Trồng quýt để “nuôi” rừng
Vườn quýt nằm sâu trong khu rừng có diện tích hơn 400ha nằm trên QL14 của Công ty Cổ phần Vĩnh Phúc do ông Tấn làm giám đốc (cách TP Đồng Xoài 11km hướng đi huyện Bù Đăng). Vườn quýt này được ông Tấn trồng để lấy kinh phí đầu tư, chăm sóc, bảo vệ tài nguyên rừng.
“Khu rừng này vốn ban đầu là dự án phát triển kinh tế rừng được nhà nước giao cho tôi từ hơn 30 năm trước. Thay vì khai thác rừng để làm kinh tế, tôi muốn bảo vệ và phát triển nó. Tôi trồng 30ha điều, 20ha cây ăn trái, trong đó có 10ha quýt, xây dựng trại gà đẻ trứng 280 ngàn để có kinh phí nuôi rừng, chứ không phải làm kinh tế để tích luỹ. Ăn uống được bao nhiêu đâu mà phải tích luỹ, còn khu rừng, nó là tài sản vô giá cho mọi thế hệ, cần phải được bảo vệ”, ông Tấn nói với chúng tôi.
Không tính khu rừng di tích lịch sử Chiến khu Đ ở xã Mã Đà (cũng thuộc huyện Đồng Phú), đây là khu rừng gần đô thị Đồng Xoài nhất còn sót lại của tỉnh Bình Phước.
Ông Tấn cho biết, hơn chục năm trước, sau khi về hưu, dù có nhà ở TP.HCM, nhưng ông đã gần như chuyển hẳn về Bình Phước, hòa mình vào thiên nhiên ở khu rừng.
“Tôi sinh ra ở Vĩnh Phúc, nhưng 17 tuổi đã tham gia cách mạng, mấy chục năm tuổi trẻ, tôi và đồng đội sống trong rừng, nhờ rừng bảo vệ, rừng cho mình ăn, vì thế, tôi trân quý rừng như chính sinh mạng của mình. Đó là lý do tôi về đây sinh sống. Khu rừng này khi tỉnh Bình Phước lập dự án kinh tế vốn là rừng nghèo, chỉ còn những khoảnh nhỏ rừng còn cây gỗ nên nếu người khác nhận, có thể những khoảnh rừng nguyên sinh trong dự án, dù không lớn nhưng có thể sẽ bị khai thác trắng để thay thế bằng các loại cây kinh tế, như thế thì rất đáng tiếc.
Nghĩ vậy nên tôi làm hồ sơ xin nhận bảo vệ. Mẹ tôi cũng là người yêu thiên nhiên nên khi lên đây bà rất thích, không muốn về Sài Gòn sống nữa. Từ đó, bà cũng là người trực tiếp chăm sóc, quản lý khu rừng. Trước khi qua đời, bà muốn tôi tiếp tục gắn bó, bảo vệ thật tốt và nâng cao giá trị cho khu rừng.
Bây giờ các anh nhìn xem, rừng có đẹp không? Ở đây có suối lớn, có hồ, trảng cỏ rộng và nhiều loài chim muông, thú rừng, có cả những loại quý hiếm, thuộc nhóm IIB nữa đấy. Vì thế, nhiều năm nay, cả tập thể mấy chục người chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để bảo vệ hệ sinh thái, chăm sóc, trồng thêm cây rừng.
Hiện chúng tôi đang thực hiện từng phần kế hoạch xây dựng nơi này thành một điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan và sinh hoạt cộng đồng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ rừng cho các thế hệ trẻ. Vườn quýt ngoài chức năng tạo kinh phí hoạt động, cũng sẽ là một điểm tham quan cho du khách khi đến đây”, ông Tấn tâm sự.
Xử lý ra quả trái vụ không cần hóa chất
Nói về lý do trồng quýt, ông Tấn cho biết, sau khi tìm hiểu về thổ nhưỡng, khí hậu ở Bình Phước, ông thấy phù hợp với cây quýt nên trồng thử vài chục cây và sau đó để chúng tự lớn như cây rừng. Mặc dù vậy, cây vẫn phát triển tốt và trái ăn rất ngon. Sau đó, ông quyết định dành một khoảnh đất trống hơn 10ha trồng quýt để lấy chi phí.
“Đất ở đây trước giờ không canh tác gì, rất sạch, lại được hệ thống cây rừng bảo vệ, không bị rửa trôi nên toàn bộ dinh dưỡng còn nguyên. Tôi chỉ việc làm đất rồi trồng cây thôi chứ chăm bón rất ít, nước thì có cả dòng suối, một mặt hồ rộng 2ha, tôi đầu tư thêm hệ thống ống dẫn nước, máy bơm tự động. Đất đã sạch, còn phân bón thì chỉ dùng phân bò, phân gà từ trại gà của tôi ngay ở đây ủ đủ thời gian mới bón. Cây quýt ở đây rất ít sâu bệnh, có lẽ vì nó nằm biệt lập trong khu rừng chăng? Tôi chẳng bao giờ phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ lâu lâu mới dùng chế phẩm sinh học được ủ từ các loại thảo dược để tưới, cỏ thì dùng tay, máy cắt chứ không phun thuốc trừ cỏ”, ông Tấn cho biết.
