Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, chiến lược kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021- 2030 đều nhấn mạnh: Phải đổi mới tư duy hành động, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển xã hội số, kinh tế số ,coi đây là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh.
Một trong những sứ mệnh lớn lao của chuyển đổi số là phổ cập, cá nhân hóa dịch vụ số như giáo dục, y tế, ngân hàng tới người dân. Từ đó, cư dân sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa... đều có thể tiếp cận được dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, văn minh và hiện đại.
Ngày 13/10 vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và giao cho Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt trực tiếp tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" nhằm làm rõ hơn những cơ hội, thách thức từ chuyển đổi số đối với người nông dân.
Hội thảo có ý nghĩa sâu sắc trong việc tuyên truyền cụ thể hóa mục tiêu, giải pháp nhằm phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân các cấp trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần giúp người nông dân chuyển đổi số thành công. Hội thảo đã cụ thể hóa các mục tiêu của Hội Nông dân Việt Nam trong thực hiện Nghị quyết số 52- NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, biện pháp về chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng 2030.
Mục tiêu của Hội thảo là, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nói chung, góp phần cùng đất nước bứt phá trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện thực khát vọng xây dựng đất nước hùng cường theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại XIII của Đảng.
Về phía Hội Nông dân Việt Nam, trong những năm qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cùng các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, lấy người nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Từ đó, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình như hỗ trợ vốn vay đầu tư sản xuất, cung ứng vật tư đầu tư đầu vào.
Hiện này, Hội Nông dân Việt Nam đã kết nối với các chuyên trang về chuyển đổi số, kinh tế số trên cổng thông tin, Fanpage của các cấp Hội, phối hợp với các bộ ngành, xây dựng "App nông dân", tích hợp tiện ích để hỗ trợ cho nông dân như xây dựng bài giảng mẫu, video-clip thuyết trình, phổ biến kỹ năng số cơ bản cho nông dân bao gồm: Truy cập internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh…
Theo đó, "App nông dân" dự kiến sẽ ra mắt ngày 15/12 nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nông dân trong quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ thực chất hơn và mang tính sứ mệnh lịch sử trong thay đổi phương thức sản xuất, tư duy, giao dịch thương mại.
Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Phạm Tiến Nam và Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm ký kết thoả thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2023-2028.
Cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số nông nghiệp, tháng 2/2023 vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2023-2028. Việc này nhằm mục tiêu gì và có ý nghĩa như thế nào, thưa Chủ tịch?
- Việc hỗ trợ hội viên, nông dân hội nhập và chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài. Chính vì vậy, để giúp nông dân tham gia chuyển đổi số và hội nhập, Hội Nông dân Việt Nam luôn tích cực tham gia quá trình hội nhập quốc tế và chuyển đổi số của đất nước.
Những năm qua, bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ cho hội viên, nông dân như nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đầu ra…, Hội Nông dân Việt Nam cũng đã quan tâm, triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân trong việc chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Hội đã tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông; đào tạo cho hội viên, nông dân. Tập huấn về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nông dân kết nối với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm…
Thỏa thuận hợp tác giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và VNPT sẽ phát huy thế mạnh của hai bên, nhằm thiết lập, sử dụng và vận hành có hiệu quả hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu thu thập, truyền dẫn, lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin của Hội Nông dân Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác của cơ quan Trung ương Hội và hệ thống hội các cấp.
Theo Thỏa thuận hợp tác được ký kết, trong thời gian tới, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và VNPT sẽ tập trung triển khai thực hiện 4 nội dung trọng tâm, gồm: Phối hợp khảo sát, xây dựng giải pháp tổng thể về số hoá và chuyển đổi số các hoạt động công tác chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội và hội nông dân các cấp; phối hợp triển khai giải pháp chuyển đổi số cho Hội Nông dân Việt Nam về các hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành thông suốt từ Trung ương tới địa phương;
Phối hợp triển khai các giải pháp xã hội số, kinh tế số phát triển và hỗ trợ hội viên: quản lý hội viên, quản lý điểm, tích hợp thanh toán, các ưu đãi qua sim; phối hợp hỗ trợ, tổ chức đánh giá, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; hỗ trợ nông dân khởi nghiệp; tổ chức, tài trợ triển khai các hoạt động khác phù hợp với nhu cầu của Hội Nông dân Việt Nam trong từng giai đoạn và lĩnh vực ưu tiên của Tập đoàn VNPT.
Với vai trò là đối tác chiến lược của Hội Nông dân Việt Nam, VNPT sẽ phát huy tối đa thế mạnh của mình nhằm thiết lập, sử dụng và vận hành có hiệu quả hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thu thập, truyền dẫn, lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin của Hội, đồng thời góp phần mang lại lợi ích chung cho xã hội.
