Về Sóc Trăng thăm miệt vườn, xem nông dân thu trăm triệu mỗi năm

Bình luận · 205 Lượt xem

Hiệu quả của hàng loạt cây trồng thế mạnh, đặc biệt là cây ăn quả, cùng với sự hiện diện của các HTX, doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi giá trị, đang giúp nông dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng liên tục gặt hái thành công

Với lợi thế vùng phù sa bồi đắp, huyện Kế Sách có nhiều thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp phát triển theo mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi chất lượng cao, hiệu quả và bền vững, với việc triển khai sản xuất theo chuỗi giá trị trên cánh đồng mẫu lớn.

Giá trị từ cây ăn quả

Kế Sách những năm qua được ví như “thủ phủ” cây ăn trái đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, với hàng loạt sản phẩm sản xuất theo hướng đăng ký thương hiệu, áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, như cam sành Ba Trinh, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, nhãn tiêu da bò và xoài cát chu xã An Lạc Tây…

Sở dĩ vùng đất này có nhiều tiềm năng phát triển cây ăn trái là do địa hình hơn 20km tiếp giáp sông Hậu nên lượng phù sa được bồi đắp quanh năm, thích hợp trồng được nhiều loại cây chất lượng cao.

-4401-1693280947.jpg

Nông dân Kế Sách thu trăm triệu mỗi năm nhờ trồng cây ăn quả theo quy trình khoa học.

Đáng chú ý, nếu như trước đây hầu hết người dân trồng cây ăn trái theo tập quán truyền thống thì hiện tại, nhiều hộ đã sản xuất theo chuỗi giá trị bằng cách tập hợp sản xuất và liên kết đầu vào, đầu ra cho các loại trái cây, với sự hiện diện đầy ấn tượng của các HTX, tổ hợp tác.

Đơn cử, HTX bưởi Thành Công, xã Kế Thành những năm qua trở thành điểm tựa sản xuất, nâng cao thu nhập cho hàng trăm thành viên, hộ liên kết. Để đảm bảo hiệu quả bền vững, HTX chủ động bắt tay với doanh nghiệp để giải bài toán tiêu thụ cho các dòng sản phẩm.

Hiện nay, bưởi của HTX Thành Công được công ty Vinagreenco bao tiêu sản phẩm hơn 100 tấn/tháng để cung cấp cho các hệ thống siêu thị trong cả nước. Nhờ giá cả ổn định, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận trên 1 ha trồng bưởi của các thành viên HTX đạt trung bình trên 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn tạo công ăn việc làm cho trên 20 lao động thường xuyên ở địa phương.

Có được điều này là bởi các thành viên HTX tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc và thu hoạch bưởi. Hiện, HTX có diện tích hơn 49ha, chuyên canh cây bưởi da xanh và bưởi Năm roi, sản lượng ước đạt 20 tấn/ha/năm. HTX đã được cấp chứng nhận đạt VietGAP với diện tích 37,3ha, có 28 thành viên tham gia, được cấp mã số vùng trồng diện tích 41ha.

Thúc đẩy liên kết chuỗi

Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích cây ăn trái toàn tỉnh Sóc Trăng hơn 29.000ha, trong đó, diện tích trồng cây ăn trái của huyện Kế Sách là 17.773ha, trong đó có các loại trái cây chủ lực như bưởi Năm roi, bưởi da xanh, xoài, vú sữa, sầu riêng, nhãn, cam, chanh, mít...

Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ, huyện đã thông qua Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh, đẩy mạnh chuyển đổi, xây dựng các mô hình cây ăn trái theo chuỗi giá trị, phát triển thương hiệu và thúc đẩy sản xuất theo chuẩn VietGAP, nhằm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và cung cấp các loại trái cây chất lượng cao vào thị trường cao cấp trong nước.

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, huyện đã tập hợp, khuyến khích các nhà vườn thành lập các HTX hướng tới mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra số lượng trái cây lớn, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng trong và ngoài nước.

-8715-1693280947.jpg

Huyện Kế Sách sẽ tiếp tục chú trọng thúc đẩy chuỗi giá trị trong trồng cây ăn quả. 

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 20 HTX cây ăn trái, trong đó có 13 HTX được cấp 38 mã vùng trồng, diện tích hơn 306ha; 8 HTX được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP, diện tích gần 230ha, trên các loại cây ăn trái là nhãn, xoài, bưởi, vú sữa, cam.

Đồng thời, huyện cũng có 8 HTX được cấp nhãn hiệu đối với các loại cây ăn trái chủ lực; 8 HTX đã tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị (chuỗi giá trị, liên kết trái cây gồm các khâu là: cung cấp - đầu vào - sản xuất - thu gom - thương mại - tiêu dùng).

Ông Trần Văn Phương - Giám đốc HTX Nông nghiệp Xóm Đồng 2, xã Thới An Hội, chia sẻ: “HTX chúng tôi chuyên sản xuất trái vú sữa bơ hồng, diện tích 21ha. Nhờ liên kết chuỗi, HTX đã giảm chi phí đáng kể, chẳng hạn giá phân bón giảm từ 15 - 20%, giá trị canh tác cũng tăng mạnh”.

Ngoài ra, theo ông Phương, nhờ liên kết chuỗi, HTX giải được bài toán tiêu thụ khi được công ty đối tác hợp đồng thu mua với giá 42.000 đồng/kg (năm 2022), đẩy giá trái vú sữa bơ hồng tăng thêm 5.000 - 10.000 đồng/kg so với khi chưa có hợp đồng liên kết.

Thêm động lực sản xuất

Thực tế cho thấy, đến nay hầu hết HTX nông nghiệp chuyên sản xuất vú sữa tím, vú sữa bơ hồng, vú sữa tứ quý trên địa bàn huyện đã và đang liên kết với các công ty, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. Sản lượng cung ứng vú sữa chất lượng cao đạt trên 420 tấn/năm, giá bán tại vườn được các công ty, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu là 30.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường 16.000 đồng - 18.000 đồng/kg.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả trồng cây ăn trái, thời gian tới, đối với công tác liên kết tiêu thụ trái cây, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ HTX chủ động giới thiệu, bán hàng trên môi trường số như: Trang web OCOP, kết nối nông sản, website htx.cooplink.com.vn bằng hình thức cầm tay chỉ việc để tiêu thụ sản phẩm được nhiều kênh, nhiều phân khúc thị trường. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng quản lý, điều hành cho đội ngũ lãnh đạo HTX.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển giao đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như đẩy mạnh sản xuất theo quy trình GlobalGAP, VietGAP; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, cải thiện, chất lượng mẫu mã trái cây theo yêu cầu của bên nhập khẩu; đăng ký mã số vùng trồng (code) đối với các sản phẩm chủ lực của huyện; đăng ký nhãn hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với vú sữa tím, phát huy các giống vú sữa được công nhận cây đầu dòng, vườn đầu dòng.

Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với các HTX chủ động xử lý ra trái vụ để rải vụ một số loại cây chủ lực. Nhân rộng giống vú sữa tứ quý (cho trái quanh năm), tím đào (trái lớn, vỏ cứng chắc thuận tiện cho vận chuyển, tồn trữ) hình thành vùng nguyên liệu cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bình luận