Mô hình lúa - rươi, 'cặp đôi hoàn hảo'

Bình luận · 185 Lượt xem

Gạo ST25 vốn đã ngon, khi được trồng trên cánh đồng rươi lại càng ngon hơn. Gạo ruộng rươi ở Hải Phòng năm nay được thương lái săn lùng, giá cao ngất ngưởng.

 

 

Tại xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), dù chưa vào mùa rươi nhưng những cánh đồng rươi đã rộn ràng. Đây là vụ đầu tiên, người dân nơi đây có thể thu hoạch lúa trên ruộng rươi, sau nhiều năm gần như bỏ hoang.

 

Chị Đinh Thị Thu, hộ có gần 40 mẫu (3.600m2/mẫu) đầm rươi ở xã Ngũ Phúc chia sẻ: Với diện tích đầm rươi rộng, bình thường gia đình chỉ quan tâm đến con rươi. Gần đây, gia đình chị liên kết với Công ty Hải Âu Việt cấy giống lúa ST25 trên ruộng rươi và cho hiệu quả rất tốt, cả hai bên đều có lợi.

 

Vụ mùa năm 2023, lúa ruộng rươi được doanh nghiệp thu mua tại ruộng với giá cao nhất từ trước đế nay là 14.000đ/kg. Dù diện tích lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn khá lớn nhưng gia đình chị Thu vẫn thu hàng trăm triệu đồng từ lúa.

 

“Việc cấy lúa trên ruộng rươi tạo ra môi trường sống thuận lợi để rươi phát triển nên sản lượng rươi năm nay tăng gấp đôi. Ngoài tiền bán rươi, năm nay gia đình tôi cũng thu về hơn 700 triệu đồng tiền bán lúa”, chị Thu phấn khởi.

 

 

Mối liên kết giữa Công ty Hải Âu Việt với nông dân để trồng lúa trên đầm rươi mang lại lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp. Bên cạnh nguồn lợi từ rươi, nông dân có thêm thu nhập từ lúa, trong khi doanh nghiệp có sản phẩm gạo chất lượng cao, được sản xuất theo quy trình hữu cơ để phục vụ chế biến, xây dựng thương hiệu...

 

Sự thành công từ mô hình lúa - rươi khiến nhiều người bất ngờ. Người dân ở huyện Kiến Thụy vẫn thường nói đùa rằng mô hình này là “cặp đôi hoàn hảo”.

 

Nói đây là sự kết hợp hoàn hảo vì trong qúa trình canh tác, cả rươi và lúa đều chỉ có lợi mà không có hại. Rơm rạ, lúa rơi vãi chính là nguồn thức ăn cho rươi, giúp ruộng rươi thêm màu mỡ. Trong khi đó, phân rươi và tập tính làm tơi xốp đất của rươi giúp lúa sinh trưởng tốt hơn, tạo ra hạt gạo sạch, chắc nịch, đảm bảo chuẩn hữu cơ. Gạo ST25 vốn đã ngon, khi được trồng trên cánh đồng rươi lại càng ngon hơn.

 

 

Ông Lưu Văn Thụy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết: “Từ lúc có mô hình lúa - rươi, rươi có môi trường sống lý tưởng, năng suất cao hơn. Còn với cây lúa, nhờ cấy thưa, chọn giống tốt, quá trình canh tác tuy không dùng phân bón hóa học, không sử thuốc bảo vệ thực vật nhưng những cánh đồng hàng trăm ha lúa - rươi thường ít sâu bệnh, năng suất vẫn đạt cao. Đây là sự kết hợp hoàn hảo, cùng một lúc người dân thu được 2 loại đặc sản với giá trị kinh tế cao”.

 

Gạo hữu cơ ruộng rươi luôn "cháy hàng"

Mô hình canh tác kết hợp lúa - rươi mang lại giá trị rất lớn. Ngoài thu được nguồn lợi từ rươi, gạo của lúa canh tác trên cánh đồng nuôi rươi được thị trường rất ưa chuộng, có giá bán rất cao. Hiệu quả sản xuất của mô hình lúa - rươi cao hơn 15 - 20 lần so với sản xuất lúa đơn thuần.

 

So với cánh đồng lúa canh tác theo truyền thống, cánh đồng lúa - rươi đã được ngăn cách bởi con đê, đó là ranh giới ngăn chặn nguồn nước có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và những yếu tố gây hại khác cho con rươi. Chính vì vậy, ruộng lúa - rươi đã được đảm bảo môi trường an toàn cho rươi sinh trưởng và phát triển, sản phẩm lúa gạo ở ruộng rươi đạt chuẩn hữu cơ.

 

Dù tiềm năng rất lớn nhưng diện tích cấy lúa ST24, ST25 ở Hải Phòng và các tỉnh ven biển phía Bắc hiện vẫn còn hạn chế nên lượng gạo cung ứng cho thị trường gần đây thường trong tình trạng “cháy hàng”.

