Mùa sầu riêng hỗn loạn: [Bài 1] Nhiều bất cập, lắm nỗi lo

Bình luận · 176 Lượt xem

Mùa sầu riêng 2023 tại Đắk Lắk có thể thành công vì sản lượng, diện tích và người nông dân được lợi. Tuy nhiên, niên vụ này cũng bộc lộ nhiều vấn đề.

Vẫn chưa giải quyết hết hệ lụy

Vụ sầu riêng 2023 ở tỉnh Đắk Lắk đã kết thúc hơn một tháng với sản lượng đạt trên 214.000 tấn. Trong đó, sản lượng xuất khẩu ước đạt trên 160.000 tấn, giá trị thu về khoảng 15.000 tỷ đồng. Đây được xem là vụ sầu riêng thành công về sản lượng, giá trị xuất khẩu và giúp tỉnh Đắk Lắk có thêm hàng nghìn nông dân trở thành tỷ phú.

 

Niềm vui đến với nông dân nhưng đây lại là niên vụ buồn đối với những doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, khi hầu hết bị thua lỗ. Điều này càng làm lộ rõ những nỗi lo ở ngành hàng đầy triển vọng.

 

Bà Lê Ngọc Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Song Toàn Phát khẳng định, vụ sầu riêng tại Đắk Lắk vừa qua quá hỗn loạn. Các doanh nghiệp muốn rút khỏi và không mặn mà đầu tư tại Đắk Lắk trong những vụ tiếp theo. Theo bà Thảo, toàn bộ mùa vụ vừa qua các doanh nghiệp đều thua lỗ. Cho đến bây giờ vẫn còn một hệ lụy là thương lái cầm tiền của doanh nghiệp nhưng không cắt, giao hàng dẫn đến mất khả năng chi trả.

 

"Có rất nhiều công ty kinh doanh sầu riêng đặt chân đến Đắk Lắk vừa qua là của người Trung Quốc. Họ sang đầu tư hoặc góp vốn rồi để người Việt Nam đứng tên. Khi người Trung Quốc sang Việt Nam kinh doanh họ bơm tiền cho các thương lái nhưng không thực hiện hợp đồng mà thương lái cầm tiền bỏ trốn. Việc này gây ra rất nhiều hệ lụy”, bà Thảo chi sẻ.

 

Bà Thảo cho biết thêm, mùa vụ vừa qua giá sầu riêng tại Đắk Lắk tăng bất thường. Người dân cứ thấy trái là tính tiền chứ không mua theo quy cách, tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, Đắk Lắk xuất hiện đội ngũ cò dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán.

 

"Doanh nghiệp kinh doanh vụ sầu riêng tại Đắk Lắk vừa qua lỗ ít nhất là 20 tỷ, nhiều lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chúng tôi đang lo lắng năm sau các doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng ngồi lại với nhau, bắt tay không đặt hàng mà đợt đến lúc sầu riêng rụng mới đi mua khi đó giá nào thì nông dân cũng phải bán", bà Thảo nói.

 

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm cho biết, mùa vụ sầu riêng vừa qua doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn. Đắk Lắk ngoài những thuận lợi như vùng nguyên liệu rộng, sản lượng lớn thì cũng xảy ra nhiều vấn đề như tranh mua, tranh bán. Người dân bẻ cọc, phá vỡ liên kết với doanh nghiệp.

Theo bà Thanh, đối với các đối tác mà doanh nghiệp ký hợp đồng để cung ứng hàng thì cũng không đáp ứng được sản lượng đã cam kết dẫn đến câu chuyện tranh chấp kéo dài.

 

“Khi xảy ra tranh chấp, các trường hợp trên đưa người đến công ty quậy phá gây mất an ninh trật tự. Doanh nghiệp có hợp đồng đã ký kết đúng theo pháp luật nên khi xảy ra việc này không sợ. Đến nay việc này vẫn chưa giải quyết xong gây nhiều phiền phức cho chúng tôi”, bà Thanh nói.

