Cái tình của những người làm khuyến nông ở Phúc Thọ

Bình luận · 125 Lượt xem

Phúc Thọ là huyện thuần nông của TP Hà Nội đang trong quá trình xây dựng thành một miền quê đáng sống, có kinh tế khá, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp.

Cán bộ khuyến nông và nhà khoa học thăm vườn hoa Trào Yến. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cán bộ khuyến nông và nhà khoa học thăm vườn hoa Trào Yến. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Miền quê của vùng bãi và vùng đồng

Mỗi khi nghĩ về đội ngũ khuyến nông tôi lại nhớ câu mà ông Trương Ngọc Lương - một cựu cán bộ khuyến nông của Hà Nội, tuy đã 75 tuổi nhưng tình yêu nghề lúc nào cũng sục sôi trong máu, vẫn muốn được giúp dân, nhất là những ca kỹ thuật khó.

Ông cười và giải thích với tôi rằng: “Bởi những người như chúng mình có cùng chung một nhóm máu khuyến nông, tức nhóm máu khuyến nông ấy mà”. Lần trở về Phúc Thọ dự diễn đàn nhịp cầu nhà nông lần này tôi đã có cảm nhận mộc mạc, chân tình như vậy khi gặp những cán bộ của Trạm khuyến nông huyện.

Phúc Thọ có gần 7.000ha đất nông nghiệp thì phân chia rõ thành 2 vùng bãi và vùng đồng với ưu điểm và nhược điểm riêng. Dân số trên 17 vạn người thì trong đó dân số nông thôn chiếm 96%, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chiếm trên 70% tổng lực lượng lao động.

Trong những năm vừa qua, huyện đã chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu, giúp cho sản xuất ở đây thay  đổi nhanh, thu nhập cũng như chất lượng đời sống của nông dân tăng lên rõ rệt.

Tới nay, huyện đã phát triển được vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mang tính tập trung như 3.060ha lúa chất lượng cao, 1.000ha cây ăn quả, 480ha rau an toàn, 450ha hoa cây cảnh, 28ha nông nghiệp công nghệ cao, hình thành được 8 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Nhiều nông sản của Phúc Thọ đã không còn vô danh nữa mà có tên, có nhãn hiệu tập thể đàng hoàng như bưởi Tam Vân, chuối Vân Nam, gạo nếp Tam Hiệp, rau an toàn Xuân Phú…

Huyện đã tuyên truyền để nông dân có ý thức tự giác, có trách nhiệm trong việc sản xuất ra nông sản là phải an toàn, không chỉ cho mình, cho môi trường, mà còn cho cả người tiêu dùng sử dụng; Tránh sản xuất đơn lẻ theo kiểu nông hộ mà hợp lại thành các tổ nhóm, HTX để cùng làm một giống, một quy trình kỹ thuật, đáp ứng số lượng lớn, chất lượng đồng đều theo yêu cầu của doanh nghiệp; Triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động ba sạch, xây dựng môi trường xanh và bền vững.

Chủ vườn Trào Yến đang chăm sóc cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chủ vườn Trào Yến đang chăm sóc cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Khuất Thúy Thỏa - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phúc Thọ cho biết đơn vị có 9 người với cán bộ chuyên môn của các tổ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, kế toán, quản lý quỹ khuyến nông... trong đó trình độ chuyên môn có 2 thạc sỹ, 6 đại học. Thuận lợi là: Sản xuất nông nghiệp gần đây được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, chú trọng. Nội bộ cơ quan biết đoàn kết, giúp đỡ nhau. Khó khăn là: Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, trang thiết bị máy móc còn thiếu nên có phần hạn chế trong công tác tuyên truyền; Giá giống, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người dân không mặn mà với việc chăn nuôi; Thời tiết thất thường, mưa bão ngập lụt rau màu, nhiều nơi mất mùa, khó phục hồi.

Khắc phục tất cả những khó khăn ấy, đội ngũ khuyến nông của trạm trong 9 tháng đầu năm vẫn thực hiện cung cấp giá cả thông tin thị trường đầy đủ cho Trung tâm Khuyến nông Hà Nội mỗi tuần 1 lần và mỗi tháng cung cấp 5 đơn vị sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản trên địa bàn huyện; Tổ chức được 7 lớp tập huấn thời vụ cho nông dân với 450 lượt người tham dự về thâm canh lúa vụ mùa; Phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của huyện để chuyển giao KHKT cho bà con nông dân và phòng trừ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản, cây trồng; Phối hợp với UBND huyện tham gia các đoàn rà soát, lựa chọn mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt như thẩm định mô hình nuôi chạch, cua đồng, nuôi lợn và trồng hoa cây cảnh.

Xã Tích Giang có nhiều mô hình trồng hoa như thế này. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Xã Tích Giang có nhiều mô hình trồng hoa như thế này. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Những mô hình của hiện tại và tương lai

Đến khi triển khai thì trạm lại trực tiếp chỉ đạo thực hiện các mô hình khuyến nông như sản xuất bưởi theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, quy mô 3 ha với 6 hộ tham gia tại xã Thượng Cốc. Lấy mẫu đất, nước để kiểm tra xem có đạt tiêu chuẩn sản xuất sạch rồi cung cấp phân bón và đậu tương. Hiện, bưởi sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, đường kính quả 38-46cm.

Mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, quy mô 2ha với 2 hộ tham gia tại xã Sen Phương. Các hộ được tập huấn kỹ thuật trước khi thả cá, rồi được cấp 12.000 rô phi giống, 18.000 chép giống, kích cỡ đồng đều, không xây xát, không mang mầm bệnh, không dị hình, không dị tật. Hiện, cá phát triển tốt, trọng lượng bình quân 150gram/con.

Nói đến sự thay đổi của nông nghiệp của Phúc Thọ không thể bỏ qua xã Tích Giang - nơi có trên 700 hộ sản xuất hoa, cây cảnh với tổng diện tích gần 100 ha, thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm. Làng nghề hoa cây cảnh Tích Giang đã được TP Hà Nội công nhận và đang hướng tới sẽ gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm, mở bến du thuyền bên dòng sông Đáy và sông Tích để cho khách tiện về ghé thăm.

Nghề trồng hoa ở Tích Giang đã cho thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nghề trồng hoa ở Tích Giang đã cho thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi lại nhớ đến anh Hoàng Văn Trào, chủ vườn hoa Trào Yến rộng cả 1 ha - một trong những người đi đầu trong phong trào trồng hoa ở Tích Giang. Hơn 10 năm về trước, vùng quê của anh chỉ có trồng lúa, rất nghèo. Không chấp nhận cảnh nghèo anh tìm đến những vùng hoa nổi tiếng nhất của cả nước để tìm hiểu bí quyết rồi về quyết tâm áp dụng. Lúc đó, chính quyền Tích Giang vẫn cấm không cho người dân chuyển đổi từ lúa sang đối tượng cây trồng khác nên anh phải đánh liều làm một cái nhà màng rộng 400m2, khá tạm bợ bằng tre nứa để trồng hoa và nhanh chóng bị lập biên bản, buộc phải tháo dỡ.

Mấy năm về sau, khi nhận thấy một số hộ trồng hoa cho thu nhập khá, xu thế chuyển đổi là không thể cưỡng lại được, chính quyền từ ngăn cấm đã chuyển sang khuyến khích để hình thành nên một vùng chuyên canh các loại hoa,  cây cảnh. Anh Trào bắt đầu yên tâm đầu tư vào nghề mới này, mở rộng quy mô vào cả Đà Lạt để sản xuất, tạo ra hai mùa hoa Nam và Bắc rõ rệt, đáp ứng yêu cầu mỗi ngày một cao của người chơi.

Trong quá trình phát triển nhanh chóng của nghề hoa, cây cảnh ở Tích Giang, không thể thiếu được một phần đóng góp của Trạm Khuyến nông huyện và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội. Cách đây hàng chục năm khuyến nông có mô hình hoa ly, sau đó là mô hình hoa đồng tiền đã giúp cho dân thoát khỏi những bỡ ngỡ khi phải “tự bơi” về kỹ thuật. Song song với các mô hình dạy dân cách trồng hoa, khuyến nông còn cung cấp vốn cho họ để đầu tư mở rộng sản xuất và hiện tại có 2 hộ đang vay quỹ như thế.

Theo chị Khuất Thúy Thỏa - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phúc Thọ, ngoài việc tập huấn về khoa học kỹ thuật, đội ngũ khuyến nông hiện nay cần sát cánh với bà con trong những việc quan trọng không kém như tuyên truyền và kết nối thị trường. Với riêng nghề trồng hoa, cây cảnh Tích Giang cần phát triển theo hướng làng hoa du lịch gắn với những sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, không phải giống hoa nào cũng đưa được vào mô hình khuyến nông bởi chưa có quy chuẩn kỹ thuật, trong khi đó người dân thì rất nhanh nhạy trong việc ứng dụng các giống hoa mới.

Thêm vào đó, khuyến nông cũng chưa có quy chuẩn cho những thứ mới kiểu như nông nghiệp kết hợp với du lịch. Một khu ruộng trồng hoa, cây cảnh muốn phát triển du lịch phải có lối vào, phải có chỗ cho khách nghỉ ngơi, uống nước, chụp ảnh checkin. Hiện không có quy định nào, không biết xin phép ra sao để làm những hạng mục đó trên đất nông nghiệp nên sắp tới cần phải có những chính sách, hướng dẫn thật cụ thể. 

Hiện nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết như tuy đã dồn điền đổi thửa nhưng ruộng đồng vẫn còn nhỏ, rồi chuyện ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất nông nghiệp sinh thái, theo chuỗi… Vì thế đội ngũ khuyến nông cũng cần phải nâng cao kỹ năng, trình độ để đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Cần tiếp tục bám sát định hướng của thành phố, của ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, tư vấn dịch vụ...

DƯƠNG ĐINH TƯỜNG

Bình luận