Nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện

Bình luận · 192 Lượt xem

Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện kết hợp phát triển du lịch sinh thái đang giúp nhiều nông dân Thanh Hóa có thu nhập tốt.

Thiệt hại ban đầu do chưa có kinh nghiệm nuôi

Nghề nuôi cá lồng tại huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã có từ lâu và đang phát triển mạnh thời gian gần đây. Sau khi huyện có chủ trương nuôi cá lồng trên hồ thủy điện, năm 2018, anh Nguyễn Văn Sinh (xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân) đã quyết định đầu tư lồng, bè nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Cửa Đạt. Anh Sinh cũng là một trong số ít các hộ dân đầu tiên nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái trên địa bàn huyện.

 

Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên anh gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh. “Cá được nuôi trong tự nhiên rất dễ nhiễm các bệnh nấm vây, thối mang. Nếu không phát hiện kịp thời, chỉ vài ngày cả lồng có thể chết trắng. Do chưa có kinh nghiệm, nên năm 2019 và 2020, tôi mất vài tấn cá lăng và cá leo, thiệt hại cả trăm triệu đồng”, anh Sinh chia sẻ.

 

Có năm, lồng cá leo của gia đình anh chết trắng do không hiểu rõ tập tính của cá. “Cá leo thường ăn cá và sống dưới tầng đáy. Tuy nhiên, khi người nuôi cho cá ăn thức ăn bột (nổi trên mặt nước), thì cá không lên đớp mồi. Do bị bỏ đói, cá cắn nhau gây thiệt hại không nhỏ. Có năm, lồng cá bị rách khiến 3 tấn cá lăng thoát hết ra hồ, khiến gia đình tôi thiệt hại cả trăm triệu đồng”, anh Sinh thông tin.

 

Qua một vài lần thất bại, anh bắt đầu có thêm kinh nghiệm trong việc chọn giống, kỹ thuật nuôi cá, xây dựng lồng lưới. Theo anh Sinh, con giống vẫn là yếu tố quyết định năng suất, sản lượng. "Con giống phải đảm bảo khỏe, đều đẹp, không có biểu hiện bệnh ngoài da. Giống có tốt thì cá mới khỏe, phát triển đều", anh nói.

 

Hiện nay anh Sinh có 20 lồng nuôi, chủ yếu là cá lăng, trắm đen, diêu hồng. Sản lượng trung bình khoảng 20-30 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí, doanh thu đạt khoảng 400-500 triệu đồng/năm. Để mở rộng mô hình nuôi cá trên lòng hồ thủy điện, anh Sinh cùng 16 hộ dân đứng ra thành lập HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Cửa Đạt.

 

Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn nhận liên kết với 16 hộ dân khác để cấp con giống và bao tiêu sản phẩm. Ngoài việc liên kết tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, Hợp tác xã còn là nơi các hộ nuôi chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng, bảo vệ vùng nuôi trồng và môi trường nước trên lòng hồ.

 

“Đầu ra có cá lồng khá ổn định. Hầu hết cá lồng đến thời kỳ xuất bán đều được thương lái đến tận nơi để lấy hàng. Hiện tại, Hợp tác xã có 106 lồng nuôi, sản lượng năm 2022 đạt hơn 100 tấn. Với giá bán cá lăng ngay tại hồ dao động 100-110.000 đồng/kg, cá diêu hồng khoảng 50.000-60.000 đồng/kg, số tiền chúng tôi thu về hơn chục tỷ đồng/năm", anh Sinh cho hay.

 

Hiệu quả từ việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy lợi giúp nhiều lao động địa phương có thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

 

Ngoài việc liên kết cùng nhau phát triển nghề nuôi cá lồng, anh Nguyễn Văn Sinh còn thành lập Công ty Du lịch sinh thái hồ Cửa Đạt để khai thác tiềm năng, lợi thế vùng lòng hồ khi vừa có thể nuôi cá vừa làm du lịch.

