Năng suất, chất lượng lúa không xung đột với giảm phát thải

Bình luận · 186 Lượt xem

Trái với quan niệm giảm phát thải sẽ làm giảm năng suất, nếu làm đúng phương pháp, đây sẽ là 2 yếu tố bổ trợ, tỷ lệ thuận với nhau trong sản xuất lúa gạo.

Tăng trưởng xanh là khái niệm được nhắc đến trong vài năm trở lại đây, cả trên thế giới và ở Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Chiến lược về phát triển tăng trưởng xanh giai đoạn từ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.

Đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng, để đáp ứng được các yêu cầu về tăng trưởng xanh, có 2 điểm rất quan trọng. Đầu tiên là giảm lượng tiêu thụ vật tư đầu vào, hay nói rộng ra là giảm tiêu thụ tài nguyên.

Cụ thể, với những vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của Việt Nam như ở ĐBSCL, đầu tiên cần giảm lượng giống. Từ giảm giống, lượng nước sử dụng trong canh tác cũng giảm theo, đây là một nguồn tài nguyên quan trọng và không hề vô tận.

Tiếp theo là giảm về phân bón, đặc biệt là giảm lượng sử dụng phân bón vô cơ và tăng lượng phân bón hữu cơ. Yếu tố tiếp theo phải giảm là thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Điểm quan trọng thứ hai là giảm phát thải. Hiện nay, trong lĩnh vực trồng trọt thì sản xuất lúa gạo đang có lượng phát thải lớn nhất. Do đó, cần đưa yếu tố khoa học, công nghệ vào sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính. Đó là yêu cầu mà chúng ta phải đáp ứng được để có thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

Tại Hà Nội, kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) hiện nay vẫn được duy trì hiệu quả và lan tỏa ra sản xuất. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại Hà Nội, kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) hiện nay vẫn được duy trì hiệu quả và lan tỏa ra sản xuất. Ảnh: Tùng Đinh.

Với 2 yêu cầu trên, thực tế cho thấy vẫn đang còn tồn lại một số nút thắt ở các vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm, ví dụ như ĐBSCL đó là thói quen canh tác, lượng giống sử dụng rất nhiều.

Nếu như ở miền Bắc, mỗi ha chỉ cần 30 – 35kg lúa giống thì con số này ở ĐBSCL lên tới 120 – 150kg. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, chúng ta có 5 năm triển khai Dự án VnSAT để đưa lượng giống sử dụng ở ĐBSCL xuống còn 80 – 100kg/ha, nhưng mới chỉ triển khai được trên khoảng 200.000ha, trong khi tổng diện tích lúa gạo ở khu vực này lên đến 1,6 triệu ha.

Cùng với giống, lượng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và nước cũng đang ở mức cao. Đây là nút thắt đang tồn tại ở những vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của chúng ta, đặc biệt là khu vực phía Nam.

Có thể thấy, đây là bài toán mà ngành nông nghiệp cần giải quyết, thông qua những giải pháp khoa học trên quy mô rộng lớn hơn, điển hình như cách triển khai Dự án VnSAT thời gian vừa qua.

Năng suất, chất lượng lúa gạo và giảm phát thải luôn song hành

Hiện nay, nhiều người có suy nghĩ nếu canh tác lúa theo hướng giảm phát thải sẽ phần nào ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Tuy nhiên trên thực tế hoàn toàn ngược lại.

Với những phương pháp canh tác mà Bộ NN-PTNT đang hướng dẫn các địa phương áp dụng hiện nay như “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” hay IPM trước đây và hiện nay là IPHM, SRI…, năng suất và giảm phát thải không những không xung đột mà còn tỷ lệ thuận với nhau.

Áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến ở Hà Nội đã cho thấy giữa sản xuất giảm phát thải và năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất không mâu thuẫn lẫn nhau. Ảnh: Tùng Đinh.

Áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến ở Hà Nội đã cho thấy giữa sản xuất giảm phát thải và năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất không mâu thuẫn lẫn nhau. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiệu quả từ những giải pháp này hay Dự án VnSAT đã chứng minh được rằng, việc canh tác giảm phát thải không những giảm được giống, phân bón, thuốc BVTV và nước mà còn giúp tăng năng suất so với cách canh tác cũ.

Rõ ràng, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp chúng ta tăng được năng suất và cả chất lượng gạo. Điều này giúp giá bán cũng tốt hơn và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân.

Qua đó cho thấy, việc đi theo hướng sản xuất giảm phát thải, tăng trưởng xanh sẽ thúc đẩy, bổ trợ cho quá trình nâng cao năng suất và chất lượng mặt hàng lúa gạo.

Mặc dù vậy, việc triển khai những phương pháp này không phải là không có nút thắt, đầu tiên là về nhận thức. Ở các địa phương, từ các cấp lãnh đạo, nhiều nơi chưa nhận thức rõ được vai trò của cây lúa, chưa hiểu được hiệu quả của việc canh tác giảm phát thải, giảm vật tư đầu vào.

