Giá mít ruột đỏ lập kỷ lục, tiền triệu mỗi quả

Bình luận · 238 Lượt xem

Lần thứ hai trong năm, giá mít ruột đỏ ở ĐBSCL tăng lên mức kỷ lục (hơn 100.000 đồng/kg), tuy nhiên, sản lượng hiện còn rất ít, nhiều vựa không mua được hàng.

Những ngày này, giá mít ruột đỏ đang duy trì mức cao kỷ lục. Tại vườn, mít nhất (loại từ 8kg/quả trở lên) có giá 95.000 - 100.000 đồng/kg; mít nhì (loại từ 6 - 8kg/quả) có giá 80.000 - 85.000 đồng/kg; mít chợ (loại 4kg/quả) có giá 33.000 - 35.000 đồng/kg. Tại vựa, mít nhất có giá từ 102 - 105.000 đồng/kg.

Các thương lái cho biết, giá mít cao bởi thời điểm này nhà vườn chỉ mới bắt đầu xử lý cho ra hoa, sản lượng mít chín khan hiếm. Thời điểm cận Tết Nguyên đán đến ra Giêng mới có sản lượng nhiều.

Mít ruột đỏ đang giữ mức giá kỷ lục 105.000 đồng/kg tại vựa. Ảnh: Minh Đảm.

Mít ruột đỏ đang giữ mức giá kỷ lục 105.000 đồng/kg tại vựa. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Nguyễn Quốc Thống (xã Tân Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang)  trồng 2ha mít ruột đỏ cam đào Thanh Thanh cho biết, mít này có giá tương tự mít ruột đỏ Indonesia lá bầu, xơ vàng. Thời điểm này, vườn mít của anh chỉ còn một vài trái, số lượng không đáng kể. Khoảng 1 tuần nữa anh mới bắt đầu xử lý cho mít ra hoa đồng loạt rồi tuyển trái.

Theo anh Thống, đây là lần thứ hai trong năm giá mít ruột đỏ duy trì ở mức cao. Hồi đầu năm nay, anh bán được hơn 200kg mít với giá cao nhất 105.000 đồng/kg, dịp rẻ nhất là thời điểm trái cây ĐBSCL vào mùa (giá mít chỉ 20.000 đồng/kg). Năm nay, bình quân cả năm giá mít giao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, chủ vựa mít Minh Tân tại thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho biết, mít ruột đỏ Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc. Giá mít cao là do được các thương nhân Trung Quốc bán trong các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm, chuỗi các điểm bán lẻ. Nếu thương nhân Trung Quốc bán chợ truyền thống thì giá thu mua cũng không cao. Do đó, để bán được giá mít cao cho thương nhân Trung Quốc, đòi hỏi chất lượng mít phải thực sự cao, đồng thời yêu cầu phải có nhà đóng gói, mã số vùng trồng.

Ông Tân chia sẻ thêm, trước đây mít Thái có giá, bà con thi nhau trồng, tuy nhiên có thời gian giá rớt thê thảm nên bà con lại chặt, sau đó giá tăng trở lại thì tiếp tục mua cây giống về trồng.

Giá mít ruột đỏ hiện rất cao do đang giao mùa, số lượng hiện còn không đáng kể. Ảnh: Minh Đảm.

Giá mít ruột đỏ hiện rất cao do đang giao mùa, số lượng hiện còn không đáng kể. Ảnh: Minh Đảm.

“Hiện nay, bà con mình thấy cây gì có giá thì trồng, rất tự phát nên gặp nhiều bất lợi. Thứ nhất, cây trồng mới kinh nghiệm sản xuất hầu như chưa có, do đó chất lượng trái không đồng đều, trái ngon trái dở, trái dở sẽ kéo giá trái ngon xuống.

Thứ hai, trồng lẻ tẻ sẽ khó xây dựng mã số vùng trồng, không thể xuất khẩu được, khi tới mùa thu hoạch rộ giá sẽ tụt nhanh… Trong khi đó, thị trường Trung Quốc không còn đi tiểu ngạch được, phải đi chính ngạch hết. Họ rất quan trọng nhà đóng gói, nếu có sai sót về kiểm dịch sẽ bị cảnh báo và cấm nhà đóng gói đó. Xa hơn là trái cây mình không cạnh tranh được với các nước”, ông Tân nói và cho rằng cần rút bài học kinh nghiệm trong trồng mít ruột đỏ từ câu chuyện của cây mít Thái.

Hiện nay, mít ruột đỏ cũng như mít Thái, mít nói chung đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam. Để trồng trái cây xuất khẩu sang thị trường này, nhà nông cần liên kết với nhau, xây dựng vùng nguyên liệu lớn, sản xuất theo quy trình và chất lượng đồng đều, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, tránh phát triển tự phát, ồ ạt, kém bền vững.

Bình luận