Cùng với đó, VNPT sẽ triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả công việc, đẩy mạnh hiện đại hóa từ cấp Hội đến cơ sở trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời, hỗ trợ Hội Nông dân Việt Nam phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy cán bộ, hội viên chủ động, tích cực tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, nắm bắt, thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Như Chủ tịch đã nói, để thúc chuyển đổi số nông nghiệp, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình nhằm hỗ trợ người nông dân. Xin Chủ tịch cho biết, Hội Nông dân Việt Nam đang thể hiện vai trò và trách nhiệm trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số như thế nào?
- Mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế số trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ, đó là: Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số.
Với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; Việt Nam đã và đang triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó người nông dân được xác định là trung tâm của chuyển đổi số.
Có thể thấy, Việt Nam là một quốc gia có quy mô nông nghiệp lớn với khu vực nông thôn chiếm tới 62% dân cư, 66% số hộ gia đình, lao động nông nghiệp còn chiếm hơn 30% lực lượng lao động xã hội.
Thời gian qua, nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước.
Nông nghiệp hiện chiếm 14% GDP Việt Nam với 5 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD và 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã bước đầu được quan tâm, từng bước giúp nông dân và doanh nghiệp nâng cao năng suất làm việc, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao giá trị.
Các công nghệ, nền tảng internet "kế nối vạn vật" (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tự hành (Robotics), cảm biến (sensors), dữ liệu lớn (Big Data)... bước đầu triển khai trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp với sự xuất hiện của các trang trại hiện đại, hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn, phân tích dữ liệu môi trường, cảm biến nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm…
Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản. Mô hình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu vẫn là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng.
Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.
Trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là nông dân không được đào tạo chuyên môn bài bản, mà hầu hết là kinh nghiệm được truyền từ đời trước sang đời sau; nguồn nhân lực này cũng hạn chế trong việc tiếp nhận đào tạo tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sự liên kết với nông dân còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa có chiến lược phát triển rõ ràng ở tầm quốc gia.
TẬP TRUNG TRIỂN KHAI 4 NHÓM NHIỆM VỤ THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ NÔNG NGHIỆP
Xin Chủ tịch cho biết, trong thời gian tới, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cấp Hội sẽ tập trung vào những giải pháp gì nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đến cán bộ, hội viên nông dân cả nước?
Là đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam có vai trò và trách nhiệm trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số. Có thể nghiên cứu tập trung triển khai một số nội dung và giải pháp sau:
Một là: Tuyên truyền thông nâng cao nhận thức của nông dân và xã hội về chuyển đổi số.
Theo đó, nhiệm vụ này sẽ có 4 công việc cụ thể sau:
(1) Xây dựng và kết nối các chuyên trang về chuyển đổi số, kinh tế số trên cổng thông tin và fanpage của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong cả nước; phối hợp xây dựng ứng dụng trên di động (app Store, Google Play) về hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân.
(2) Tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi trực tiếp, trực tuyến để giúp cán bộ Hội và hội viên nông dân hiểu, vận dụng và hình thành các ý tưởng, dự án về chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
(3) Biên soạn, phát hành các tài liệu tư vấn, tuyên truyền về chuyển đổi số; định kỳ phát hành bản tin "Chuyển đổi nông dân số"; các clip, motion graphics, infographics, , video tuyên truyền về các nội dung chuyển đổi số… phát hành trực tiếp tới các cơ sở Hội và chuyển tải lên các kênh truyền thông của Hội.
(4) Các tỉnh, thành Hội chú trọng phối hợp cung cấp kịp thời làm tài liệu sinh hoạt tại các chi hội, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp; phổ biến trên các website, fanpage, group zalo…của các tổ chức Hội.
Hai là: Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp cho nông dân
Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn trực tiếp hoặc trực tuyến cung cấp kiến thức, các mô hình về chuyển đổi số trong nông nghiệp (dữ liệu số, tín dụng số, chuyển đổi canh tác dựa trên dữ liệu, bán hàng và tiếp cận thị trường, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…) tới các chủ doanh nghiệp, trang trại, mô hình kinh tế trong nông nghiệp; thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp xây dựng bộ công cụ đào tạo, các bài giảng trực tuyến (qua E-Learning, ứng dụng di động) về chuyển đổi nông dân số: Xây dựng các bài giảng mẫu (video thuyết trình) phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho hội viên Hội Nông dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, giới thiệu sản phẩm…
Tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về xây dựng dữ liệu số nông nghiệp, tiếp cận tín dụng số, thị trường tiêu thụ, marketing, xây dựng thương hiệu, dự báo (giá, thời vụ, phân phối, thị trường), ứng dụng công nghệ số trong sản xuất…
Xây dựng và phát triển mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi công nghệ số, phát triển kinh tế số, nông dân số nhằm tham gia tư vấn, hỗ trợ thường xuyên đối với hội viên nông dân.
Tổ chức chương trình "Con đường chuyển đổi số" nhằm tạo điều kiện cho người nông dân đến tham quan, giao lưu chia sẻ, học tập kinh nghiệm về các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp tại các doanh nghiệp, tổ chức, mô hình tiêu biểu trong và ngoài địa phương.
