Perkinsus Marinus, bệnh đặc biệt nguy hiểm trên hàu: Có khả năng xóa sổ cả vùng nuôi nhuyễn thể

Bình luận · 206 Lượt xem

Có khả năng xóa sổ cả một vùng nuôi nhuyễn thể, Perkinsus Marinus được Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) liệt vào danh sách bệnh bắt buộc phải khai báo kiểm dịch.

Hàu bị nhiễm bệnh Perkinsus Marinus bên phải. Ảnh: HB. 

Hàu bị nhiễm bệnh Perkinsus Marinus bên phải. Ảnh: HB. 

Nghề nuôi hàu giống xuất hiện tại huyện Kim Sơn khoảng 6 năm trở lại đây. Ban đầu chỉ là một số trại nhỏ do người dân nuôi thử nghiệm. Từ hiệu quả bước đầu, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất và mở rộng trại nuôi. Đến nay, có khoảng 400 trại sản xuất hàu giống, tập trung chủ yếu ở các xã Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung.

Theo ông Vũ Trường Thu, Chủ tịch UBND xã Kim Trung, tổng diện tích sản xuất, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã liên tục tăng trong những năm qua. Năm 2020, mới có 76 cơ sở tham gia sản xuất, diện tích gần 50ha. Sang đến năm 2023, đã có 169 cơ sở, với diện tích lên tới 130ha, chiến gần một nửa tổng diện tích sản xuất thủy sản toàn xã.

"Năng suất con giống tại Kim Trung đạt khoảng 7,6 triệu con giống/ha, bà con hiện thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt, có hộ thu nhập đến 1 tỷ đồng/ha/năm", ông Thu cho biết.

Sản xuất hàu giống là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao song lại không ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, chất lượng hàu giống tại Kim Sơn tốt hơn nhiều so với hàu nhập ngoại cũng như hàu được sản xuất tại các địa phương khác. Do đó, con giống có giá bán cao hơn, được ưa chuộng hầu hết ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng,…

Tuy nhiên, nghề sản xuất hàu giống tại Kim Sơn vẫn tồn tại nhiều khó khăn về điều kiện môi trường, nguồn giống bố mẹ, hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập, nhiều hộ nuôi trồng vẫn mang tính tự phát dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Trong đó, nguy hiểm nhất là bệnh Perkinsus Marinus.

Theo ông Phạm Huy Trung, cán bộ Chi cục Thủy sản Ninh Bình được "biệt phái" tại huyện Kim Sơn, Perkinsus Marinus là bệnh do ký sinh trùng đơn bào Perkinsus gây ra. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng ở nhuyễn thể trên phạm vi toàn cầu được Tổ chức Thú y thế giới liệt vào danh sách bắt buộc phải khai báo và kiểm dịch trên hàu nói riêng và nhuyễn thể nói chung.

Perkinsus Marinus ký sinh trên mang, màng áo, tế bào biểu mô ruột, các tổ chức mô liên kết của tuyến tiêu hóa và tuyến sinh dục của nhuyễn thể hai mảnh vỏ lây truyền trực tiếp giữa động vật thân mềm mà không cần vật chủ trung gian với tốc độ lây lan nhanh. Chúng được tìm thấy lần đầu tiên trên hàu, sau đó là trên điệp, nghêu và bào ngư.

Khi nhiễm bệnh, trên hàu sẽ xuất hiện các triệu chứng như vỏ gầy rạc, mô chảy nước, co màng áo, tuyến tiêu hóa nhợt máu. Các bào tử ký sinh xuất hiện với những nốt sần màu nâu trắng hoặc những nang trên mặt của màng áo, mang gây tổn thương và xung huyết nghiêm trọng trên mang, mô ruột và mô liên kết của hàu.

Ông Phạm Huy Trung, cán bộ Chi cục Thủy sản Ninh Bình (bên trái) trao đổi với hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Kim Sơn. Ảnh: Huy Bình. 

Ông Phạm Huy Trung, cán bộ Chi cục Thủy sản Ninh Bình (bên trái) trao đổi với hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Kim Sơn. Ảnh: Huy Bình. 

Ông Trung cho biết, theo các nghiên cứu của các chuyên gia thủy sản, bệnh Perkinsus Marinus xảy ra trên nhuyễn thể hai mảnh vỏ như hàu, vẹm, ngao. Một trong những nguyên nhân chính khiến dịch bệnh dễ dàng phát sinh đó là nuôi thâm canh mật độ cao. 

Đáng lưu ý, bệnh này xảy ra quanh năm nhưng thường tập trung nhiều nhất vào mùa thu và ít nhất vào đầu xuân khi nhiệt độ môi trường trên 20 độ C, độ mặn từ 9 - 12 phần nghìn. Cường độ nhiễm bệnh tăng cao khi môi trường tăng độ mặn trên 12 phần nghìn. Nhuyễn thể hai mảnh vỏ bị nhiễm bệnh với tỷ lệ cao, tỷ lệ chết có thể lên đến 95% khi điều kiện môi trường bất lợi đối với vật chủ.

Tại Việt Nam, Perkinsus Marinus được phát hiện lần đầu tiên trên ngao lụa ở vùng biển Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2007. Đến năm 2010, chúng tiếp tục được phát hiện trên ngao tại huyện Cần Giờ, TP. HCM.

Năm 2015, bệnh Perkinsus đã càn quét vùng nuôi ngao tại Bến Tre gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề. Theo kết quả xét nghiệm của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, tình trạng ngao chết do nhiễm ký sinh trùng Perkinsus, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng rất cao ở tất cả các mẫu xét nghiệm (từ 80-100%). 

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bến Tre, tổng diện tích thiệt hại do bệnh Perkinsus là hơn 1.000ha, tỷ lệ thiệt hại phổ biến từ 30-40% số lượng nghêu trên bãi, thiệt hại ước tính gần 1.500 tấn. Cá biệt có những Hợp tác xã thiệt hại 100% diện tích nuôi.

Bình luận