8.000 hộ dân hưởng lợi khi tham gia sản xuất hồ tiêu bền vững

Bình luận · 190 Lượt xem

ĐẮK LẮK Dự án thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam đã giúp cải thiện đời sống cho gần 8.000 nông dân tại Tây Nguyên.

Ngày 20/11 tại Đắk Lắk, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) phối hợp với phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam và các đơn vị đối tác đã tổ chức tổng kết Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam”.

Dự án do Liên minh Châu Âu (EU) và IDH tài trợ, được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2023 tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai.

Dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ hội nhập ASEAN của EU (ARISE Plus) do EU tài trợ nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được những lợi ích từ các cam kết thương mại song phương. Trong đó, dự án tập trung vào việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam; thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ Việt Nam sang EU.

Bà Phan Thị Vân, Giám đốc IDH Việt Nam cho biết, dự án đã giúp tạo nên sự thay đổi thực sự bền vững trong sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trên quy mô lớn. Ảnh: Quang Yên.

Bà Phan Thị Vân, Giám đốc IDH Việt Nam cho biết, dự án đã giúp tạo nên sự thay đổi thực sự bền vững trong sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trên quy mô lớn. Ảnh: Quang Yên.

Qua 3 năm triển khai, dự án đã giúp tăng 60% khối lượng hạt tiêu tuân thủ các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của thị trường cao cấp, giá trị tiêu xuất khẩu được chứng nhận năm 2023 ước đạt 600 triệu USD; 50% đại lý thuốc bảo vệ thực vật ký cam kết tuân thủ các quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật; giảm 98% việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm, đặc biệt là các loại thuốc diệt cỏ, nấm và côn trùng trong bối cảnh thị trường cảnh báo tồn dư ở mức cao; cải thiện đời sống cho gần 8.000 hộ trồng tiêu trên diện tích 8.500ha ở Tây Nguyên.

Dự án cũng huy động sự tham gia của 12 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu Việt Nam; 7 nhà mua cuối đã cam kết đồng hành và thống nhất đóng góp vào mục tiêu chung của ngành hồ tiêu, tăng cường sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững; 14 đội dịch vụ nông nghiệp (Agriteams) được thành lập nhằm cung cấp dịch vụ nông nghiệp, tư vấn và giám sát việc sử dụng hóa chất có trách nhiệm của nông dân; 160 khóa tập huấn cho nông dân đã được tổ chức.

Khi tham gia dự án, nông dân được phổ biến kiến thức và hướng dẫn áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM), quản lý thảm phủ... góp phần giảm vật tư đầu vào, qua đó giảm 10% phát thải carbon và giảm 17% lượng nước tưới.

Bà Phan Thị Vân, Giám đốc IDH Việt Nam cho biết, những năm gần đây, do phát triển quá nhanh nên việc trồng tiêu tại Tây Nguyên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngành hồ tiêu của Việt Nam phải đối mặt với việc mất khả năng cạnh tranh quốc tế về chất lượng và giá cả. Việc này đã ảnh hưởng đến sinh kế của các hộ dân trồng hồ tiêu.

Gần 8.000 nông dân tại Tây Nguyên hưởng lợi từ dự án. Ảnh: IDH.

Gần 8.000 nông dân tại Tây Nguyên hưởng lợi từ dự án. Ảnh: IDH.

Theo bà Vân, dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” đã tạo nên sự thay đổi thực sự bền vững trong sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trên quy mô lớn.

“IDH cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành hồ tiêu Việt Nam phát triền bền vững. Thời gian tới, IDH sẽ tăng cường huy động sự tham gia đầu tư của khối công, khối tư để nhân rộng các kết quả của dự án.

Đặc biệt, IDH sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam và các doanh nghiệp gia vị Việt Nam xây dựng, triển khai các chương trình tập trung vào các vấn đề quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cải thiện sinh kế của người dân. Đồng thời hỗ trợ ngành gia vị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường về các vấn đề xã hội và môi trường”, bà Vân nói.

Bình luận