Gỡ nút thắt nghề nuôi tôm hùm [Bài 3]: Nút thắt dịch bệnh

Bình luận · 186 Lượt xem

Tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên đây cũng là loài nuôi nhiều rủi ro về dịch bệnh.

 

 

Dự kiến vào ngày 15/11/2023, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.

 

Nội dung Diễn đàn: Công tác quản lý con giống tôm hùm, giải pháp nuôi tôm hùm bền vững; Truy xuất nguồn gốc tôm hùm và sản phẩm nuôi biển đáp ứng yêu cầu thị trường; Công tác kiểm soát giống nuôi biển nhập khẩu; Nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp, các loại vật tư phục vụ nuôi biển; Tình hình thị trường thủy sản cuối năm và dự kiến 2024.

 

Những bệnh nguy hiểm trên tôm hùm

Vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, một trong những vùng nuôi tôm hùm trọng điểm ở tỉnh Khánh Hòa với khoảng 35.000 ô lồng, tập trung chủ yếu tại xã Vạn Thạnh. Ông Trần Minh Hiền, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi tôm hùm lồng thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh cho biết, tôm hùm là loài nuôi nhiều rủi ro về dịch bệnh.

 

“Bệnh sữa, đỏ thân và đen mang là những bệnh nguy hiểm gây tôm chết hàng loạt, nếu tôm gặp phải những bệnh này thì người nuôi thiệt hại kinh tế nặng nề”, ông Trần Minh Hiền chia sẻ và cho biết thêm, những năm gần đây nguồn nước suy giảm, cùng với thức ăn tươi không đảm bảo (không tươi) nên tôm hùm nuôi hao hụt nhiều và dễ bị bệnh sữa, đen mang.

 

Theo ông Trần Minh Hiền, tôm hùm bông hay mắc các bệnh trên, còn tôm xanh ít hơn. Hiện vùng nuôi Vạn Thạnh đa số bà con nuôi tôm bông. Những năm trước bệnh sữa xuất hiện rải rác tại vùng nuôi nhưng vài năm trở lại đây tôm hay bị bệnh đen mang. Đặc biệt, từ tháng 7-12 năm ngoái cả vùng nuôi đều “dính” bệnh đen mang gây chết hàng loạt, hơn nữa tôm nuôi chậm lớn, bà con thu hoạch thua lỗ nặng.

 

Điển hình gia đình ông Hiền thả 4.000 con nhưng nuôi hao hụt còn 1.500 con, sau khi thu hoạch lỗ gần 1 tỷ đồng. Tương tự, ông Nguyễn Xuân Hòa, ở thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh) nuôi tôm hùm ở xã Vạn Thạnh cũng bị thiệt hại nặng nề do bệnh đen mang gây ra vào năm ngoái. Ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết, ông thả 7.000 con nhưng tôm nuôi cứ “chết dần chết mòn” đến khi thu hoạch chỉ còn 1.400 con.

 

Theo người nuôi, dấu hiệu nhận biết mắc bệnh sữa là tôm hoạt động kém, ít phản ứng với những tác động xung quanh; đồng thời giảm ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn. Sau vài ngày bị nhiễm bệnh, các đốt ở phần bụng của tôm chuyển từ trắng trong sang lốm đốm trắng đục rồi chuyển thành trắng đục hay vàng đục, nhão, có mùi hôi. Tôm chết sau khoảng thời gian trung bình 9-12 ngày kể từ khi mắc bệnh sữa.

 

Theo cơ quan chuyên môn, bệnh sữa do vi khuẩn ký sinh nội bào giống như Rickettsia gây ra. Còn bệnh đỏ thân do vi khuẩn nhóm Vibrio, nhất là vi khuẩn Vibrio alginolyticus gây ra. Tôm hùm mắc bệnh này sẽ có hiện tượng đỏ vùng giáp đầu ngực hay vùng bụng. Sau đó màu đỏ lan dần ra toàn bộ cơ thể, mô gan tụy bị hoại tử, các khớp đôi chân bò rời ra, đôi râu xúc tu 2 dễ gãy, mặt bụng tôm tím bầm, tôm yếu dần, bỏ ăn và chết.

