Nuôi tôm xen cua, cá, hiệu quả bất ngờ

Bình luận · 245 Lượt xem

Nuôi tôm xen, cua, cá trong ao nuôi có cây ngập mặn vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa ổn định môi trường, giảm thiểu dịch bệnh trên thủy sản nuôi.

Trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai 2 mô hình nuôi thủy sản tổng hợp tôm, cua, cá có kết quả rất khả quan. Những hộ tham gia mô hình có lợi nhuận 150 - 180 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trước đây. Điểm đặc biệt của mô hình nuôi tôm xem cua, cá là có chi phí đầu tư ban đầu thấp, tận dụng được không gian của hệ sinh thái cây rừng ngập mặn, nhờ đó người nuôi giảm được chi phí cải tạo ao hồ.

Từ kết quả đạt được, trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các xã Phước Thuận, Phước Hòa (huyện Tuy Phước) Cát Minh (huyện Phù Cát) với quy mô 10.000m2/mô hình.

Người dân sống ven đầm Thị Nại ở huyện Tuy Phước (Bình Định) đang phát triển mạnh nghề nuôi tôm xem cua, cá trong ao nuôi có cây ngập mặn. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân sống ven đầm Thị Nại ở huyện Tuy Phước (Bình Định) đang phát triển mạnh nghề nuôi tôm xem cua, cá trong ao nuôi có cây ngập mặn. Ảnh: V.Đ.T.

Tham gia mô hình, các hộ nuôi được hỗ trợ 50% chi phí về giống, thức ăn, men vi sinh và vật tư thiết yếu. Các hộ nuôi cam kết phải tuân thủ quy trình kỹ thuật về ao nuôi theo hướng dẫn của ngành chức năng; kết hợp chăm sóc và bảo vệ cây rừng ngập mặn, tạo cảnh quan môi trường sinh thái giúp cho các đối tượng nuôi sinh trưởng, phát triển tốt.

Anh Phan Trọng Sinh ở thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) cho biết, được Trung tâm Khuyến nông Bình Định hỗ trợ, trong ao nuôi có diện tích 1ha anh thả 100.000 con giống tôm sú, 1.000 con cá dìa giống và 2.000 con cua xanh. Nhờ tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn trong suốt quá trình nuôi nên tỷ lệ sống của riêng con tôm cao hơn so với hình thức nuôi chuyên tôm trước đây. Hơn nữa, tôm, cua, cá trong ao nuôi phát triển nhanh nhờ môi trường nước trong ao nuôi ổn định, đặc biệt, suốt quá trình nuôi không xuất hiện dịch bệnh.

Lưới lồng - vật dụng người nuôi tôm xen cua, cá bắt thủy sản nuôi để bán quanh năm. Ảnh: V.Đ.T.

Lưới lồng - vật dụng người nuôi tôm xen cua, cá bắt thủy sản nuôi để bán quanh năm. Ảnh: V.Đ.T.

“Sau 5 tháng nuôi, tôi thu hoạch được hơn 1.695kg tôm, cua, cá; trong đó có 1.240kg tôm sú, 200kg cua xanh và hơn 255kg cá dìa. Sau khi trừ mọi chi phí đầu tư, còn lãi khoảng 155 triệu đồng”, anh Sinh phấn khởi cho hay.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Định, trong bối cảnh môi trường nguồn nước nuôi ngày càng bị ô nhiễm, nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ ở Bình Định ngày càng đối mặt với rủi ro dịch bệnh. Vì vậy, người dân ngày càng có xu hướng chuyển sang mô hình nuôi thủy sản tổng hợp, nuôi xen ghép ở các vùng nước lợ.

Trong năm 2023, ngoài xây dựng mô hình nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá trong ao sinh thái rừng ngập mặn, Trung tâm Khuyến nông Bình Định còn xây dựng mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong ao nước ngọt và mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong hồ thủy lợi.

Sau 5 tháng nuôi, anh Phan Trọng Sinh ở thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) thu hoạch được 1.240kg tôm sú trong mô hình nuôi xen. Ảnh: V.Đ.T.

Sau 5 tháng nuôi, anh Phan Trọng Sinh ở thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) thu hoạch được 1.240kg tôm sú trong mô hình nuôi xen. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trương Xuân Đưa, Trưởng Trạm Nghiên cứu Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp (thuộc Trung tâm Khuyến nông Bình Định) cho biết, nhờ đã có kinh nghiệm trong nghề nuôi thủy sản nên việc triển khai các mô hình khá thuận lợi, kết quả mang lại rất khả quan. Nhờ nuôi ghép nhiều đối tượng trên cùng một diện tích, trong cùng một thời vụ nên đã tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, cua và cá dìa sử dụng được chất thải và thức ăn thừa của tôm sú.

“Nhờ đó, môi trường nước ao nuôi tôm luôn ổn định, không bị ô nhiễm. Ngoài ra, cây ngập mặn phát triển trong ao nuôi phát huy chức năng lọc nước, ổn định môi trường nước, giúp cho tôm, cua, cá sinh trưởng và phát triển tốt”, ông Đưa cho hay.

Theo ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, mô hình nuôi tôm xen cua, cá trong những diện tích có cây ngập mặn là hướng đi phù hợp cho người dân sống quanh khu vực đầm Thị Nại. Mô hình này vừa giúp người dân có thêm thu nhập, vừa bảo vệ môi trường ao nuôi theo hướng bền vững, đồng thời góp phần thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn.

Ngoài tôm sú và cá dìa, vụ nuôi năm 2023, anh Phan Trọng Sinh còn thu hoạch được 200kg cua xanh. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài tôm sú và cá dìa, vụ nuôi năm 2023, anh Phan Trọng Sinh còn thu hoạch được 200kg cua xanh. Ảnh: V.Đ.T.

“Nhiều hộ dân nuôi thí điểm thành công, cho thu nhập ổn định hơn hẳn so với hình thức nuôi chuyên tôm trước đây. Vì vậy, ngành chức năng huyện Tuy Phước khuyến cáo chính quyền các địa phương ven đầm Thị Nại cần có định hướng, tổ chức tuyên truyền, động viên nông dân học tập kỹ thuật để từng bước nhân rộng mô hình này tại các vùng nuôi trên địa bàn huyện”, ông Ân chia sẻ.       

“Trung tâm Khuyến nông Bình Định đang hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật, tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình nuôi thủy sản tổng hợp tôm, cua, cá trong thời gian tới. Mô hình nuôi thủy sản tổng hợp trong ao sinh thái cây ngập mặn phù hợp với nuôi tôm nước lợ ở các vùng ven đầm nhờ tính bền vững. Đây cũng là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến Bình Định”, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định chia sẻ.

Bình luận