KHUYẾN NÔNG VIỆT NAM VIẾT TIẾP TRANG SỬ VẺ VANG, TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN TRONG THỜI KỲ MỚI

Bình luận · 207 Lượt xem

Ngày 26/10/2023, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; Bộ Nông nghiệp và PTNT đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Khuyến nông Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng của ngành Nông nghiệp và PTNT trong năm 2023 cũng nh

Lễ kỷ niệm có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT; các đồng chí lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Sơn La, Tuyên Quang, Quảng Nam, Hải Dương; các đồng chí lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT, các đồng chí lãnh đạo và cán bộ khuyến nông đến từ 63 tỉnh, thành trên cả nước; lãnh đạo và chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp. Đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí tham dự và đưa tin về Lễ Kỷ niệm.   

Ngày 2/3/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/CP về công tác khuyến nông. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự ra đời của hệ thống khuyến nông Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống Khuyến nông Việt Nam không ngừng lớn mạnh, từ chỗ chỉ có vài trăm người (năm 1993); đến năm 2015, tổng số cán bộ khuyến nông các cấp trên toàn quốc là 36.812 người (trong đó: cấp trung ương là 92 người, cấp tỉnh là 2.114 người, cấp huyện là 4.347 người, cấp xã là 8.880 người, cấp thôn bản là 21.379 người) và khoảng 3.000 câu lạc bộ khuyến nông với số lượng hàng trăm ngàn nông dân ở các vùng, miền trong cả nước.

Ra đời, gắn bó cùng “Tam nông”, trải qua mỗi thời kỳ phát triển với những tên gọi khác nhau, nhưng sứ mệnh vì nền nông nghiệp, vì nông dân, nông thôn Việt Nam vẫn luôn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hành trình 30 năm qua. Con đường phát triển của khuyến nông gắn liền với sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam từ đảm bảo an ninh lương thực đến khẳng định vị thế của một cường quốc xuất khẩu nông sản. Trên hành trình đó, khuyến nông giữ vai trò chủ lực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, đã tạo nên những dấu ấn sâu đậm, đóng góp quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp giá trị cao, mang lại ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc.

Trước bối cảnh và yêu cầu mới với những cơ hội và thách thức đan xen, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đây là thời cơ để hệ thống khuyến nông tiếp tục đổi mới và phát triển. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh khẳng định: “Thời gian tới, hệ thống khuyến nông tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, đội ngũ khuyến nông cộng đồng – những người gắn bó, đồng hành với bà con nông dân trên mọi miền đất nước - giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Để hoàn thành vai trò, sứ mệnh của mình, mỗi người cán bộ khuyến nông cần thấm nhuần tư tưởng: “Muốn thay đổi nền nông nghiệp, trước hết và trên hết là cần hỗ trợ để chính người nông dân thích ứng với sự thay đổi, sẵn lòng và chủ động thay đổi”. “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông” đó không phải là một khẩu hiệu mà phải thực sự khắc ghi vào tâm thức của những người làm công tác khuyến nông. Đội ngũ cán bộ khuyến nông đến với bà con nông dân bằng cả trái tim mình, đến không chỉ vì nhiệm vụ cao cả mà còn là bổn phận, đến vì thấy mình nên đếncần đến và phải đến”.

Tại Lễ Kỷ niệm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Cũng nhân dịp này, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã gửi tặng Hệ thống khuyến nông cả nước bức tranh với dòng chữ “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông” với mong muốn toàn bộ cán bộ trong hệ thống khuyến nông luôn thấm nhuần tư tưởng này và biến thành những hành động cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ bà con nông dân. Đồng thời, 34 tập thể và 31 cá nhân đã được trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao sự đóng góp của khuyến nông đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam. Theo Thứ trưởng, thành tựu nổi bật của hệ thống khuyến nông 30 năm qua là đã làm tốt công tác chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các giải pháp hữu ích vào sản xuất, canh tác, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân. Đội ngũ cán bộ khuyến nông bám sát địa bàn, gắn bó mật thiết với bà con nông dân, chia sẻ những khó khăn, vất vả của người nông dân; hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch bệnh, phát triển sản xuất và làm giàu. Thời gian sau này, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, hoạt động khuyến nông tập trung vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hệ thống khuyến nông đã tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hình thức hoạt động, mở rộng phạm vi bao phủ và đối tượng tiếp nhận, xác nhận nông dân là đối tượng trọng tâm, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và công nghệ hiện đại, xây dựng các chương trình khuyến nông áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp góp phần gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Hệ thống khuyến nông chủ động phối hợp, kết nối với doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức quốc tế theo mô hình hợp tác công tư, thực hiện chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới giai đoạn 2021- 2020 và 2021- 2025. Ở nhiều địa phương đã thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng và bước đầu đã có những tín hiệu tích cực, nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của bà con nông dân.

Đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, chiến lược phát triển hoạt động khuyến nông có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, nhiệm vụ đặt ra với công tác khuyến nông là lấy nông dân là trung tâm của mọi hoạt động của hệ thống khuyến nông, nâng cao phúc lợi cho nông dân và cư dân nông thôn, tri thức hóa nông dân, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Thứ trưởng nêu một số nội dung, định hướng để hệ thống khuyến nông xây dựng chiến lược phát triển khuyến nông trong giai đoạn tới:

Trước hết là đổi mới tư duy hệ thống khuyến nông theo hướng khuyến nông công nghệ số, lấy người nông dân là trung tâm của mọi hoạt động khuyến nông theo phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.

Đổi mới hình thức tổ chức và hoạt động khuyến nông theo hướng đa dạng hóa, trong đó khuyến nông nhà nước giữ vai trò nòng cốt, phát huy vai trò khuyến nông cộng đồng, xã hội và doanh nghiệp, hợp tác xã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người nông dân.

Mở rộng nội dung hoạt động khuyến nông từ chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất là chính sang cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ năng quản lý, kinh doanh, phát triển thị trường và bảo vệ môi trường.

Mở rộng quy mô hoạt động của công tác khuyến nông theo hướng đa phương thức tiếp cận, tiếp cận từ dưới lên, tiếp cận theo các chương trình mục tiêu chiến lược, tiếp cận theo chương trình công nghệ số, đa phương tiện, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ưu tiên hỗ trợ các chủ thể nông dân thuộc diện chính sách, dân tộc và thuộc diện nghèo yếu thế trong xã hội.

Củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông các cấp, đảm bảo các địa phương, địa bàn đều có tổ chức khuyến nông. Cán bộ khuyến nông phụ trách quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến nông có năng lực, trình độ, tâm huyết, yêu nghề và có chính sách ổn định đời sống cho cán bộ khuyến nông.

Phát huy truyền thống và thành tựu của bề dày lịch sử 30 năm xây dựng và trưởng thành, với niềm tin trọn vẹn, với tinh thần trách nhiệm cao và quyết tâm chính trị đã được tôi luyện, Khuyến nông Việt Nam sẽ tiếp tục viết thêm những trang sử vẻ vang, xây dựng hệ thống ngày càng phát triển vững mạnh, tiếp tục đồng hành cùng người nông dân, thực hiện thắng lợi sứ mệnh của mình trong thời kỳ mới.

Bình luận