Nông nghiệp công nghệ cao đưa Phú Giáo cán đích huyện nông thôn mới

Bình luận · 85 Lượt xem

Nhờ vào khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là trong khu vực kinh tế hợp tác, xem đây là khâu then chốt để tạo bước đột phá, đóng vai trò đắc lực, nhờ đó đã giúp cho huy?

Hiện nay, huyện Phú Giáo có 547 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích gần 1.200 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm.

Hiệu quả của HTX trồng dưa lưới

Trong các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của huyện này phải kể đến mô hình trồng cây ăn quả, rau củ quả áp dụng công nghệ cao của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long ở Ấp Cà Na, xã An Bình. Đây cũng là HTX tiêu biểu của tỉnh Bình Dương, được bình chọn là một trong 63 HTX nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2023. 

-2532-1696912106.png

Mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long - một trong 63 HTX nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2023. 

Đến nay, HTX này có 73 thành viên. Không chỉ ở địa bàn tỉnh Bình Dương, HTX còn liên kết với một số nông dân ở các tỉnh khác như Bình Phước, An Giang, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dưa lưới của HTX Kim Long được trồng bằng cách áp dụng công nghệ cao, trong nhà màng theo công nghệ Israel. Thế mạnh của HTX là kỹ thuật canh tác giúp giảm giá thành và tạo ra chất lượng dưa lưới đồng đều. Dưa lưới của HTX này đạt sản lượng trung bình khoảng 1.500 tấn/năm, doanh thu khoảng 45 tỷ đồng/năm. Dưa lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long đang phân phối vào các hệ thống siêu thị lớn trong Nam cũng như ngoài Bắc.

Trải qua 6 năm hoạt động và phát triển, đến nay, HTX Kim Long đã có diện tích nhà màng nông nghiệp canh tác dưa lưới khoảng 20ha. Hàng năm, cung cấp cho thị trường từ 1.500-1.800 tấn sản phẩm. 

Sản phẩm của HTX này đạt chất lượng OCOP 3 sao và Global GAP với hệ thống phân phối đa kênh gồm chợ đầu mối, các đại lý bán sỉ ở nhiều tỉnh, thành, đặc biệt các tỉnh, thành có phát triển du lịch. Song song đó là 4 hệ thống siêu thị lớn gồm: Bách hóa xanh, MM Mega, Go, CoopMart và các kênh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Vỏ sò, Sendo, Postmart…

Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX chia sẻ, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sản lượng tăng khoảng 30%, chi phí sản xuất giảm 20%. HTX cũng áp dụng nhật ký đồng ruộng điện tử bằng phần mềm của Nhật Bản tài trợ, từ đó khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc cây trồng dễ dàng, minh bạch.

Theo ông Quyết, tất cả hệ thống trang trại được canh tác theo một quy trình, định kỳ có bộ phận kỹ thuật kiểm tra và hỗ trợ cho bà con. HTX cũng đã áp dụng nhật ký điện tử Facefarm vào sản xuất, tổ chức nhiều chương trình tập huấn, chia sẻ những kinh nghiệm và sáng kiến mới. 

Góp phần khởi sắc diện mạo nông thôn

Ngoài ra, HTX Kim Long luôn cập nhật, học hỏi và đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó chi phí sản xuất đã giảm 20%; giảm được nhiều nhân công lao động, giảm thiểu tối đa sự tác động từ thiên nhiên, kiểm soát sâu bệnh tốt hơn. Đồng thời, giảm 70% sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng giúp cải thiện môi trường lao động nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn, mẫu mã đẹp, độ đồng đều cao cũng như tăng được năng suất cây trồng.

-1972-1696912106.png

Thời gian tới Phú Giáo sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với HTX nêu trên, thời gian qua huyện Phú Giáo đã quan tâm, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây được coi là khâu then chốt để tạo bước đột phá, là nền tảng của nền nông nghiệp đô thị hiện đại và bền vững, cũng như đóng vai trò đắc lực trong xây dựng huyện nông thôn mới.

Chính vì vậy, trong thời gian tới Phú Giáo sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Không chỉ vậy, mới đây huyện này còn đăng ký triển khai đề tài “Phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng làng thông minh tại huyện Phú Giáo”.