Tham gia phối hợp với Bộ NNPTNT trong quá trình xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) về nông nghiệp, xây dựng Bản đồ số nông nghiệp. Phát huy vai trò của Hội Nông dân hướng dẫn, phổ biến và phát huy người nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đất đai; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; quản lý và phát triển thị trường nông - lâm - thủy sản.
Ba là: Xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số
Tham mưu phát triển Quỹ Hỗ trợ Nông dân với việc điều chỉnh quy mô, hình thức phù hợp hỗ trợ các mô hình, dự án, hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép (Viettel Pay, VNPT Pay, Momo…) triển khai các loại hình tài chính số hỗ trợ nông dân, như: Cho vay ngân hàng, thanh toán không tiền mặt, Mobile money.
Xây dựng và triển khai ứng dụng di động (App Store, Google Play) hỗ trợ chuyển đổi nông dân số. Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức như: Nền tảng AutoAgri, các sàn thương mại điện tử (Postmart, Shopee, Sendo, Lazada, Voso.vn), giải pháp nông nghiệp thông minh (như ONE Farm của VNPT)… triển khai các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong tự động hóa sản xuất, kết nối thị trường và tiêu thụ sản phẩm, thuê mua vật tư nông nghiệp…
Hướng tới mục tiêu đến năm 2025 có 30% cơ sở Hội xây dựng và triển khai được ít nhất một mô hình hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân; đến năm 2030, 60% cơ sở Hội xây dựng và triển khai được ít nhất 1 mô hình chuyển đổi số cho nông dân. Các cấp Hội cần phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ TTTT triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số".
Bốn là: Nâng cao năng lực hỗ trợ chuyển đổi số của các cơ sở Hội và tăng cường phối hợp để khai thác nguồn lực chuyển đổi số
Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, chuyển đổi số trong nông nghiệp cho cán bộ Hội Nông dân các cấp; cán bộ, cộng tác viên các Trung tâm hỗ trợ nông dân, Trung tâm Hỗ trợ Nông dân và Giáo dục nghề nghiệp.
Phối hợp với ngành Nông nghiệp, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Nông nghiệp số, Hội Nông nghiệp tuần hoàn xây dựng và triển khai các mô hình liên kết ứng dụng công nghệ số sản xuất nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị, công nghiệp chế biến và dịch vụ hậu cần hỗ trợ nông nghiệp… trong các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp.
Xây dựng cụ thể các mô hình hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của các cơ sở Hội (các mô hình ứng dụng công nghệ IoT, Blockchain, công nghệ sinh học, chuyển đổi canh tác nông nghiệp dựa trên dữ liệu, công nghệ tự động hóa…).
Phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ TTTT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức cuộc thi sáng tạo, ý tưởng sáng tạo về chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tổ chức tuyên dương, khen thưởng những mô hình, cá nhân nông dân tiêu biểu toàn quốc thực hiện tốt việc chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Để tháo gỡ khó khăn, thách thức khi thực hiện "Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trong nông nghiệp đạt kết quả cao, đúng hướng và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có đề xuất, kiến nghị, hiến kế gì đến Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, thưa Chủ tịch?
- Hiện nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia trong nông nghiệp vẫn còn đó nhiều khó khăn cản trở sự phát triển gây khó khăn cho người dân, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp trong việc áp dụng các công nghệ mới, nông nghiệp số vào thực tiễn.
Để chuyển đổi số trong nông nghiệp đạt kết quả cao hơn, thiết thực hơn với hội viên nông dân, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp cần sự chung tay vào cuộc của Chính phủ và các bộ ngành, các địa phương. Theo đó, các bộ ngành, các bộ ngành liên quan cần xây dựng phần mềm và các nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu trong nông nghiệp một cách căn bản, hệ thống; tập huấn cho các địa phương để tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu tại các tỉnh, thành phố.
Chuẩn hóa quy trình, kết nối, đồng bộ dữ liệu hệ thống một cửa quốc gia, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa điện tử. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, các địa phương với Tổng cục Thống kê để thống nhất về chỉ tiêu thống kê và cơ sở dữ liệu.
Tiếp đến là cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp, nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp số. Hiện, các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số còn ít, chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế, người nông dân vẫn e ngại trong chuyển đổi số.
Một khó khăn lớn nữa là ngành nông nghiệp chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong khi cả nông dân và doanh nghiệp đều khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng trong nước. Đây là một trong những vấn đề then chốt, một điểm nghẽn, bởi mục tiêu phát triển công nghệ luôn phải luôn đi kèm với nhu cầu cao về nguồn lực tài chính.
Là đối tượng trực tiếp thụ hưởng chương trình chuyển đổi số nông nghiệp, các hội viên, nông dân, HTX, doanh nghiệp trong nông nghiệp cũng cần phải thay đổi tư duy sản xuất nhỏ, manh mún sang tư duy "kinh tế nông nghiệp" tích hợp đa giá trị và mạnh dạn áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng hiệu quả, bền vững hơn.
Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!