 

Nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái là mô hình mới, thế nhưng theo anh Sinh, đây là hướng đi tiềm năng, tận dụng lợi thế của địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Để sự gắn kết này được hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế, anh Sinh và các hộ dân ở đây đã chủ động đầu tư 6 thuyền du lịch phục vụ du khách như dịch vụ đưa đón khách trên thuyền vào các điểm tham quan trong quần thể hồ Cửa Đạt, phục vụ nhu cầu ẩm thực ngay trên thuyền, đưa khách tham quan khu nuôi cá, chế biến các món ăn từ sản phẩm cá nuôi lồng ngay trên thuyền để khách thưởng thức.…

 

Theo UBND huyện Thường Xuân, nghề nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái đã giải quyết việc làm cho trên 80 lao động địa phương, từ đó giúp ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại khu vực hồ Cửa Đạt. Hiện nay, trên lòng hồ thủy lợi Cửa Đạt, có 166 lồng nuôi trồng thủy sản (trong đó 100 lồng được chứng nhận VietGAP), sản lượng đạt gần 300 tấn/năm.

 

Ngoài huyện Thường Xuân, mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ thuỷ điện là hướng đi mới của bà con huyện miền núi Quan Hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

 

Hiện toàn huyện có khoảng 50 hộ dân phát triển nghề nuôi cá lồng, với hơn 100 lồng nuôi, tập trung chủ yếu ở lòng hồ thuỷ điện Trung Sơn. Huyện đang lên kế hoạch thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, hướng tới thả nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, huyện xây dựng kế hoạch phát triển thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; hạn chế tình trạng nuôi tự phát khó kiểm soát, ô nhiễm môi trường.

 

Tại xã Điền Lư, huyện Bá Thước có 74 hộ tham gia nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bá Thước 1, 2 với hàng trăm lồng nuôi. Để góp phần tăng năng suất, sản lượng, địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ người nuôi kỹ thuật chọn cá giống...

 

Đẩy mạnh nghề nuôi cá lồng

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có khoảng 138 ha nuôi cá lồng. Trong đó, diện tích nuôi cá lồng nước ngọt trên các hồ thủy lợi, hồ thủy điện khoảng 50ha, với 2.139 lồng nuôi và khoảng 88ha nuôi cá lồng nước lợ, nước mặn với gần 4.000 lồng nuôi tại khu vực eo ngách ra khu vực biển thuộc thị xã Nghi Sơn.

 

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, người dân đã phát triển đa dạng các đối tượng nuôi. Đối với diện tích lồng nuôi nước ngọt, ngoài những đối tượng nuôi truyền thống, như: cá chép, cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá diêu hồng, cá rô phi, cá tầm, các loài cá da trơn, người dân còn phát triển một số loại giống đặc sản, như: cá bống, cá anh vũ, cá ngạnh, cá chiên... Đối với diện tích nuôi nước mặn, người dân đã phát triển nuôi cá song, cá chim vây vàng, cá hồng, cá tráp, cá vược, cá giò, cá cảnh biển, tôm hùm, ốc hương...

 

Cùng với việc mở rộng diện tích nuôi, người dân đã chú trọng phát triển nuôi cá lồng theo quy mô hàng hóa, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chuyển đổi sang lồng nuôi công nghiệp theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường sinh thái nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Cũng theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, việc khai thác tiềm năng, dư địa nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo hướng sản xuất hàng hóa, sẽ giúp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

 

Hiện nay, ngành NN-PTNT Thanh Hóa đang chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân mở rộng diện tích nuôi cá lồng trên các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện; đồng thời có các giải pháp thu hút các doanh nghiệp, Hợp tác xã đầu tư mở rộng quy mô nuôi cá lồng theo hướng hàng hóa; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi; xây dựng kế hoạch phát triển thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; hạn chế tình trạng nuôi tự phát khó kiểm soát, ô nhiễm môi trường.

 

Bên cạnh thuận lợi, việc nhân rộng mô hình nuôi các lồng còn gặp nhiều khó khăn tại một số địa phương như: Vốn đầu tư, tập quán sản xuất của người dân còn lạc hậu dẫn đến hạn chế trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật. Do vậy, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành liên quan, tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

 

Để khai thác tiềm năng và sử dụng hiệu quả mặt nước để phát triển nuôi cá lồng thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ngày 28/12/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 4716/QĐ-UBND về phê duyệt đề án phát triển nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 

Mục tiêu của đề án là tăng quy mô sản xuất và chuyển đổi sang lồng nuôi công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh; giải quyết việc làm, ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là vùng nông thôn miền núi và ven biển.

 

Quốc Toản - Tâm Phùng

Bình luận