Những kết quả đạt được của các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, diện mạo nông thôn ở Phú Giáo ngày càng thêm khởi sắc. Dễ nhận thấy nhất khi tới các xã nông thôn mới của Phú Giáo hiện nay là đường làng, ngõ xóm được mở rộng, trồng nhiều hoa, cây xanh, có hệ thống điện chiếu sáng. 

Đến nay, huyện Phú Giáo có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới; trong đó có 7/10 xã đạt và duy trì các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, gồm: Tân Long, Tân Hiệp, An Linh, An Thái, Phước Sang, Vĩnh Hòa, An Long. 3 xã Phước Hòa, An Bình và Tam Lập quyết tâm hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023. 

Mới đây Phú Giáo đã được Hội đồng Trung ương thẩm định bổ sung hồ sơ để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định. Huyện Phú Giáo đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có ít nhất 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, còn huyện sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Để đạt được mục tiêu đề ra thì huyện đang đẩy mạnh triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường triển khai chương trình OCOP, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Tính đến năm 2023 tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn huyện đạt hơn 38.341 ha. Cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích cây hàng năm, tăng diện tích cây công nghiệp lâu năm ở những khu vực thổ nhưỡng phù hợp. Bên cạnh phát triển cây chủ lực là cao su, huyện còn hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ven sông, suối. Cây cam, bưởi da xanh, quýt và chanh giấy không hạt là các loại cây ăn trái chủ lực của huyện, với diện tích khoảng 1.600 ha.

Hướng tới khai thác du lịch nông nghiệp công nghệ cao

Hiện nay, huyện Phú Giáo đã có 5 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao. Trong đó, có 2 sản phẩm của 2 HTX được chứng nhận OCOP 3 sao, gồm: HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, và HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên.

-1620-1696912106.jpg

Mới đây Phú Giáo đã được Hội đồng Trung ương thẩm định bổ sung hồ sơ để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong hoạt động kinh tế hợp tác, tính đến tháng 9/2023, trên địa bàn toàn huyện Phú Giáo có 25 HTX, 10 tổ hợp tác và 28 tổ liên kết. Các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi và trồng trọt. Hiệu quả của mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong hoạt động kinh tế hợp tác đã lan tỏa rộng rãi trên địa bàn huyện, góp phần tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với nông nghiệp, tạo nền tảng cho nông nghiệp hội nhập.

Đơn cử như HTX Nông nghiệp Bình Dương ở ấp Sa Dụp, xã Phước Sang. HTX được thành lập năm 2015, hiện có 44 thành viên. Đây là đơn vị đầu tiên thành công đưa giống na dứa Đài Loan về trồng tại Việt Nam. Tới đây, HTX sẽ ra mắt thêm sản phẩm chuỗi du lịch nông nghiệp công nghệ cao để thu hút khách đến tham quan mô hình trồng na dứa Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim.

HTX này được cho là có thể đạt doanh thu 15 tỷ đồng từ tiền bán na dứa Đài Loan. Na dứa Đài Loan đang được xem là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, với năng suất từ 30-40 tấn/ha/năm. Giá bán thương phẩm na dứa Đài Loan từ 300.000-500.000 đồng/kg.

Với đường sá đi lại thuận lợi nên HTX đang triển khai các bước để hướng đến khai thác phát triển du lịch trong thời gian tới. Ông Lê Văn Thuận, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho hay định hướng phát triển của HTX là xây dựng theo hướng du lịch nông nghiệp công nghệ cao gắn liền với nghỉ dưỡng.

Hiện nay, HTX Nông nghiệp Bình Dương đã thu hút nhiều người đến tham quan, nhưng chủ yếu là tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm. HTX cũng đang mở rộng diện tích trồng na dứa Đài Loan lên 200ha cho các thành viên trong và ngoài HTX nhằm góp phần giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ngoài việc sản xuất hàng thương phẩm, HTX còn là nơi cung cấp nguồn cây giống, vừa tổ chức thu mua lại sản phẩm cho nông dân.

Chính quyền huyện Phú Giáo đang tích cực phối hợp, hướng dẫn HTX Nông nghiệp Bình Dương các thủ tục liên quan để sớm triển khai xây dựng các hạng mục đưa vào khai thác du lịch nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới. Đây là một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao của địa phương, với những loại trái cây ngoại nhập có chất lượng cao, cho nên nếu khai thác phát triển du lịch hứa hẹn sẽ thu hút nhiều du khách đến với địa phương hơn.

Bình luận