Ấn Độ đang đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng lương thực

Bình luận · 150 Lượt xem

Chuyên gia Mihir Sharma cho rằng Ấn Độ đang đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng lương thực và nước này cần có trách nhiệm trong các quyết định về xuất khẩu gạo.

Chuyên gia kinh tế Mihir Sharma, giám đốc Quỹ Nghiên cứu Giám sát (ORF), cho rằng 2023 là một năm tồi tệ đối với những nước nghèo nhất thế giới khi giá lương thực liên tục leo thang. Bất kể các nước này tiêu thụ lúa mì hay gạo, ba biến động thế giới lớn đã khiến nguồn cung lương thực đang dần cạn kiệt: Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và quyết định rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen của Moscow; hiện tượng thời tiết El Nino gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động nông nghiệp trên toàn thế giới; và các quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ.

 

Do lo ngại giá lương thực biến động trước cuộc tổng tuyển cử vào năm 2024, chính phủ Ấn Độ hồi tháng 7/2023 đã ra lệnh cấm xuất khẩu và đánh thuế hầu hết các loại gạo và lúa mì.

 

Sau đó, New Delhi hồi tháng 8/2023 công bố áp thuế 20% đối với mặt hàng gạo đồ xuất khẩu. Đây là động thái nhằm hạn chế hoạt động xuất khẩu cũng như thúc đẩy giá gạo toàn cầu tăng cao hơn nữa.

 

Hầu như toàn bộ các nước tiêu thụ gạo trên thế giới đều cảm thấy bị chèn ép bới các quyết định của Ấn Độ. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính giá gạo trong tháng 9/2023 đã cao hơn 28% so với năm 2022, đạt mức cao kỷ lục trong 15 năm qua.

 

Ấn Độ luôn muốn khẳng định vị thế là một nước lãnh đạo ở Nam Bán cầu, với ưu tiên hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, điều trái ngược hoàn toàn với phương Tây hay Trung Quốc, những nước tỏ ra ít quan tâm đến việc chính sách của họ tác động thế nào đến các nước nghèo hơn.

 

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực quốc tế chỉ ra rằng không chỉ phương Tây sẽ phải chịu hậu quả từ lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (các loại gạo không phải giống basmati) của Ấn Độ. Trong số 15 quốc gia nhập khẩu hơn 100.000 tấn gạo từ Ấn Độ vào năm 2022, có đến 9 quốc gia ở châu Phi khu vực cận sa mạc Sahara gồm Kenya, Bờ Biển Ngà, Cameroon, Guinea, Madagascar, Benin, Angola, Mozambique và Togo. Giá lương thực tăng cao đang nhấn chìm toàn bộ khu vực này trong lạm phát. Ở Nigeria, lạm phát hiện lên tới 25% và lạm phát ở Ghana đã duy trì mức 40% trong nhiều tháng.

 

“Nếu Ấn Độ giữ lương thực trong biên giới của mình, nước này sẽ chỉ xuất khẩu nỗi bất an và sự bất ổn”, chuyên gia Sharma khẳng định.

 

Hồi tháng 10/2007, Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati sau đó tạm thời dỡ bỏ lệnh cấm và áp đặt lại vào tháng 4/2008 khiến giá gạo tăng gần 30%, lên mức cao kỷ lục 22,43 USD/tạ.

 

Điều này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007 - 2008, khiến 14 quốc gia ở châu Phi phải hứng chịu nhiều cuộc bạo loạn vì thiếu lương thực. Tỷ lệ đói nghèo đã tăng 3 - 5% ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, kìm hãm sự phát triển của các quốc gia này trong 7 năm, theo các chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thế giới (WB). Giới quan quan chỉ ra rằng, việc giá lương thực liên tục tăng cao đã châm ngòi cho sự kiện Mùa xuân Ảrập xảy ra vài năm sau đó ở Trung Đông.

 

Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất áp đặt các lệnh cấm, hạn chế hay áp thuế xuất khẩu "thiếu sáng suốt". Hãng tin Bloomberg cho rằng hàng loạt quốc gia như Argentina, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc cũng có những hành động tương tự.

 

Với vị thế thống trị trên thị trường gạo, Ấn Độ cần có trách nhiệm lớn hơn các nước khác. Tuy vậy, chính phủ Ấn Độ luôn lo sợ các cử tri sẽ quay lưng nếu tình trạng lạm phát lương thực xảy ra, dẫn đến quốc gia này luôn chọn các biện pháp kiểm soát xuất khẩu lương thực thay vì đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho người tiêu dùng trong nước. Đây cũng là những gì Ấn Độ đã làm với thị trường lúa mì hồi năm 2022. Là nước xuất khẩu đường thứ 2 thế giới, Ấn Độ cũng công bố lệnh hạn chế xuất khẩu mặt hàng này, khiến giá đường thế giới đang ở mức cao nhất trong 12 năm qua.

 

Rõ ràng, các lệnh cấm xuất khẩu khiến chính những nông dân Ấn Độ chịu nhiều tổn hại nhất. "Họ không thể bán sản phẩm của mình ra thị trường thế giới khi giá đang cao", ông Sharma nói.

 

Ấn Độ lâu nay luôn khẳng định rằng nước này sẽ trở thành một kiểu cường quốc khác với Mỹ hay Trung Quốc. Ấn Độ sẽ không tham gia thương mại “đạo đức giả” như các quốc gia phương Tây, và nước này sẽ buôn bán có trách nhiệm, không giống như Trung Quốc. Ấn Độ cho rằng chuỗi cung ứng cho các nhu yếu phẩm như thực phẩm và nhiên liệu phải luôn được mở rộng cửa và duy trì bền vững, nếu không những người nghèo nhất thế giới sẽ phải chịu khổ nhiều nhất.

 

“Đó là tất cả những nguyên tắc Ấn Độ đã đề ra. Tuy nhiên, Ấn Độ nên nỗ lực hơn nữa để thực hiện được lời hứa của mình”, chuyên gia kinh tế Sharma kết luận.

 

Lâm Hưng

 

Bình luận