 

Chị Lại Thu Hằng ở Cát Bi (TP Hải Phòng) thường rất tỷ mỉ trong việc lựa chọn nguồn thực phẩm hằng ngày. Với các loại thực phẩm, chị thường phải mua ở quê hoặc xác định được nguồn gốc rõ ràng, còn với gạo thì 2 năm trở lại đây gia đình chị chỉ ăn ST25 ruộng rươi.

 

“Tôi cũng phải ăn thử rồi mới mua dùng thường xuyên. Chúng tôi không tự nhiên bỏ ra gần 1 trăm nghìn đồng để mua 1kg gạo ST25 ruộng rươi về ăn, nhưng công nhận là ngon, nguồn gốc quy trình rõ ràng. Chúng tôi thấy an tâm khi ăn loại gạo này”, chị Hằng nhận xét.

 

Ông Trần Văn Trung – Giám đốc Công ty Hải Âu Việt chia sẻ: Đơn vị liên kết với nông dân trồng lúa ST24, ST25 và giống lúa Tết Vua ở Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang… Doanh nghiệp cung ứng giống, kỹ thuật và thua mua lại sản phẩm cho bà con.

 

"Với gạo ruộng rươi, hiện Công ty đang đẩy mạnh liên kết sản xuất ở xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) để phục vụ chế biến. Bình quân mỗi vụ Công ty thu mua khoảng 100 tấn lúa ruộng rươi, trước khi vào vụ gặt hầu hết các đơn hàng đã được đối tác đặt mua. Nhiều người đặt mua gạo ruộng rươi trước cả tháng trời nhưng chúng tôi không dám nhận vì đã hết hàng", anh Trung cho biết.

 

Là một trong những người tiên phong vận động người dân kết hợp trồng lúa trên đầm rươi, chị Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thụy Hương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy) cho rằng, với diện tích hàng nghìn ha đầm có thể phát triển được mô hình lúa - rươi, nếu Hải Phòng tận dụng khai thác tốt thì đây thực sự là “mỏ vàng” của ngành nông nghiệp đất Cảng khi người dân có thể thu được hàng trăm tỷ đồng từ lúa và hàng nghìn tỷ đồng từ rươi, còn doanh nghiệp có được những sản phẩm gạo ngon, đảm bảo chuẩn hữu cơ để cung ứng cho thị trường với giá cao gấp đôi so với các loại gạo thông thường.

 

Dù không bón phân hóa học hay sử dụng thuốc BVTV nhưng lúa ruộng rươi luôn rất sạch sâu bệnh, năng suất khá cao. Ảnh: Đinh Mười.

Dù không bón phân hóa học hay sử dụng thuốc BVTV nhưng lúa ruộng rươi luôn rất sạch sâu bệnh, năng suất khá cao. Ảnh: Đinh Mười.

 

“Gạo ruộng rươi có giá trị dinh dưỡng cao và tuyệt đối an toàn cho sức khỏe nên dần được chú ý. Hàng loạt doanh nghiệp đã vào cuộc để nâng tầm giá trị hạt gạo ruộng rươi và tìm kiếm lợi nhuận từ việc kinh doanh sản phẩm đặc sản này. Thông thường, gạo ruộng rươi được bán với giá cao gấp 2 - 3 lần so với các loại gạo được sản xuất thông thường. Đáng tiếc là hiện nay diện tích lúa - rươi ở Hải Phòng vẫn còn hạn chế, gạo ruộng rươi làm đến đâu bán hết đến đó”, chị Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

 

Hải Phòng có hơn 1.200ha đầm ngoài đê, phân bố chủ yếu ở huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, An Lão… với nguồn nước lợ dồi dào, thủy triều lên xuống liên tục, được người dân kết hợp để trồng những giống lúa đặc sản.

 

Ngoài Hải Phòng, tại các tỉnh như Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh… diện tích các đầm rươi cũng rất lớn, hoàn toàn đủ điều kiện để kết hợp sản xuất lúa - rươi.

 

Hiện nay, ở các nước nổi tiếng về gạo trên thế giới như Campuchia, Thái Lan… cũng chưa nơi nào có mô hình độc đáo như lúa - rươi ở Việt Nam. Do đó, dù giá cao nhưng sản phẩm gạo ruộng rươi vẫn được người tiêu dùng săn đón. Đây cũng là sản phẩm hoàn toàn có thể nghiên cứu, tính tới xuất khẩu sang các thị trường có giá trị cao.

 

Ông Nguyễn Ngọc Tuất - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết, TP Hải Phòng hiện rất quan tâm đến công tác quy hoạch và bảo vệ môi trường do đây là những vấn đề vừa lâu dài, vừa cấp bách. Để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp đầu tư, phát triển, nhân rộng mô hình canh tác lúa - rươi kết hợp, Thành phố sẽ có nhiều hơn những chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.

 

Đinh Mười

Bình luận