Do đó, ở những tỉnh lãnh đạo nhận thức tốt về vấn đề này sẽ triển khai được trên toàn hệ thống, nếu chỉ có các chi cục trồng trọt và BVTV hay sở NN-PTNT các tỉnh thực hiện thì quy mô sẽ hạn chế, rất khó nhân rộng.

Ví dụ cụ thể cho sự vào cuộc của lãnh đạo cấp tỉnh/thành và hiệu quả rõ rệt có thể kể tới Hà Nội. Bên cạnh nguồn lực tốt, lãnh đạo của Hà Nội nhận thức rất rõ ràng về giảm phát thải trong sản xuất lúa và triển khai rất hiệu quả các chương trình liên quan. Do đó, canh tác SRI ở Hà Nội phát triển rất mạnh, rất tốt và có những vùng gần như không cần sử dụng đến thuốc BVTV nữa, hoặc mỗi vụ chỉ cần 1 – 2 lần.

Canh tác lúa giảm phát thải vừa tiết kiệm chi phí, vừa cho năng suất cao hơn, chất lượng lúa gạo tốt hơn, lợi nhuận cao hơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Canh tác lúa giảm phát thải vừa tiết kiệm chi phí, vừa cho năng suất cao hơn, chất lượng lúa gạo tốt hơn, lợi nhuận cao hơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Có thể thấy, nếu lãnh đạo có nhận thức rõ ràng thì sau đó mới thay đổi được nhận thức của cán bộ, người dân. Vì vậy, chúng ta cần phải vận động, tuyên truyền làm sao để thay đổi được nhận thức đó, hóa giải nút thắt này.

Vấn đề thứ hai sau nhận thức là tổ chức sản xuất. Nếu liên kết, tổ chức sản xuất tốt thì những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất lúa gạo sẽ trở thành những đầu tàu.

Với việc đưa ra yêu cầu về chất lượng cho đầu ra của sản phẩm, các doanh nghiệp sẽ tạo được sự thay đổi trong tổ chức sản xuất, cụ thể hơn là đưa khoa học công nghệ vào đồng ruộng để có được sự đồng bộ, thống nhất.

Hiện nay, những vùng liên kết tốt sẽ có sản phẩm ổn định, ứng dụng khoa học hiệu quả, chất lượng ổn định, tránh "được mùa mất giá, được giá mất mùa".

IPHM sẽ tạo cú hích cho canh tác giảm phát thải

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của canh tác lúa giảm phát thải hướng tới tăng trưởng xanh, Cục BVTV đang tập trung triển khai các chương trình mang tính kế thừa chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM, đã được thực hiện từ năm 1992), trong đó đặc biệt là chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tài trợ.

Với sự hỗ trợ của FAO, IPHM đã được khởi động triển khai từ năm 2021 đến nay. Khi được áp dụng sâu rộng vào sản xuất, IPHM sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng của lúa gạo, cải thiện môi trường, cải thiện "sức khỏe đất" và đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính.

Trong 3 năm qua, Cục BVTV đã xây dựng được một đội ngũ giảng viên ToT để phát triển IPHM ở khắp 63 tỉnh thành, cụ thể là xấp xỉ 100 giảng viên quốc gia và gần 300 giảng viên cấp tỉnh.

Canh tác SRI ở Hà Nội không chỉ giúp lúa phát triển tốt mà còn cải thiện môi trường, giúp các sinh vật sống trong ruộng lúa sinh sôi trở lại. Ảnh: Tùng Đinh.

Canh tác SRI ở Hà Nội không chỉ giúp lúa phát triển tốt mà còn cải thiện môi trường, giúp các sinh vật sống trong ruộng lúa sinh sôi trở lại. Ảnh: Tùng Đinh.

IPHM đã được đưa vào chiến lược phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam và theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, IPHM sẽ tiếp tục được đưa vào đề án trong chiến lược phát triển trồng trọt đến 2030, tầm nhìn 2050.

Đây là một định hướng lớn cho lĩnh vực trồng trọt nói chung và lĩnh vực BVTV nói riêng đi theo hướng quản lý sức khỏe cây trồng, không chỉ với lúa và còn nhiều cây trồng khác.

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã rất quan tâm đến IPHM và hàng năm đều có nguồn kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo các giảng viên ToT và các lớp FFS (Farmer Field School – học tại đồng rộng).

Vì vậy, Cục BVTV rất mong muốn được Bộ NN-PTNT tiếp tục quan tâm, ngoài kinh phí còn tạo điều kiện để Cục BVTV có thể phối hợp với các đơn vị liên quan như Cục Trồng trọt hay Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để xây dựng đội ngũ giảng viên và mở rộng chương trình IPHM ra các cây trồng chủ lực khác ngoài lúa.

Với các địa phương, Cục BVTV hi vọng sẽ có được nhận thức rõ ràng ở các cấp lãnh đạo và nếu được thì đưa chiến lược tăng trưởng xanh, giảm phát thải vào các nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy, tạo tiền đề để xây dựng những kế hoạch hành động cho các đơn vị chức năng.

Muốn đáp ứng được tăng trưởng xanh, giảm phát thải, chúng ta phải có những hành động tổng hợp, với nguồn lực từ trung ương đến địa phương, kèm theo đó là sự hỗ trợ về tài chính, kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế.

Bình luận