Ý thức hộ chăn nuôi chưa cao, dịch bệnh dễ tái phát

Bình luận · 184 Lượt xem

Hộ chăn nuôi chưa chú trọng tiêm phòng, xử lý dịch bệnh chưa triệt để hoặc giấu dịch, bán tháo, bán chạy vật nuôi bị bệnh khiến cho dịch dễ phát sinh, lây lan.

Khi nói về việc kiểm soát dịch bệnh đối với những người chăn nuôi theo mô hình nông hộ, nhiều cán bộ thú y cơ sở ở Quảng Ngãi thừa nhận rằng, điều này không hề dễ dàng. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng trong đó bắt đầu từ nguồn giống chăn nuôi cũng không đảm bảo. Bởi, hầu hết, các hộ nuôi đểu mua giống ở các cá nhân nhỏ lẻ, heo con đủ ngày, đủ tháng là xuất bán chứ chưa qua tiêm phòng, kiểm dịch.

 

Sau một thời gian “treo chuồng” vì dịch bệnh, đầu năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thọ (trú thôn Tây, Tịnh Sơn, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) mua 8 con heo giống của người dân địa phương về nuôi. Ông Thọ cho biết, mua ngoài rẻ hơn rất nhiều. Như đàn heo hiện tại, trung bình mỗi còn giống chỉ có giá khoảng 500.000 đồng. Trong khi mua heo con của các trai trại lớn hoặc các công ty chăn nuôi thì giá lên đến hơn 1 triệu đồng mỗi con.

 

Lo sợ dịch bệnh tái phát, sau khi mua heo về chuồng thả, ông Thọ cũng gọi cán bộ thú y đến để tiêm vacxin phòng bệnh dịch tả cổ điển và vacxin E.coli. “Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên vệ sinh, rải vôi bột xung quanh chuồng nuôi. Đến nay đàn heo đang phát triển tương đối tốt. Người chăn nuôi gia đình như chúng tôi chỉ biết phòng trừ đến mức đó, lỡ có dịch bệnh xảy ra cũng đành phải chịu”, ông Thọ chia sẻ.

 

Sau yếu tố về nguồn giống thực trạng tiêm phòng cho vật nuôi hiện nay cũng đang là vấn đề đáng quan tâm ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo bà Nguyễn Thị Thùy Trang, cán bộ Chăn nuôi - Thú y xã Tịnh Sơn, với những gia đình nuôi từ 10 con heo trở lên chủ hộ còn chú trọng công tác phòng dịch, còn những người nuôi ít hơn cũng ít khi quan tâm, việc chăn nuôi đơn giản chỉ là tận dụng nguồn thức ăn dư thừa hoặc phụ phẩm từ nông nghiệp.

 

“Nhiều người còn có quan điểm nuôi được thì nuôi chết thì thôi. Khi tiêm phòng miễn phí đồng loạt thì họ rất hưởng ứng còn nếu tiêm mất tiền thì người dân không mặn mà. Ngay cả khi cán bộ thú y đến tư vấn tiêm phòng cũng khó, một số hộ còn nghĩ mình tư vấn tiêm để lấy tiền. Lúc này phải nhờ cán bộ thôn vận động mới được. Đó là chưa kể đến hiện nay giá thức chăn nuôi tăng trong khi giá heo thương phẩm bấp bênh nên người nuôi còn hạn chế tiêm phòng để tiết kiệm chi phí”, bà Trang nói.

 

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Khuyến nông - Thú y xã Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho rằng, ngoài những nguyên nhân nói trên thì còn có tình trạng khi đàn heo bị dịch, người dân không báo cho cơ quan chức năng mà thuê những người làm nghề thú y tự do về tiêm. Thấy một thời gian nhưng điều trị không khỏi, sợ cả đàn heo chết sẽ mất trắng nên nông hộ lén lút bán tháo, bán chạy để vớt vát lại chút vốn.

 

“Như ngày 9/8 vừa rồi ở thôn An Tây có 4 hộ với 20 con heo bị dịch bệnh. Thế nhưng phải đến tối ngày 16/8 chúng tôi mới nghe thông tin và sáng 17/9 đến hiện trường kiểm tra cũng như báo với cơ quan chuyên môn về lấy mẫu. Nhưng thời điểm đến đã có 19 con bị chết. Quãng thời gian từ lúc heo bị bệnh cho đến khi ngành chức năng địa phương phát hiện rất lâu nên nếu không xử lý đúng cách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh lây lan”, ông Tuấn nói.

 

Cũng theo ông Tuấn, bên cạnh ý thức của người dân thì còn có một phần trách nhiệm của những người làm nghề thú y tự do. Bởi những người này được các nông hộ có vật nuôi bị bệnh thuê tới tiêm phòng hoặc điều trị khi có dịch. Do đó, lực lượng thú y hành nghề tự do này không có cơ chế công việc ràng buộc với địa phương.

 

Thậm chí có những người còn cố tình giấu đi sự yếu kém về chuyên môn. Vậy nên, trong trường hợp điều trị không khỏi, họ còn xúi giục người dân bán chạy, vận chuyển vật nuôi bị bệnh đi khắp nơi. Điều này gây khó khăn cho cán bộ địa phương, không những không quản lý, kiểm soát được dịch bệnh mà còn khiến cho dịch phát sinh ngày càng mạnh.

Bình luận