Mờ đục thân - bệnh mới nguy hiểm từ tôm giống

Bình luận · 205 Lượt xem

Qua giám sát, tỉnh Kiên Giang ghi nhận ao nuôi tôm thẻ chân trắng có biểu hiện lâm sàng khá tương đồng với bệnh ‘mờ đục thân’ đã được Cục Thủy sản mô tả.

Người nuôi tôm Kiên Giang rất lo ngại về tình trạng thiếu tôm giống chất lượng khi nguồn tôm giống nhập tỉnh được ngành chức năng kiểm tra ngẫu nhiên có tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao, anh hưởng rất lớn đến nghề nuôi tôm. Ảnh: Trung Chánh.

Người nuôi tôm Kiên Giang rất lo ngại về tình trạng thiếu tôm giống chất lượng khi nguồn tôm giống nhập tỉnh được ngành chức năng kiểm tra ngẫu nhiên có tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao, anh hưởng rất lớn đến nghề nuôi tôm. Ảnh: Trung Chánh.

Tỷ lệ mang mầm bệnh trên tôm giống khá cao

Kiên Giang là tỉnh có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn thứ 2 cả nước, với diện tích thả nuôi năm 2023 đạt khoảng 136.000ha. Trong đó, chủ yếu là nuôi tôm - lúa và quảng canh cải tiến. Nuôi tôm thâm canh công nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp, từ đầu năm đến nay mới chỉ thả nuôi được 4.034ha, tập trung ở các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên với đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng, nuôi 2-3 giai đoạn, mật độ cao.

Với diện tích thả nuôi trên, mỗi năm nông dân Kiên Giang cần khoảng 10 tỷ con tôm giống để thả nuôi. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, năm 2023, tôm giống sản xuất trong tỉnh chỉ đạt hơn 4 tỷ con. Trong số này, đã xuất bán sang các tỉnh lân cận khoảng 1,5 tỷ con, còn lại cung ứng trong tỉnh phục vụ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, đáp ứng được hơn 26% nhu cầu.

Ông Hứa Hoàng Vũ, hộ nuôi tôm thâm canh công nghiệp ở xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang rất lo ngại về tình trạng thiếu tôm giống chất lượng phục vụ người nuôi, khi nguồn tôm giống nhập tỉnh được ngành chức năng kiểm tra ngẫu nhiên có tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao. Trong khi, đối với nghề nuôi tôm, chất lượng tôm giống quyết định đến 30-40% tỷ lệ thành công của mỗi vụ nuôi.

Riêng 2 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng lớn trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH Thủy sản Công nghệ cao Việt Nam - Chi nhánh 1 tại Kiên Giang và Trung tâm giống Hải sản Phú Quốc - Chi nhánh Công ty CP Thực phẩm BIM tại Kiên Giang trung bình hàng năm sản xuất được khoảng 3-3,5 tỷ con, phục vụ nhu cầu nuôi nội bộ và bán ra thị trường. Ngoài ra, còn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất giống tôm sú, đáp ứng nhu cầu nuôi tôm - lúa và nuôi quảng canh cải tiến.

Nguồn cung con giống tại chỗ còn bị động và chưa đáp ứng được yêu cầu, nên hàng năm tỉnh Kiên Giang phải nhập lượng lớn tôm giống từ các tỉnh miền Trung và một số tỉnh lân cận.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó trưởng Trạm Quan trắc, xét nghiệm và Thú y cộng đồng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết, đầu vụ thả nuôi tôm nước lợ của năm 2023, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra lưu động về giống thủy sản.

Đồng thời, đề nghị các huyện chủ động tổ chức các đoàn liên ngành của địa phương thanh tra, kiểm tra hoạt động cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn để quản lý tình trạng giống nhập tỉnh quanh năm, xử lý nghiêm vi phạm vận chuyển giống không rõ nguồn gốc, không đạt kích cỡ. Qua đó, đã xử lý vi phạm hành chính 11 trường hợp về vận chuyển, kinh doanh tôm giống không đủ điều kiện, buộc tiêu hủy 775.000 tôm post.

