Nhiều dư địa để tận dụng FTA
Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Bình luôn đạt tăng trưởng khá, kể cả thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, mức tăng trưởng năm 2021 là 23,9%; năm 2022 là 13,5%. Một số mặt hàng của tỉnh đã tận dụng tốt các FTA thế hệ mới như là may mặc, thủy sản, giày da.
Tháng 3/2022, UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt Đề án Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tập trung một số mặt hàng chủ lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, quy cách đóng gói nhằm phù hợp với thị hiếu của thị trường tiêu thụ. Với nông, thủy sản, các mặt hàng nghêu, gạo, rutin hòe được xác định là mũi nhọn.
Bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Bình cho biết, với các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA, doanh nghiệp trên địa bàn sẽ được hướng dẫn cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giúp khách hàng được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu, qua đó cũng tăng sức cạnh tranh.
"Theo kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ tận dụng FTA của Thái Bình khoảng 40%. Trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất là Hàn Quốc", bà Lan nói.
Theo bà Lan, tỷ lệ tận dụng FTA của các mặt hàng xuất khẩu từ Thái Bình có thể tăng. Lấy ví dụ về mặt hàng may mặc, Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin, rằng một số doanh nghiệp chưa tận dụng triệt để ưu đãi về thuế quan. Cụ thể, với các hiệp định như CPTPP, UKVFTA hay EVFTA, nếu nguồn nguyên liệu xuất xứ từ nội khối, hạn mức thuế quan sẽ được giảm sâu hơn.
Nhận thức được việc này, nhiều doanh nghiệp dệt may Thái Bình đã chuyển hướng để đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ trong hiệp định. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến xuất khẩu, đặc biệt là với những mặt hàng hoặc thị trường còn nhiều dư địa như sứ dân dụng, thủy sản, các sản phẩm từ kim loại hay linh kiện điện tử.
Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Thái Bình trong việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, đặc biệt là đầu tư của khối ngoại vào các lĩnh vực, ngành nghề có ưu thế tận dụng FTA.
Đánh giá cao sự chủ động của các địa phương như Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang... trong việc tận dụng FTA thế hệ mới, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nêu thực tế, yếu tố quyết định để các nhà đầu tư FDI lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy là sự thuận tiện về giao thông tới vùng nguyên liệu và cơ sở logistics.
"Khu vực phía Bắc thu hút FDI vào ngành điện tử rất khả quan, nhất là những tập đoàn hàng đầu. Các doanh nghiệp nước ngoài có lẽ đã ghi nhận sự nhiệt tình và độ hấp dẫn về môi trường đầu tư tại đây", bà Hương lý giải.
Qua khảo sát thực tế, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhìn nhận, hiện không có nhiều rào cản từ góc độ địa phương. Nhưng bản thân các đối tác và quy định xuất khẩu luôn thay đổi, bắt buộc địa phương phải nghiên cứu, tuân thủ những nội dung mới, các chi tiết mang tính bền vững.
Bà Hương dẫn chứng tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương chủ động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các buổi đào tạo, tập huấn để nâng cấp nhà máy, quy trình để hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. "Những địa phương có cộng đồng doanh nghiệp đông đảo, chúng tôi mong muốn sự quan tâm hơn từ chính quyền", bà bày tỏ.
Sẽ có bộ chỉ số tương tự PCI
Bộ Công thương cho biết, năm 2022, cả nước có thêm 11 tỉnh, thành phố tham gia hoạt động xuất khẩu với thị trường CPTPP. Con số tương ứng với hiệp định EVFTA, UKVFTA là 11 và 13.
Dù vậy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi C/O ưu đãi của doanh nghiệp trong nước chưa cao. Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường FTA còn khiêm tốn. Đáng chú ý, công tác thực thi, triển khai FTA tại địa phương còn nhiều tồn tại, khó khăn. Các hoạt động hỗ trợ của địa phương chủ yếu nằm trong khuôn khổ chính sách phát triển chung, không phải dành riêng cho việc thực thi FTA, khiến công tác hỗ trợ bị dàn trải.
"Còn khoảng cách lớn giữa nhu cầu của doanh nghiệp và khả năng, mức độ đáp ứng của chính quyền địa phương", ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận xét.
Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, kế hoạch hỗ trợ thực thi FTA tập trung vào 5 nhóm giải pháp: Tuyên truyền; pháp luật; hỗ trợ; phát triển bền vững; các vấn đề về xã hội. Để tạo ra sức mạnh tổng thể, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam trên trường quốc tế, Phó Vụ trưởng Ngô Chung Khanh đề cập tới một kế hoạch chung, để tạo lập hệ sinh thái ngành hàng.
Vừa qua, Bộ Công thương đã phối hợp UBND tỉnh Lai Châu tổ chức hội thảo về chè. Ông Khanh cho biết, địa phương rất muốn xây dựng một thương hiệu về chè. Nhưng ngay tại Việt Nam, nhiều tỉnh cũng làm về chè như Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ...
"Nếu 4 tỉnh ngồi lại với nhau và tìm ra giải pháp chung sẽ tốt hơn", ông Khanh nêu quan điểm. Nguyên nhân, theo ông, là có những tỉnh đã xây dựng thương hiệu riêng xuất khẩu sang các thị trường FTA. Do đó, thay vì xây dựng thêm một thương hiệu cạnh tranh nữa, thì địa phương nên phối hợp, dồn nguồn lực vào những sản phẩm thế mạnh để "cùng đi lên".
Ở cấp Trung ương, Bộ Công thương đang nghiên cứu xây dựng chỉ số FTA Index. Đây là nhiệm vụ Chính phủ đã giao và kỳ vọng hoàn thành vào cuối năm 2023, nhằm đánh giá kết quả thực hiện FTA tại các tỉnh, thành phố.
"Chúng tôi hy vọng, với tư duy tương tự chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), FTA Index sẽ giúp cho các tỉnh quan tâm hơn, chú trọng nhiều hơn đến việc tận dụng hiệu quả các FTA", ông Khanh nhấn mạnh.
Bảo Thắng