Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2013 (Luật số 29/2013/QH13) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 bao gồm 11 Chương, 81 Điều và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch. Với vai trò là đạo luật gốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Luật Khoa học và Công nghệ đã thể chế hoá những chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong phát triển khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế.
Qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển các tổ chức KH&CN, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN và phát triển nhân lực khoa học… đóng góp vào thành tựu chung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Gần đây, Đảng ta đã ban nhiều văn bản thể hiện quan điểm, chủ trương mới liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ cần được thể chế hóa; đồng thời qua thực tiễn thi hành thời gian qua cho thấy, Luật KH&CN còn một số tồn tại, vướng mắc cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Việc tổng kết thi hành Luật KH&CN và các văn bản hướng dẫn thi hành là hoạt động cần thiết và quan trọng nhằm đánh giá kết quả đạt được trong quá trình triển khai thi hành Luật, đồng thời chỉ ra bất cập, hạn chế để đưa ra các đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định.
Theo đó, Bộ KH&CN và các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được và tồn tại, bất cập của Luật KH&CN cũng như các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật trong quá trình thực hiện. Bộ KH&CN cũng đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia. Trên cơ sở kết quả đánh giá tình hình thực hiện Luật KH&CN của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ KH&CN đã có báo cáo tổng kết thi hành Luật KH&CN.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật KH&CN được tiến hành bài bản
Về kết quả nổi bật trong thực thi Luật KH&CN, Bộ KH&CN cho biết, ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Bộ KH&CN đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến với nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức chung cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước pháp luật về khoa học và công nghệ cũng như vai trò khoa học và công nghệ trong thúc đẩy kinh tế - xã hội,…
Tại các địa phương, công tác phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ cũng được chính quyền địa phương quan tâm, tích cực triển khai như: tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng phim tài liệu về nội dung của Luật KH&CN và phát sóng trên Đài Phát thanh và truyền hình; tuyên truyền kết hợp trên phương tiện truyền hình, báo viết và hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã, biên soạn, in ấn và phát hành tờ rơi, tờ gấp giới thiệu, phát động phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học, phong trào thi đua và tổ chức các hội thi sáng tạo kỹ thuật.
Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật KH&CN đã được tiến hành một cách bài bản, nghiêm túc, bảo đảm tính kịp thời và khoa học. Qua đó đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KH&CN
Để triển khai thi hành Luật KH&CN, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 09 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định quy phạm pháp luật, ban hành theo thẩm quyền 51 thông tư.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai thực hiện các quy định của Luật KH&CN và văn bản hướng dẫn thi hành nhằm đưa các quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ áp dụng vào thực tiễn hoạt động quản lý của bộ, ngành, địa phương. Tính đến hết tháng 8/2023, số văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành về khoa học và công nghệ là 534 văn bản.
Luật KH&CN được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về KH&CN, đáp ứng yêu cầu của hoạt động quản lý và sự phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung các quy định Luật của KH&CN được xây dựng trên tinh thần thể chế hóa quan điểm của Hiến pháp “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu; KH&CN giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước”.
Đây là nền tảng pháp lý cơ bản để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và phát triển kinh tế đất nước, khuyến khích việc nghiên cứu tạo ra và ứng dụng các thành tựu KH&CN, nghiên cứu tiếp thu và làm chủ công nghệ nhập khẩu phục vụ sản xuất và đời sống. Môi trường thể chế thuận lợi và lành mạnh là nhân tố quan trọng giải phóng sức sáng tạo của lực lượng KH&CN, tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu nổi bật, thúc đẩy đổi mới và ứng dụng công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, đưa KH&CN từng bước trở thành động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Nhìn chung, hệ thống văn bản pháp luật về KH&CN hiện nay tương đối đầy đủ, đồng bộ, tạo khung pháp lý cần thiết cho việc triển khai hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN. Việc triển khai thi hành các văn bản pháp luật về KH&CN thời gian qua đã có những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng phát triển công nghệ, đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào đời sống, phát triển các doanh nghiệp KH&CN,... là cơ sở pháp lý để thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực KH&CN.