Phối hợp thường xuyên với Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh xuất giống vào Kiên Giang về việc thực hiện đúng quy trình, thủ tục kiểm dịch giống thủy sản theo quy định. Trong năm 2023, tổng số lượng tôm giống nhập tỉnh hơn 6,8 tỷ post tôm thẻ chân trắng từ Cà Mau, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và gần 657 triệu post tôm sú từ các tỉnh Cà Mau, Tiền Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận. Kiểm dịch tôm giống xuất tỉnh gần 2,4 tỷ post tôm thẻ chân trắng và 2,5 triệu post tôm sú.  

Giám sát chủ động một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên tôm giống nhằm đánh giá tỷ lệ lưu hành bệnh. Trong năm 2023 đã thực hiện 11 đợt giám sát, thu 98 mẫu tôm giống từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng tôm giống trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm các bệnh trên tôm, như: đốm trắng (WSD), hoại tử gan tụy cấp (AHPND), hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV), vi bào tử trùng (EHP).

Kết quả, có 1/98 mẫu dương tính với bệnh WSD, 1/98 mẫu dương tính với bệnh AHPND, 15/71 mẫu dương tính với bệnh IHHNV, 11/71 mẫu dương tính với bệnh EHP.

Hiện nay tỉnh Kiên Giang vẫn còn lệ thuộc rất lớn vào nguồn tôm giống nhập tỉnh, trong khi chất lượng tôm giống quyết định đến 30 - 40% tỷ lệ thành công của mỗi vụ nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện nay tỉnh Kiên Giang vẫn còn lệ thuộc rất lớn vào nguồn tôm giống nhập tỉnh, trong khi chất lượng tôm giống quyết định đến 30 - 40% tỷ lệ thành công của mỗi vụ nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Đáng lo ngại là nguy cơ xuất hiện “bệnh mờ đục thân” (TPD), bệnh mới xuất hiện trên tôm thẻ chân trắng giai đoạn giống (Post-larvae). Bệnh này được phát hiện lần đầu tiên ở các trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng ở Trung Quốc vào khoảng từ tháng 3/2020. Bệnh thường nhiễm trên tôm giống và gây ra tỷ lệ chết cao, đặc biệt là từ PL4 đến PL7, chết đến 90-100% chỉ sau 1 ngày phát hiện dấu hiện bất thường.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, thông tin từ một số trại sản xuất tôm giống tại Ninh Thuận cho biết có khả năng bệnh mờ đục thân TPD đã xuất hiện và gây thiệt hại trên tôm giống tại đây. Qua giám sát, đã ghi nhận 1 ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại Kiên Lương (tôm bệnh sau hơn 1 tuần thả nuôi) có biểu hiện lâm sàng khá tương đồng với bệnh TPD được Cục Thủy sản, Cục Thú y mô tả.

Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VII cho kết quả dương tính với bệnh AHPND do Vibrio parahaemolyticus, chưa thể khẳng định có mầm bệnh TPD hay không do các phòng thí nghiệm trong nước chưa làm được.

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh

Năm 2023, ngoài yếu tố giá cả thị trường như giá vật tư đầu vào tăng, giá tôm giảm, thì tình hình thời tiết, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp khiến người dân nuôi tôm gặp không ít khó khăn.

Để hỗ trợ người nuôi tôm, từ đầu năm đến nay Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang đã thực hiện 23 đợt quan trắc môi trường tại 16 điểm đầu nguồn cấp nước phục vụ cho các vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm của tỉnh, nhằm kịp thời thông báo, khuyến cáo biện pháp xử lý phù hợp.