 

Bệnh đen mang do nấm Fusarium sp. là một trong những tác nhân gây nên dấu hiệu đen mang ở tôm hùm nuôi. Tôm bị bệnh là mang của tôm từ màu trắng ngà chuyển sang màu nâu hoặc đen.

 

Không chỉ tôm thương phẩm, người nuôi còn cho biết, tôm giống vừa thả cũng bị hao hụt nhiều. Theo đó, tôm mua về thả nuôi lột xác đầu rất khỏe, nhưng đến giai đoạn lột xác 2-3 thì bị chết.

 

Người nuôi chưa tuân thủ phòng bệnh

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết lâu nay, tôm hùm nuôi chủ yếu mắc bệnh sữa và đen mang. Mặc dù cơ quan chuyên môn của tỉnh có khuyến cáo phác đồ phòng trị bệnh tôm hùm, tuy nhiên hầu hết người nuôi điều trị theo kinh nghiệm của mình.

 

Theo ông Nguyễn Văn Phương, những năm gần đây, bà con phản ánh tôm nuôi bị hao hụt và dịch bệnh tương đối nhiều. Trung bình thả 1.000 con đến khi xuất bán bị hao hụt lên đến 40-50% sản lượng, còn ít phải 30%. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tôm hùm, thậm chí bà con nuôi dễ thua lỗ nếu đầu ra sản phẩm thu mua với giá thấp.

 

 

Nuôi biển - Cộng đồng phải thay đổi để thích ứng: [Bài 7] Giải pháp phòng bệnh trên thủy sản nuôi

Còn ông Đoàn Văn Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu (Phú Yên) cho rằng, khi nuôi tôm hùm, việc phòng chống dịch bệnh rất quan trọng. Nếu tôm bị bệnh sữa hay đen mang sẽ khó điều trị, từ đó ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người nuôi.

 

Theo ông Đoàn Văn Quang, những năm qua tại vùng nuôi Sông Cầu, dịch bệnh trên tôm luôn tiềm ẩn rủi ro, nhất là bệnh sữa và đỏ thân. Thông thường, một lồng nuôi với tỷ lệ tôm bị bệnh gây hao hụt từ 20-30%. Về cách điều trị các bệnh nguy hiểm trên tôm hùm, ông Quang cũng cho rằng, mỗi người mỗi kiểu theo kinh nghiệm. Tuy nhiên cách điều trị của người nuôi cũng hên xui, hiệu quả mang lại thấp.

 

Theo cơ quan Thú y, đối với bệnh sữa trên tôm hùm, đỏ thân đã có phác đồ điều trị được ban hành theo tại phụ lục V, Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ NN-PTNT và giải pháp kỹ thuật điều trị bệnh sữa và đỏ thân trên tôm hùm nuôi lồng của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã được Bộ NN-PTNT công nhận. Vì vậy, người nuôi cần tuân thủ để điều trị tôm bị bệnh sữa và đỏ thân trên tôm hùm nuôi lồng được hiệu quả.

 

Còn để phòng bệnh đen mang, cơ quan chuyên môn khuyến cáo, người nuôi cần tăng lưu lượng dòng chảy qua lồng nuôi bằng cách vệ sinh lồng nuôi thường xuyên, chuyển lồng nuôi đến địa điểm nuôi mới để tránh sự ô nhiễm cục bộ.

 

Bên cạnh đó, người nuôi cần chọn địa điểm nuôi thích hợp, không đặt lồng sát đáy, vớt thức ăn dư thừa, sát trùng thức ăn (bằng thuốc tím)… Nếu tôm đã nhiễm bệnh, người nuôi sử dụng Formaline 100-200ppm tắm cho tôm trong thời gian 10-15 phút mỗi ngày (dùng trong 2-4 ngày) để điều trị bệnh.

 

Đồng thời, tách riêng những con tôm có dấu hiệu bệnh (cho vào các thùng chứa để điều trị) nhằm giảm thiểu sự lây lan mầm bệnh cho cả đàn tôm và sẽ đơn giản hơn trong quá trình trị bệnh. Thao tác bắt tôm lên điều trị bệnh phải nhẹ nhàng, tránh sây sát tôm. Trước khi tắm tôm phải chuẩn bị tất cả các khâu cần thiết, tránh trường hợp đưa tôm lên khỏi lồng mà chưa tiến hành điều trị ngay.

 

Kim Sơ

Bình luận