Bảo nhau trồng hòe, thành viên HTX tại Thái Bình thu lãi gấp 10 lần lúa

Bình luận · 88 Lượt xem

Đến thăm thôn Phú Mỹ, xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư (Thái Bình) vào những ngày đầu tháng 8, đâu đâu cũng là những gốc hòe bắt đầu bung nụ, báo hiệu mùa thu hoạch hòe đã đến. Góp phần không nhỏ vào quá trình mang hòe phủ xanh v?

Tìm hiểu về lịch sử canh tác nông nghiệp ở xã Hồng Lý, nhiều người không khỏi trầm trồ về sự nhạy bén, linh hoạt, dám nghĩ dám làm của những người nông dân vùng đất ven sông Hồng này.

Suốt nhiều năm, người dân nơi đây không ngần ngại thử nghiệm các giống cây trồng mới, nhằm đạt được hiệu quả kinh tế tối đa. Xen canh cũng là phương pháp được bà con địa phương ưa chuộng để tránh rủi ro khi “bỏ trứng vào một giỏ”.

Tuy nhiên, trải qua nhiều cơn biến động của thị trường, vẫn có một loại cây gắn bó với người dân địa phương đã hơn 10 năm, đó là cây hòe – một loại cây dược liệu có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe.

Nhận thấy đây là giống cây dễ trồng và ít phải chăm sóc, đặc biệt là cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần lúa, HTX Tam Tỉnh thuộc thôn Phú Mỹ được thành lập nhằm tuyên truyền, vận động bà con tập trung phát triển cây hòe, đưa cây dược liệu này thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Thu lãi gấp 10 lần lúa

Chia sẻ với VnBusiness, ông Vũ Thế Hoàng - trưởng thôn Phú Mỹ, thành viên Ban quản lý HTX Tam Tỉnh cho biết, cây hòe được nông dân ở xã Hồng Lý đưa vào trồng từ năm 2013.

Trước đó, loại cây này chỉ mọc rải rác ở một số địa phương và được trồng tại xã Bách Thuận. Nông dân Hồng Lý khi đó chủ yếu trồng dâu, nuôi tằm, sau thời gian dài đến Bách Thuận để mua cây dâu giống, biết đến cây hòe và bắt đầu mang về trồng thử tại địa phương.

Tại xã Hồng Lý, hòe thường được trồng vào khoảng tháng 2 âm lịch, sau khoảng 6 tháng, cây đã cho lứa hoa đầu. Hoa hòe là một vị thuốc chứa từ 6 – 30% rutin, có tác dụng hạ huyết áp, cầm máu, làm bền thành mạch, phòng ngừa tai biến mạch máu não…

Hòe ra hoa hầu như quanh năm, đặc biệt cho thu hoạch rộ trong khoảng từ tháng 6 âm lịch đến cuối tháng 8 âm lịch. Mỗi cành hoa hòe sau khi ngắt đi sẽ tự động nảy ra 3-4 cành mới, sau khoảng tháng rưỡi là có thể ra lứa tiếp theo. Khi vào chính vụ, mỗi lứa thu hoạch chỉ cách nhau 4-5 ngày.

"Thời điểm vàng" để thu hoạch hoa hòe là lúc nụ sắp bung hoa. Cành hoa hòe sau khi hái về sẽ được loại bỏ cuống và lá, chỉ giữ lại nụ. Nụ hoa phơi khô là có thể bán.

Không chỉ cho năng suất cao, doanh thu mang lại từ hoa hòe có thể gấp từ 3 - 10 lần cấy lúa, trồng ngô. Năm thấp nhất, giá hoa hòe vẫn đạt 30 – 40 nghìn đồng/kg, tính ra 1 sào trồng hòe thu 3 - 4 triệu đồng/năm. Vì vậy, trải qua nhiều lần thăng trầm giá bán, kể cả những đợt giảm kịch sàn, người dân Hồng Lý vẫn kiên trì không phá bỏ cây hòe.

Bà Trần Thị Phượng, Giám đốc HTX nông nghiệp Tam Tỉnh cho biết: “Trên vùng đất bãi, trước kia nông dân trồng ngô, đậu đỗ cho hiệu quả kinh tế thấp. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con trồng nhiều loại cây ăn trái, cây dược liệu, trong đó phổ biến nhất là cây hòe vì hòe không đòi hỏi nhiều vốn, kỹ thuật và công chăm sóc như các loại cây khác.”

Đồng hành cùng người dân

Góp phần không nhỏ vào quá trình làm giàu từ cây hòe ở xã Hồng Lý là các thành viên của HTX Nông nghiệp Tam Tỉnh. Bên cạnh việc tuyên truyền, kêu gọi nhân dân chuyển từ canh tác nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng rau màu xen canh với cây hòe, HTX còn hỗ trợ người dân trong việc tưới tiêu, chăm sóc cây trồng, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

-4138-1692759905.jpg

Hoa hòe là một vị thuốc có tác dụng hạ huyết áp, cầm máu, làm bền thành mạch, phòng ngừa tai biến mạch máu não.