Tổng cộng có 4.784 lượt thông số môi trường, vi khuẩn Vibrio sp, Vibrio parahaemolyticus được đo đạc, phân tích. Kết quả quan trắc đã được công bố rộng rãi đến các xã, hệ thống Tổ Khuyến nông cộng đồng và người dân, góp phần phát triển hiệu quả ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang định kỳ thực hiện quan trắc môi trường nước và người dân có thể dễ dàng truy cập kết quả từ điện thoại thông minh, để điều chỉnh kế hoạch nuôi tôm, thả con giống nuôi phù hợp. Ảnh: Trung Chánh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang định kỳ thực hiện quan trắc môi trường nước và người dân có thể dễ dàng truy cập kết quả từ điện thoại thông minh, để điều chỉnh kế hoạch nuôi tôm, thả con giống nuôi phù hợp. Ảnh: Trung Chánh.

Quản lý, vận hành hệ thống 7 trạm quan trắc nước tự động đặt tại các điểm cấp nước, vùng nuôi thủy sản trọng điểm thuộc thành phố Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận.

Kết quả quan trắc từ hệ thống được đăng tải trên website ngành nông nghiệp, trên App nên người dân có thể truy cập trực tiếp từ các thiết bị di động như máy tính xách tay, điện thoại thông minh, để điều chỉnh kế hoạch nuôi tôm, thả con giống nuôi phù hợp.

Chủ động giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên tôm nuôi nước lợ để cảnh báo, có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Trong năm 2023, đã thực hiện được 11 đợt giám sát dịch bệnh chủ động trên tôm nuôi nước lợ, thu 355 mẫu tôm nuôi thương phẩm để xét nghiệm các bệnh WSD, AHPND, EHP, IHHNV.

Kết quả, có 39/355 mẫu dương tính với bệnh WSD, 49/262 mẫu dương tính với bệnh IHHNV, 44/262 mẫu dương tính với bệnh EHP, 11/355 mẫu dương tính với bệnh AHPND.

Lực lượng thú y thường xuyên giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên tôm nuôi nước lợ và hỗ trợ hóa chất để hộ nuôi tôm khoanh vùng, dập dịch, tránh lây lan trên diện rộng. Ảnh: Trung Chánh.

Lực lượng thú y thường xuyên giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên tôm nuôi nước lợ và hỗ trợ hóa chất để hộ nuôi tôm khoanh vùng, dập dịch, tránh lây lan trên diện rộng. Ảnh: Trung Chánh.

Tăng cường công tác giám sát và phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang ghi nhận tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 1.096ha. Trong đó, thiệt hại do dịch bệnh gây ra là 357ha, còn lại là thiệt hại do biến động bất lợi của các yếu tố môi trường.

Đối với diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn các hộ nuôi tôm khoanh vùng, dập dịch, hướng dẫn không xả nước, chất thải từ ổ dịch ra ngoài môi trường. Cấp phát miễn phí hơn 26,5 tấn hóa chất sát trùng Chlorine để tiêu hủy ổ dịch.

Bà Hồng Mộng Huyền, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Kiên Giang cho biết: “Bệnh mờ đục thân” hay còn gọi là “bệnh hậu ấu trùng mờ” xuất hiện trên tôm thẻ chân trắng ở giai đoạn giống từ PL4-PL7. Tỷ lệ mắc bệnh lên tới 60% ngày thứ hai sau lần đầu tiên quan sát thấy những cá thể bất thường và thậm chí lên tới 90-100% trong những trường hợp nặng vào ngày thứ ba. Dấu hiệu lâm sàng gan tụy nhợt nhạt hoặc không màu và đường tiêu hóa trống rỗng, cơ thể trở nên trong suốt. Phương pháp phòng trị bệnh TPD là kiểm soát mật số Vibrio trong trại giống. Ngăn chặn các nguồn lây nhiễm vi khuẩn từ nước, tảo, Artemia, dụng cụ … Sử dụng các chất diệt khuẩn, chất tăng cường sức khỏe cho tôm giống.

 
Bình luận