Về xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong hôm nay, chúng tôi thấy nhiều thửa ruộng trước kia trồng lúa, nay đã chuyển sang một màu xanh ngắt của dâu tằm.
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết, mấy năm gần đây, nhờ một nhà máy ươm tơ đi vào hoạt động nên rất nhiều hộ đã bỏ lúa chuyển sang trồng dâu nuôi tằm và được nhà máy cung cấp trứng tằm giống, bao tiêu kén với giá ổn định. So với trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao hơn nhiều lần. "Bây giờ nuôi tằm nhàn rồi, không còn cảnh "ăn cơm đứng" như xưa nữa đâu", ông Gấm nói.
Ông Lục Văn Bộ, 67 tuổi, dân tộc Tày ở thôn 8, xã Quảng Hòa cho biết: “Gia đình vào đây lập nghiệp được hơn 20 năm rồi, nhưng chỉ có 2 sào đất ruộng thôi. Nhà đông người nên 2 sào lúa không đủ ăn, mỗi năm làm 2 vụ cũng chỉ thu được khoảng 10 bao thóc tươi (mỗi bao 1 tạ, tức khoảng 1 tấn), bán được khoảng 5 triệu đồng chưa trừ chi phí. Mấy năm nay thằng Huy (con trai ông Bộ) chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, nhiều tiền hơn lúa 10 lần đấy, ên bây giờ cuộc sống tốt hơn nhiều rồi”.
Dẫn chúng tôi ra vườn dâu ngay sau nhà, anh Lục Văn Huy (35 tuổi, con ông Bộ) khoe: “Từ khi chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, kinh tế khá lên, ổn định em mới dám cưới vợ đấy, nhưng mà chưa có nhà riêng, còn phải ở chung với bố mẹ, nhưng chắc sẽ làm nhà mới sớm thôi. Em vừa thu hoạch 75kg kén xong, giao cho công ty giá 200 ngàn đồng/kg, vài ngày nữa mới nuôi lứa tằm mới”.
Anh Huy cho biết, 2 sào đất trồng dâu đủ nuôi 1 hộp trứng tằm giá 1,1 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng nuôi 2 lứa tằm. Một hộp trứng tằm giống anh Huy thu được khoảng hơn 70kg kén, với giá kén do doanh nghiệp thu mua hiện từ 200 - 210 ngàn đồng/kg, mỗi tháng anh thu về từ 20 - 30 triệu đồng (chưa trừ chi phí).
Anh Huy cho biết, chi phí cho trồng dâu nuôi tằm không nhiều, chủ yếu là hộp trứng tằm, công chăm sóc. Trồng dâu cũng không cần nhiều phân bón, chỉ đầu tư ban đầu máy bơm nước tưới. Nếu tằm nuôi tốt, dâu lá đẹp thì 2 sào dâu phục vụ nuôi tằm mỗi năm anh thu về khoảng 100 triệu đồng, gấp hơn 10 lần trồng lúa. Nếu không nuôi tằm, bà con cũng có thể trồng dâu để bán lá với giá 8.000 đồng/kg (người mua tự hái).
Rời nhà anh Huy, chúng tôi theo chân chị Nguyễn Thị Ngoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hòa đến tham quan mô hình nuôi tằm dưới nền nhà của một gia đình người Tày khác ở thôn 6 (xã Quảng Hòa) là bà Lô Thị Ỷ, 65 tuổi. Ngôi nhà của gia đình bà Ỷ còn mới và khang trang. “Nhà này gia đình bà Ỷ mới xây lại, cũng nhờ mấy năm trồng dâu nuôi tằm đấy”, chị Ngoan cho biết.
Dẫn chúng tôi vào căn phòng rộng chừng 30m2 đang nuôi tằm dưới nền, bà Ỷ cho biết đang nuôi 1 hộp rưỡi trứng tằm giống, sau 2 tuần sẽ được khoảng 1 tạ kén. “Nuôi tằm dưới nền nhà có tốt hơn trên nong không?”, tôi hỏi.
“Tốt hơn nhiều chứ. Nuôi tằm trên nong tốn công chăm, ngày nào cũng phải nâng nong lên xuống để cho tằm ăn, làm vệ sinh nong liên tục, tằm dễ nhiễm bệnh vì hơi nóng của phân tằm từ nong dưới bốc lên nong trên, tằm hay bị bệnh, chất lượng kém. Còn nuôi tằm trên nền xi măng đơn giản hơn nhiều. Tằm từ 4 ngày tuổi nuôi trên nong 2 - 3 ngày cho quen, sau đó được nuôi trực tiếp trên nền xi măng. Mình không phải nhặt từng lá dâu mà rải trực tiếp hoặc chặt cả cành dâu để trên nền, tằm sẽ tự ăn. Nuôi trên nền xi măng thoáng hơn, không bị hấp hơi nóng như nuôi trên nong, tằm ít bị bệnh hơn”, bà Ỷ đáp.
“Nuôi tằm so với trồng lúa có tốt hơn không?”, tôi hỏi tiếp. Bà Ỷ cười: “Ôi, trồng lúa thì ăn thua gì, nuôi tằm nhiều tiền hơn, nhanh có tiền hơn. Cái nhà này là nhờ con tằm nó xây mà”.
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông hỏi bà Ỷ: "Từ ngày nuôi tằm đến giờ, thu nhập 1 tháng được bao nhiêu?”. Bà Ỷ trả lời tỉnh bơ “một tháng thì cũng được 3 - 4 chục triệu thôi” khiến mọi người cùng ồ lên cười.
“Nuôi tằm có khó không?”, tôi hỏi bà Ỷ. “Không khó đâu, ban đầu có cán bộ xuống chỉ cách nuôi, vài lần là nhớ thôi. Nhưng mình phải chịu khó, thường xuyên làm vệ sinh sạch sẽ là được thôi. Còn lá dâu thì phải sạch, không có nhiễm hóa chất, nếu lá dâu còn thuốc sâu thì tằm bệnh hết”, bà Ỷ đáp.
Chị Nguyễn Thị Ngoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hòa cho biết, từ vài năm trở lại đây, cây dâu tằm đã giúp nhiều hộ dân của xã Quảng Hòa phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình trồng dâu nuôi tằm.
So với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, vốn đầu tư ban đầu trồng dâu nuôi tằm không lớn. So với trồng lúa, nuôi tằm lãi gấp từ 10 lần trở lên. Với những hộ có quỹ đất nhỏ vài sào, nếu trồng hồ tiêu hay cà phê thì thu nhập không đáng bao nhiêu, nhưng lại rất phù hợp với trồng dâu nuôi tằm.
“Vùng đất Đắk Glong có thổ nhưỡng, khí hậu khá phù hợp với cây dâu tằm, lại được áp dụng quy trình chăm sóc cây dâu đúng kỹ thuật, cây giống được ngành nông nghiệp hỗ trợ nên rất thuận lợi. Bên cạnh đó, quy trình nuôi tằm hiện nay cũng đơn giản hơn trước nhờ con giống chuẩn, được hướng dẫn kỹ thuật nên hầu hết bà con nuôi tằm đều đạt hiệu quả cao. Đặc biệt hiện nay đã có doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ kén tằm với giá ổn định nên bà con rất yên tâm sản xuất.
“Các mô hình trồng dâu nuôi tằm ở Đắk Glong đều cho hiệu quả kinh tế cao. Dâu tằm thì có thể trồng phân tán ở những diện tích nhỏ, từ bờ rào, bờ ranh đều có thể tận dụng, hoặc trồng xen với một số loại cây ăn trái chưa khép tán”, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/