Nông sản, thực phẩm Việt Nam chiếm tỷ lệ thấp trong cảnh báo của EU

Bình luận · 244 Lượt xem

Nhờ thực hiện tốt quy định SPS, tỷ lệ hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập khẩu vào EU bị cảnh báo ở mức thấp trong tổng số cảnh báo của EU.

Văn phòng SPS Việt Nam ký biên bản ghi nhớ về hợp tác với Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn về đào tạo nguồn nhân lực liên quan tới thực hiện SPS. Ảnh: Thanh Sơn.

Văn phòng SPS Việt Nam ký biên bản ghi nhớ về hợp tác với Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn về đào tạo nguồn nhân lực liên quan tới thực hiện SPS. Ảnh: Thanh Sơn.

Tại Diễn đàn “Tuyên truyền, thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu”, do Văn phòng SPS Việt Nam và Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, phối tổ chức tại TP.HCM ngày 3/11, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc SPS Việt Nam, cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, EU đưa ra 3.865 cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Trong đó, có 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam nhập khẩu vào EU, chiếm 1,4%. Như vậy, tỷ lệ bị cảnh báo của Việt Nam ở mức thấp.

Rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 trường hợp, tiếp đó là sản phẩm thủy sản (19) và bánh kẹo và các sản phẩm chế biến khác (13). Vi phạm do dư lượng hóa chất chiếm 58%, vi phạm do độc tố nấm mốc chiếm 9% và vi phạm khác chiếm 33%.

Cũng theo ông Nam, trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia, đều có một nội dung bắt buộc phải thực hiện là SPS (Hiệp định An toàn thực phẩm và An toàn bệnh dịch động, thực vật).

Với Hiệp định EVFTA, đến nay, về cơ bản, chúng ta đã thực thi rất tốt các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh luôn được EU cập nhật thường xuyên. Cứ 6 tháng một lần, EU sẽ rà soát tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường này. Nếu chúng ta vẫn luôn thực thi, chấp hành tốt các quy định trong EVFTA, EU có thể xem xét giảm tần suất kiểm tra, giảm các quy định, thủ tục đối với nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập khẩu vào EU. Ngược lại, nếu làm không tốt, hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ bị tăng tần suất kiểm tra.

Nông sản xuất khẩu sang EU phải đáp ứng tốt các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Ảnh: Thanh Sơn.

Nông sản xuất khẩu sang EU phải đáp ứng tốt các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Ảnh: Thanh Sơn.

Không những phải đáp ứng các quy định cùa EU về SPS, hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào thị trường này còn phải thỏa mãn tiêu chuẩn của người tiêu dùng. Thạc sỹ Đinh Đức Hiệp (Văn phòng SPS Việt Nam), cho biết, thông thường tại EU, yêu cầu tiêu chuẩn của người mua thường cao hơn so với quy định luật pháp của EU, mức MRL thường cao hơn từ 30-100%.

Do vậy để bán được sản phẩm, doanh nghiệp cần xác định được thị trường nào, người mua là ai, có những yêu cầu nào để thực hiện. Người mua châu Âu thường có những yêu cầu cụ thể, tùy thuộc vào kênh bán hàng và phân khúc sản phẩm của họ. Các yêu cầu phổ biến của người mua bao gồm GLOBALG.A.P, chứng nhận, và tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường.

Người mua thường đưa ra các yêu cầu sau: Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên phân tích mối nguy và các điểm kiểm soát tới hạn (HACCP); GLOBALG.A.P (bao gồm toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp từ trước khi cây trồng được đưa xuống đất cho đến sản phẩm chưa qua chế biến. GLOBALG.A.P chú trọng an toàn thực phẩm cũng như môi trường, điều kiện lao động và chất lượng sản phẩm).

Ngoài GLOBALG.A.P, các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm khác cũng có thể được yêu cầu. Hầu như tất cả người mua trên thị trường tây bắc châu Âu (bao gồm cả Vương quốc Anh) sẽ yêu cầu tiêu chuẩn toàn cầu BRC, tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi như một tiêu chuẩn về vệ sinh và an toàn thực phẩm. Còn ở Đức, tiêu chuẩn thực phẩm IFS rất phổ biến.

Về kiểm dịch thực vật, Thạc sỹ Lương Ngọc Quang, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật), lưu ý các nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản sang EU về danh mục 20 loài dịch hại ưu tiên của EU. Đặc biệt, có 12 đối tượng kiểm dịch thực vật cùa EU đã có mặt tại Việt Nam, gồm: Bệnh loét vi khuẩn trên cây có múi; virus Tristeza; bệnh héo vi khuẩn; ruồi đục quả phương Đông; bọ phấn thuốc lá; bọ trĩ hại ớt; bọ trĩ hại dưa; ruồi đục lá hại rau; ruồi đục lá rau cần tây; sâu khoang; sâu keo mùa thu; sâu tai ngô.

Bình luận