Trình diễn thành công nhiều mô hình nuôi thủy sản

Bình luận · 231 Lượt xem

Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên trình diễn thành công nhiều mô hình nuôi thủy sản.

Nhằm giúp các hộ nuôi cá tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên xây dựng mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ là chính trong ao tại một số địa phương trong tỉnh với quy mô 3,8ha.

Cấp cám hỗ trợ cho các hộ nuôi cá trắm cỏ ở huyện Tiên Lữ. Ảnh: Hải Tiến.

Cấp cám hỗ trợ cho các hộ nuôi cá trắm cỏ ở huyện Tiên Lữ. Ảnh: Hải Tiến.

Sau 10 tháng triển khai thực hiện, các mô hình đều đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, đã tổ chức được 4 lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi cá cho 120 hộ nông dân tham gia (30 hộ/lớp); tỷ lệ sống của đàn cá trên 73%; trọng lượng trung bình của cá trắm cỏ từ 1kg/con trở lên; năng suất nuôi đạt trên 12 tấn/ha. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống cá trắm cỏ và 49% khối lượng thức ăn cho toàn bộ quá trình nuôi.

Bà Nguyễn Thị Châm ở xã Hạ Lễ (huyện Ân Thi) tham gia mô hình phấn khởi cho biết, trên diện tích 0,6ha mặt nước, bà thả ghép 7.500 con giống trắm cỏ với cá mè trắng, trôi, chép và rô phi đơn tính đực theo hướng dẫn của khuyến nông. Sau 8 tháng nuôi, chỉ riêng cá trắm cỏ thu được 6.000 con (7.200kg), trừ hết chi phí còn lãi hơn 86 triệu đồng (tương ứng năng suất đạt 12 tấn/ha, lợi nhuận 144 triệu đồng/ha, tỷ lệ cá sống đạt 80%), chưa tính nguồn lợi từ nuôi ghép các loại cá khác.

Ông Nguyễn Văn An ở xã Đại Tập (huyện Khoái Châu) tham gia mô hình cũng hồ hởi cho biết, nhờ làm theo đúng kỹ thuật của khuyến nông, trên diện tích 0,5ha ao, sau 8 tháng nuôi, ông lãi gần 75 triệu đồng chỉ tính riêng cá trắm cỏ, tương ứng giá trị thu nhập 150 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Phú thực hiện mô hình ở xã Tân Tiến (huyện Văn Giang) chia sẻ: Để đạt hiệu quả nuôi thuỷ sản tốt như trên, ông và nhiều hộ ở đây được khuyến nông tỉnh hướng dẫn chi tiết về đặc điểm sinh học một số loài cá nước ngọt, kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi, thả con giống, chăm sóc cá giống sau nuôi thả, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường ao nuôi... Đặc biệt, hộ tham gia mô hình còn được hướng dẫn cách ghi nhật ký nuôi trồng thuỷ sản, điều này trước đây không hộ nào thực hiện.

Cấp hỗ trợ con giống cho mô hình nuôi cá trắm cỏ ở huyện Văn Giang. Ảnh: Hải Tiến.

Cấp hỗ trợ con giống cho mô hình nuôi cá trắm cỏ ở huyện Văn Giang. Ảnh: Hải Tiến.

Việc ghi nhật ký nuôi cá không chỉ nhằm truy tìm nguyên nhân gây bệnh và chất lượng cá thịt khi cần, mà còn giúp lưu lại những kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản tích luỹ được qua các năm.

Sau khi được khuyến nông tập huấn kỹ thuật, ông Phú vẫn còn nhớ, nói vanh vách những nét chính trong chăn nuôi cá trắm cỏ bao gồm: Mực nước ao tốt nhất cần duy trì ở mức 1,2m, pH nước 6,5 - 7,0. Thành và bờ ao phải kè cứng, vét ao để lại một lớp bùn dày khoảng 15 - 20cm, rắc 10kg vôi/100m2 đáy, phơi nắng 5 - 7 ngày rồi đưa nước vào. Chọn con giống phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Mật độ thả 2,5 con/m2. Đưa thẳng túi đựng cá giống xuống nước để cân bằng lại nhiệt độ, 15 phút sau mới mở miệng túi để cá tự bơi ra ngoài. Thả cá vào sáng sớm hoặc chiều tối và những ngày trời quang. Băm nhỏ các loại rau cỏ rắc cho cá ăn, kết hợp kiểm tra thu dọn sạch thức ăn thừa để nước ao luôn sạch, hạn chế các mầm bệnh phát sinh...

Định lượng thức ăn thức ăn xanh (rong, bèo, chuối) là 60% tổng trọng lượng cá thả trong ao, kết hợp cho ăn thêm 1,5 - 2% thức ăn tinh (cám ngô, gạo hoặc cám công nghiệp). Thường xuyên theo dõi màu nước và mức tiêu thụ thức ăn của cá để điều chỉnh phù hợp với trọng lượng cá trong ao.

Cá trắm cỏ trong mô hình nuôi 8 tháng đã nặng trung bình 1,2kg/con. Ảnh: Hải Tiến.

Cá trắm cỏ trong mô hình nuôi 8 tháng đã nặng trung bình 1,2kg/con. Ảnh: Hải Tiến.

Định kỳ hàng tháng, pha loãng vôi bột (liều lượng 2kg/100m2 mặt nước) té đều khắp ao. Nếu buổi sáng thấy đầu cá nổi lên thời gian dài, phải nhanh chóng bật quạt nước, máy bơm hay máy sục để tạo oxy trong nước...

Những bệnh thường gặp trên cá trắm cỏ gồm: Bệnh đốm đỏ, là đối tượng gây hại phổ biến trên cá trắm cỏ, cần loại bỏ ngay những con cá mất khả năng ăn uống ra khỏi ao, rồi dùng thuốc KN-04-12 để phòng ngừa. Bệnh xuất huyết, do virus gây ra, chưa có thuốc chữa trị, với ao có nhiều cá nhiễm bệnh này, phải thu hoạch sớm, ao cá còn nhỏ thì nên loại bỏ, làm sạch ao và nuôi đợt mới. Bệnh trùng mỏ neo do ký sinh trùng mỏ neo gây hại, phòng trị bằng lá xoan tươi, đập dập từng bó thả xuống ao. Lưu ý, khi đang chữa trị bệnh trùng mỏ neo bằng lá xoan mà có hiện tượng cá nổi đầu thì không cần lo lắng.

Bên cạnh thực hiện thành công mô hình nêu trên, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên còn hoàn thành vượt kế hoạch năm 2023 tại các mô hình “Nuôi cá rô phi trong lồng bè” và “Nuôi ghép cá chép trong ao là chính".

Bình luận