Mặc dù không tốn nhiều chi phí đầu tư, nhưng vườn quýt của ông Tấn vẫn phát triển rất tốt. Năng suất đạt từ 30 - 40 tấn/ha. Do quýt canh tác sạch nên sau khi thương lái biết rõ nguồn gốc, vườn quýt của ông Tấn chưa từng “ế” lần nào. Chỉ đôi khi phải theo thị trường, nên giá cũng có những lúc trồi sụt.
“Mình bán tự do cho thương lái nên phải chấp nhận giá thị trường thôi. Với lại, tôi không chuyên làm nông nghiệp, chỉ làm để có thêm kinh phí cho các dự án phát triển rừng nên không chú trọng tập trung cho việc tiêu thụ sản phẩm. Nhưng quýt rất ngon, dễ bán nên thương lái cũng thích. Trái quýt ở đây múi mềm, nhiều nước và không có trái nào bị chai, khô. Vì canh tác sạch nên bạn bè, người quen của tôi mỗi khi lên đây chơi đều hái ăn tại vườn và có thể ăn luôn cả vỏ, rất tốt”, vừa dẫn chúng tôi tham quan vườn quýt, ông Tấn vừa nói.
Để kiểm chứng, ông Tấn hái một trái, dùng vạt áo chùi qua lớp bụi rồi không cần lột vỏ, ông đưa lên miệng cắn. Sau đó, hái đưa cho chúng tôi. Giữa trưa nắng gắt, những múi quýt mọng nước khiến chúng tôi ai nấy xuýt xoa. Quả thật, quýt ở đây không chỉ mọng nước mà còn rất ngọt.
“Quýt đường là cây dễ trồng, nhưng phải có đủ nước tưới, đồng thời cũng không được để đọng nước, vì cây không chịu úng. Cho nên, có thể trồng theo quy cách hàng, giữa 2 hàng là một rãnh thoát nước. Đó là cách mà đa số bà con hay áp dụng. Nhưng ở đây, tôi trồng thưa, mỗi gốc trồng trên một mô đất được vun cao, mục đích là tạo ra một vườn quýt tán rộng, là nơi cho du khách đến tham quan, chụp hình và có thể hái ăn tại chỗ. Vì thế vườn phải rộng, thoáng, sạch, cần nhiều không gian trống để di chuyển giữa các cây thuận tiện”, ông Tấn giải thích.
Không chỉ canh tác hữu cơ, ông Tấn còn học được cả cách cho cây quýt ra quả trái vụ. “Tôi tình cờ học được kỹ thuật canh tác trái vụ này từ mấy cậu bên khuyến nông tỉnh, tôi thấy cũng không phải là kỹ thuật cao siêu, khó làm lắm đâu. Để quýt ra trái vụ, người ta phun thuốc chặn đọt, tạo mầm, rồi sau đó dùng thuốc kích thích để cây rụng lá già, tái tạo thế hệ mới và ra đọt non.
Còn tôi thì dùng cách khác, không dùng thuốc kích thích, mà khống chế, ngưng tưới nước trong mùa khô khoảng 3 tuần. Sau thời gian ngưng nước, cây có dấu hiệu héo lá. Lúc đó sẽ tưới đẫm nước trở lại 3 ngày liên tục và kết hợp bón phân hữu cơ. Khoảng 1 tuần, cây đâm đọt non và ra hoa. Tuy nhiên, việc ngưng nước sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây”, ông Tấn nói.
“Quýt và các loại cây có múi khác có cùng thời gian thu hoạch, vì thế giá thấp, lợi nhuận ít. Nếu làm được trái vụ, giá có thể cao gấp 2 lần, thậm chí hơn. Vì thế nếu nắm được kỹ thuật cho ra quả trái vụ thì lợi nhuận tăng cao. Nhưng ép cây không đúng kỹ thuật thường xuyên, tuổi thọ cây sẽ giảm, về lâu dài năng suất cũng giảm.
Tôi không phải là người chuyên làm nông nghiệp, nhưng tôi nhận thấy ngoài kỹ thuật xử lý cho quýt ra quả trái vụ, cần chú trọng đến các yếu tố khác cũng rất quan trọng, đó canh tác bền vững theo quy trình hữu cơ, tạo sản phẩm sạch, chất lượng cao, đồng thời liên kết, tạo đầu ra ổn định”, ông Trần Văn Tấn chia sẻ.
Hồng Thủy - Minh Sáng