Nuôi con đặc sản, thị trường ngách tiềm năng [Bài 5]: Làng xuất triệu trứng cút đi Tây mỗi năm

Bình luận · 187 Lượt xem

Với đàn chim cút hơn 8 triệu con, Đồng Nai có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu trứng cút ăn liền đi các nước.

Nhắc đến thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai là nói đến hai vật nuôi chủ đạo là gà và heo. Thế nhưng, chim cút Đồng Nai cũng là một trong những vật nuôi có số lượng lớn và đang mở ra nhiều triển vọng cho người chăn nuôi. Dù hiện số trang trại và tổng đàn chim cút đã bị giảm nhưng Đồng Nai vẫn duy trì nuôi khoảng 8 triệu con/năm, thuộc nhóm cao nhất cả nước.

 

Làng cút Hố Nai (TP Biên Hòa) trước đây nổi tiếng trong chăn nuôi loài cút đặc sản tại Đồng Nai với hàng ngàn hộ. Làng cút phát triển rầm rộ ở hầu hết từng hộ gia đình, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, đợt dịch cúm gia cầm xảy ra vào năm 2003 khiến nhiều nông dân nuôi cút mất trắng. Sau đó, để phát triển đô thị, các trại chăn nuôi phải di dời ra khỏi địa bàn dân cư, về các huyện lân cận.

 

Ở độ tuổi gần 80, ông Nguyễn Quốc Hưng (Phường Hố Nai, TP Biên Hòa) vẫn tiếc ngẩn ngơ khi làng cút không thể tiếp tục được chăn nuôi.

 

“Sau dịch cúm, gần như không ai có đủ sức đứng lên. Dịch bệnh, tiền bạc không đủ và vấn đề về môi trường là những bài toán không thể giải quyết được khi ấy. Tất cả đều phải di dời về Trảng Bom, Vĩnh Cửu… để đầu tư trang trại khác”, ông Hưng chia sẻ.

 

Xuất thân từ làng cút Hố Nai, anh Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Vương Gia Hưng Thịnh (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) nuôi tham vọng sẽ chấn hưng thương hiệu làng cút truyền thống này. Nuôi chim cút từ khi còn chưa tròn 10 tuổi, anh Thịnh đặt nhiều kỳ vọng và cũng thấy triển vọng từ loài vật nuôi đặc sản này.

Nghĩ là làm, anh Thịnh đã đi nhiều nước để học hỏi, đầu tư cơ giới hóa và tự động hóa trong chăn nuôi. Hiện, sản phẩm trứng cút ăn liền của công ty Vương Gia Hưng Thịnh đã xuất khẩu đi các nước như Mỹ, Nhật Bản, Úc…

 

Từng “ngấm đòn” bài học mất trắng cả trang trại chim cút do dịch bệnh, anh Thịnh đang thuyết phục những hộ chăn nuôi đầu tư chuồng lạnh để hạn chế rủi ro. Ngoài việc tạo được sự bền vững trong chăn nuôi thì đây còn là tiêu chí để sản phẩm trứng cút từ các trang trại này có thể rộng đường xuất ngoại.

 

“Với chuồng lạnh việc chăn nuôi sẽ có nhiều ưu điểm hơn như chim cút phát triển khỏe mạnh, chăn nuôi ít mùi hôi hơn và cũng gần như không sử dụng tới kháng sinh cho vật nuôi. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc chim cút, trứng cút phải đạt được nếu muốn xuất khẩu sang nước ngoài”, anh Thịnh chia sẻ.

 

Hiện, trang trại chim cút bằng phương pháp chuồng lạnh của anh Thịnh đang nuôi hơn 400.000 con cút đẻ trứng, xuất đi nước ngoài hơn 350.000 trứng cút ăn liền. Ở thị trường nội địa, anh Thịnh liên kết với những bà con nuôi cút tại các huyện để cung cấp hơn 1 triệu quả cút khắp các tỉnh.

 

Việc liên kết này tạo sức tiêu thụ ổn định, người chăn nuôi không lo thiếu đầu ra. Chim cút sau hết vòng đời sinh sản cũng sẽ được bán cho các công ty chế biến, làm thịt để cung cấp cho thị trường nội địa.

 

Với việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào trong sản xuất, trứng cút ăn liền và trứng cút tươi của Công ty TNHH Vương Gia Hưng Thịnh còn được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Đồng Nai.

 

“Đây là cột mốc và bước tiến lớn của chúng tôi để minh chứng cho làng cút Hố Nai xưa đang còn tiếp tục phát triển. Trứng cút Đồng Nai không chỉ sẽ bỏ sỉ cho các tỉnh mà còn sẽ tiến mạnh hơn ở các thị trường xuất khẩu khó tính”, anh Thịnh thông tin.

 

Đầu tháng 11/2023, anh Thịnh hồ hởi khoe với chúng tôi rằng đang gấp rút xây dựng thêm một trang trại nuôi và nhà máy chế biến trứng cút ăn liền gấp 3 lần hiện tại.

 

Cụ thể, trong năm 2024, số lượng chim cút sẽ đạt hơn 1 triệu con và lượng trứng cút ăn liền cũng đạt khoảng hơn 3 triệu quả/tháng, tương ứng với 30 container. Với năng suất này mới chỉ cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tối thiểu của các bạn hàng tại Mỹ, Nhật, Úc…

 

 

Hiện, huyện Trảng Bom hiện là vùng nuôi chim cút lớn nhất Đồng Nai. Thời đỉnh điểm, tổng đàn chim cút trên toàn huyện Trảng Bom lên tới 6 triệu con. Đến nay, mặc dù không rầm rộ như trước nhưng Trảng Bom vẫn duy trì hơn 160 trang trại với hơn 2,2 triệu con chim cút.

 

Ngoài ra, tại huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc… số trang trại cút cũng đang khá nhiều, có đủ dư địa để phát triển xuất khẩu. Dự kiến, đến cuối năm 2024, tổng đàn chim cút của Đồng Nai sẽ tăng lên khoảng 9-10 triệu con.

 

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều hộ dân và doanh nghiệp đang đầu tư trại lạnh để nuôi chim cút. Đây là một trong những tiêu chí để phát triển bền vững khi nuôi chim cút và hướng tới xuất khẩu trứng và các sản phẩm chăn nuôi khác.

 

 

Lê Bình - Trần Phi

 

Bình luận