Giúp nông dân mở mang kiến thức chăn nuôi

Bình luận · 39 Lượt xem

Qua những chuyến học tập kinh nghiệm, học viên nhận thấy, các mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo đầu ra ổn định.

Trung tâm Khuyến nông An Giang vừa tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu nông dân nồng cốt năm 2024 cho 28 học viên của 11 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Lớp tập huấn được tổ chức với hình thức là học tập, kinh nghiệm các mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi tại TP. Cần Thơ và Hậu Giang ở các nông trại và HTX như: mô hình chim trĩ đỏ Cần Thơ, mô hình tuần hoàn Aquaponic ở khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và mô hình kinh tế tuần hoàn của HTX Ngũ Thường Mekong tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Qua các chuyến học tập kinh nghiệm, học viên tham dự đều nhận thấy mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo đầu ra ổn định, điển hình như: Mô hình nuôi chim trĩ đỏ liên kết tại các hộ dân, cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình nuôi và đảm bảo đầu ra cho nông hộ.

Ngoài nuôi lấy thịt, trại còn thu lại trứng cho hộ dân với giá dao động từ 4.000-5.000 đồng/trứng. Các trại đều xây dựng được các mô hình kinh tế tuần hoàn ứng dụng công nghệ cao như hệ thống nhà màng trồng dưa lưới. Hệ thống nuôi lươn thịt và lươn giống cung cấp cho thị trường. Trại chăn nuôi bò, trại nuôi trùng quế. 

Ngoài ra, còn có các mô hình nông nghiệp tuần hoàn như trồng cỏ voi và thu mua bắp cây ủ men vi sinh làm thức ăn nuôi bò, lấy phân bò nuôi trùn, lấy phân trùn bón cỏ và rau màu, lấy trùn nuôi cá và gia cầm…

Theo Bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang, qua 2 ngày học tập tại TP. Cần Thơ và Hậu Giang, các học viên đã đề xuất An Giang cần xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn tại địa phương.

Mô hình nhằm tận dụng các chất thải và phế phụ phẩm của quá trình đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học và khai thác, sử dụng được tài nguyên một cách tiết kiệm và hiệu quả. Từ đó giúp giảm thiểu sự lãng phí, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương. 

Ngoài ra, cần đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và có thể tận dụng các nguồn chất thải hữu cơ ngay tại mô hình góp phần làm đa dạng sản xuất, giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, giảm lượng chất thải phát sinh ra môi trường. Từ đó, giúp tăng thu nhập cho người chăn nuôi, phát triển kinh tế một cách nhanh chóng và bền vững tại địa phương.

Ngành nông nghiệp An Giang đẩy mạnh tập huấn, nâng cao kiến thức cho nông dân, HTX và doanh nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành nông nghiệp An Giang đẩy mạnh tập huấn, nâng cao kiến thức cho nông dân, HTX và doanh nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao năm 2024, đặc biệt trong ngành chăn nuôi hướng tới quy mô trang trại, tuần hoàn, khép kín và phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, thời gian qua ngành nông nghiệp An Giang đẩy mạnh tập huấn, nâng cao kiến thức cho nông dân, HTX và doanh nghiệp trên địa bàn biết cách thức chăn nuôi an toàn quy mô lớn giảm ô nhiễm môi trường và có liên kết với doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, An Giang còn thành lập được 129 Tổ khuyến nông cộng đồng với 1.601 thành viên. Số lượng tối thiểu là 5 người/tổ, do phó chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng. Tổ khuyến nông cộng đồng có kỹ năng nghiệp vụ như: tư vấn thành lập HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm, nâng cao năng lực HTX, tư vấn kỹ thuật cho nông dân và HTX trong phương pháp sản xuất và kinh doanh; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm rõ các tiêu chuẩn sản xuất theo yêu cầu thị trường, chính sách liên kết tiêu thụ nông sản...

An Giang được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực chăn nuôi. Hiện tại, tỉnh có khoảng 73,8 nghìn con trâu, bò, gần 103,6 ngàn con heo, khoảng 6,3 triệu con gà, vịt và trên 1.000 nhà yến với sản lượng tổ yến thu hoạch khoảng 15 tấn/năm.

An Giang hiện có tên 1.000 nhà yến với sản lượng tổ yến thu hoạch khoảng 15 tấn/năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An Giang hiện có tên 1.000 nhà yến với sản lượng tổ yến thu hoạch khoảng 15 tấn/năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Lâm, năm 2024, để đạt mức tăng trưởng cho ngành chăn nuôi đạt theo kế hoạch, ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang đã tổ chức sản xuất theo hướng an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh chủ động, chủ động tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, tạo được sự yên tâm cho người chăn nuôi.

Đặc biệt, để tạo hướng tăng trưởng mới, ngành chăn nuôi tập trung phát triển các hình thức nuôi trang trại, gia trại, nuôi gia công cho các doanh nghiệp theo chuỗi an toàn dịch bệnh. Hiện, các địa phương trong tỉnh thực hiện nuôi gia công heo thịt, gà thịt, lấy trứng và vịt thịt có liên kết với nhiều doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra. Vì vậy, giúp quy mô tăng đàn gia súc, gia cầm ngày càng nhiều và mang lại thu nhập ổn định cho các hộ nuôi liên kết.

Bên cạnh việc tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết với doanh nghiệp, ngành nông nghiệp còn tích cực xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư tại An Giang nhằm dẫn dắt ngành hàng chăn nuôi phát triển bền vững. 

Bình luận