Đặc biệt, HTX cũng khuyến khích các thành viên mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản hoa hòe. Trước kia, bà con trồng hòe cây cao, khó thu hái bông. Những năm gần đây, sau mỗi vụ thu hoạch, nông dân đốn cành, tạo giống “hòe lùn” thuận lợi cho khâu thu hoạch.

Hiện, 100% thành viên HTX Tam Tỉnh đã có máy tuốt hòe, nhiều hộ còn đầu tư máy sấy hòe, vừa phục vụ gia đình vừa có thể cho thuê, sản phẩm hòe sau thu hoạch được bảo quản tốt, giảm rủi ro, thất thoát so với trước kia.

HTX Nông nghiệp Tam Tỉnh hiện có 200 ha hòe, cho sản lượng hòe khô đạt 120-130kg/sào. Trung bình cứ 3kg tươi là được 1 cân khô. Bình quân giá hòe khô từ đầu năm 2023 đến nay là 100.000 đồng/kg, mang lại cho HTX doanh thu khoảng 13 triệu đồng/sào, góp phần tạo công ăn việc làm cho hơn 900 hộ dân tại địa phương.

Đã có thời gian 4-5 năm gắn bó với cây hòe, chị Nguyễn Thị Thanh Lan – thành viên HTX Tam Tỉnh cho biết, chị chưa bao giờ hối hận khi nghe theo HTX chuyển đổi 3 sào đất trồng rau màu sang trồng hòe.

“Từ ngày tham gia HTX và chuyển sang trồng hòe, kinh tế người dân khá lên nhiều, đặc biệt là những gia đình có nhiều ruộng. Nhà tôi có 3 sào hòe, trung bình thu được khoảng 20 cân khô/lứa, trung bình mỗi lứa lãi 2 triệu. Lúc hòe vào chính vụ, cứ 4-5 ngày là được một lứa mới. Hòe cũng rất dễ trồng và ít phải chăm sóc, có những nhà có người trẻ đi làm hết, chỉ có 2 người già vẫn có thể trồng hòe được. Sáng thu hoạch thì chiều đã có tiền ngay, nhờ trồng hòe, họ có thêm tiền dành dụm phòng lúc ốm đau.”

Bài toán về vốn và đầu ra

Hiện nay, xã Hồng Lý chiếm 70% diện tích trồng hòe trên toàn huyện Vũ Thư; riêng tại thôn Phú Mỹ, hòe chiếm 100% diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, lúc hòe đương nở rộ, cho năng suất vượt trội cũng là lúc các thành viên HTX phải trăn trở tìm đầu ra cho sản phẩm.

-6534-1692759905.jpg

Cây hòe rất dễ trồng và ít phải chăm sóc, năng suất cao, đặc biệt là cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần lúa.

Hoa hòe tuy là một loại dược liệu quý nhưng lại được ít người biết đến. Ở xã Hồng Lý chưa có đơn vị nào chính thức ký hợp đồng thu mua hòe. Kênh tiêu thụ chủ yếu là bán cho các thương lái ở xã Đông Hưng, Bách Thuận và hầu hết là xuất khẩu sang Trung Quốc.

Việc phụ thuộc vào các thương lái khiến người nông dân phải đối mặt với rủi ro cao, dễ lâm vào tình trạng “được mùa mất giá” hoặc thương lái “lật lọng” ngừng thu mua. Ngoài ra, giá hòe cũng chưa ổn định, dễ bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường.

Theo Giám đốc Trần Thị Phượng, muốn đầu ra của hòe được ổn định hơn thì khâu phát triển thương hiệu và quảng bá sản phẩm là vô cùng quan trọng. Trong thời gian tới, các thành viên HTX có kế hoạch nâng cao chất lượng hòe tại địa phương, nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), từ đó xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm hòe khô xã Hồng Lý.

Trước mắt, HTX đã cử các thành viên của mình sang Trung Quốc để học tập và nghiên cứu. Bước đầu ghi nhận hòe khô do người dân xã Hồng Lý sản xuất có hàm lượng rutin lên tới 37%, cao hơn so với mức độ rutin thường thấy ở cây hòe thông thường (từ 10-30%). Đây là yếu tố rất cần thiết để tạo dựng danh tiếng cho hòe Hồng Lý sau này.

Tuy nhiên, cũng như nhiều mô hình kinh doanh khác, nguồn vốn hạn hẹp đang là yếu tố chính cản trở HTX thực hiện kế hoạch của mình.

Chính vì lẽ đó, ban lãnh đạo HTX mong muốn kêu gọi được thêm sự giúp sức từ các doanh nghiệp để cùng chung tay đầu tư, đưa thêm nhiều kỹ thuật khoa học hiện đại về áp dụng vào công cuộc làm kinh tế nông nghiệp của địa phương. Đặc biệt, những cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn cho HTX từ các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương sẽ là nguồn lực rất lớn giúp HTX Tam Tỉnh phát triển lâu dài.

Bình luận