.

Thông qua sự hỗ trợ quảng bá đến từ các nhà sáng tạo nội dung nổi bật trên nền tảng TikTok như Hùng Rơm, Cô Đồng Nát,... Hashtag #OCOPThanhHoa cũng mang về hơn 6 triệu lượt xem chỉ sau 1 ngày khởi động trên TikTok.

Các sản phẩm huyện Bá Thước được trưng bày tại Hội nghị kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa 2023. 

Các sản phẩm huyện Bá Thước được trưng bày tại Hội nghị kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa 2023. 

Chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, HTX Bản Thổ, một trong các chủ thể tham gia chương trình chia sẻ: "Với một người lần đầu tiên xuất hiện trên TikTok mà nhận được hưởng ứng tốt như vậy, tôi thấy rất vui. Tôi thấy rõ hiệu ứng lan toả của chương trình Chợ phiên OCOP. Sau sự kiện này, tôi có thêm động lực tiếp tục học hỏi về kinh doanh online, kinh doanh trên TikTok Shop."

Cũng trong chuỗi sự kiện, chương trình Diễn đàn Chuyển đổi số với Chủ đề "Khai thác tiềm năng kinh tế số tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP" do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Thanh Hóa được tổ chức.

Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận về khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; kinh tế số từ góc nhìn của thương mại điện tử; quảng bá tài nguyên bản địa trên không gian số.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam đánh giá, chuyển đổi số tác động tích cực đến mức tiêu thụ sản phẩm OCOP cả nước; từ đó, tạo động lực cho các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

"Một khi dây chuyền sản xuất đã đáp ứng nhu cầu về lượng lẫn chất, các hộ doanh nghiệp sẽ nhanh chóng gia tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và cải thiện đời sống cho bà con nông thôn", ông Lâm bày tỏ.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh

Một trong những thương hiệu nông nghiệp nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa là vịt Cổ Lũng. Đây là loài có hình dáng đặc biệt, cổ rụt, chân nhỏ lùn và ngắn, cổ và đầu thường được bao phủ bởi lớp lông khoang mịn. Riêng con trống có lông đuôi xoăn và lông cổ xanh. Đặc biệt, chất lượng vịt Cổ Lũng thơm ngon, được nhiều nơi trên cả nước biết đến.

Nâng tầm giá trị sản phẩm, tiến tới quảng bá thương hiệu trên nền tảng số là điều mà những người như anh Hà Văn Sinh, thôn La Ca, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước đặc biệt quan tâm. Chủ nhiệm HTX phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng nhìn nhận, vịt Cổ Lũng có quá trình nuôi dưỡng kéo dài hơn so với các loại vịt khác, từ 4 tháng trở lên nên luôn đảm bảo chất lượng thịt.

Do Bá Thước là huyện miền núi, nằm ở phía tây bắc của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 110km, nên công tác vận chuyển, giới thiệu sản phẩm này còn gặp nhiều khó khăn.

Ngay khi biết Tỉnh đoàn Thanh Hóa phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp và TikTok Việt Nam tổ chức chương trình “Chợ Phiên OCOP Thanh Hóa”, anh Sinh mong muốn tham dự. Theo anh, kết nối cơ sở chăn nuôi với những đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp, có độ phủ rộng khắp cả nước sẽ giúp vịt Cổ Lũng nâng cao sức cạnh tranh. Kinh tế gia đình sẽ có nhiều điều kiện cải thiện.

Vịt Cổ Lũng được đồng bào dân tộc Thái ở huyện miền núi Bá Thước chăn nuôi tương đối nhiều.

Vịt Cổ Lũng được đồng bào dân tộc Thái ở huyện miền núi Bá Thước chăn nuôi tương đối nhiều.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bá Thước cho biết, thời gian qua huyện đã tập trung phát triển chăn nuôi các vật nuôi lợi thế của huyện như vịt Cổ Lũng. Mô hình nuôi vịt Cổ Lũng được tổ chức ở nhiều nơi, bước đầu đã đem lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với các mô hình truyền thống, giúp người dân trên địa bàn vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để bảo tồn giống vịt Cổ Lũng và phát triển kinh tế cho nhân dân, huyện Bá Thước đã thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ phục hồi và phát triển giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt”. Đồng thời, địa phương cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, có các cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các hộ chăn nuôi trên địa bàn tích cực nhân giống phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi .

Vịt Cổ Lũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP đợt 1 của tỉnh Thanh Hóa năm 2023. Hàng năm xã  Cổ Lũng có gần 30.000 con vịt xuất đi tiêu thụ ở các địa phương khác.

Triển khai dự án của huyện, xã Cổ Lũng đang thí điểm cho hơn 100 hộ, đầu tư xây dựng theo chuỗi giá trị. Trong đó, các hộ gia đình sẽ chịu trách nhiệm làm chuồng trại, còn phía doanh nghiệp sẽ cung ứng  con giống, hỗ trợ người dân tiêm vacxin, thức ăn chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm.

UBND xã Cổ Lũng thống kê, xã hiện còn 360 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 34,88%; hộ cận nghèo 349 hộ, chiếm tỷ lệ 34,41%. Đời sống của người dân trên địa bàn xã vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập chính vẫn từ nông nghiệp.

Bình luận