 

Doanh nghiệp, nông dân mất lòng tin với nhau

Theo bà Lê Ngọc Phương Thảo, mùa vụ vừa qua người dân thấy lợi sẵn sàng bẻ cọc, bỏ hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp. “Năm qua doanh nghiệp đi xây dựng mã vùng trồng cho các HTX, người dân nhưng không thể mua được sản phẩm tại đây. Người nông dân sẵn sàng bán cho các doanh nghiệp trả giá cao hơn và không nghĩ đến việc đơn vị đã hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng lâu nay. Họ không nghĩ đến việc xây dựng mối liên kết ổn định, lâu dài.

 

Như vậy doanh nghiệp rất khó khăn trong việc thu mua và phát triển mã số vùng trồng cho nông dân. Doanh nghiệp bỏ ra chi phí làm mã vùng trồng cho đến khi thu hoạch lại không thể mua hàng hóa.

 

Các hộ dân liên kết chỉ chừa lại cho doanh nghiệp những hàng xấu, hàng mà đơn vị khác không thu mua. Khi doanh nghiệp đến thì hàng không đạt mà còn đưa ra giá cao nên không thể thu mua”, bà Thảo chua chát nói.

 

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm để có vùng trồng xuất khẩu, doanh nghiệp suốt năm 2023 đã hỗ trợ HTX xây dựng mã vùng trồng. Tuy nhiên đến thời điểm thu hoạch thì bà con và HTX không còn giữ cam kết mà đưa danh nghiệp bên ngoài đến thu mua.

 

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh cho biết, việc này là cạnh tranh không lành mạnh từ đó xảy ra vấn đề tranh mua, tranh bán. “Doanh nghiệp cho nhân viên đến vườn đánh giá tỷ lệ, phát giá thì đơn vị khác đến đưa gia cao hơn là người dân bán. Như vậy không có tính liên kết, bất chấp bán ra ngoài hưởng lợi mà không giữ chữ tín.

 

Tờ đó, năm nay doanh nghiệp xuất trái tươi và cấp đông rất khó khăn, không đạt như kế hoạch. Năm ngoái doanh nghiệp bóc múi được 2.000 tấn thì năm nay chỉ làm được một nửa. còn đóng gói so với kế hoạch của công ty chỉ được 10-15%”, bà Thanh nói.

 

Nữ chủ tịch cho biết thêm, tình trạng này khiến doanh nghiệp mất niềm tin vào người dân, HTX và người dân cũng không đặt niềm tin vào doanh nghiệp mặt dù doanh nghiệp đã làm rất nhiều việc cho họ.

 

"Việc bẻ gãy liên kết như thế sẽ là nguy cơ trong thời gian sắp tới là mạnh ai nấy sống, nông dân sẽ tự chịu với sản phẩm mình làm ra, doanh nghiệp thích thì mua không thì thôi. Nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng ép giá, ép sản lượng và lâu dài người dân sẽ chịu thiệt đầu tiên”, bà Thanh chia sẻ.

 

Ngoài ra mùa vụ sầu riêng tại Đắk Lắk có thời gian ngắn nên tất cả doanh nghiệp đổ xô đến mua bất chấp. Các doanh nghiệp tự nâng giá dẫn đến rối loạn thị trường. Năm nay xuất hiện tình trạng lực lượng môi giới bất động sản chuyển sang môi giới sầu riêng.

 

“Do những năm trước họ làm bất động sản nên biết nguồn vườn nên chuyển qua môi giới sầu riêng. Họ không hiểu biết gì về sầu riêng nhưng cứ vào mua vườn bất chấp để sang lại lấy lời. Tuy nhiên họ không hiểu quy luật của sản phẩm và thị trường nên dẫn đến tình trạng loạn giá. Chính lực lượng này cũng bị thiệt hại rất nhiều”, bà Thanh phân tích.

 

Minh Quý

 

Bình luận