Dễ đại điền, khó đại điền

Bình luận · 410 Lượt xem

Những cánh đồng mẫu lớn ở Thái Bình đang cho phép cơ giới hóa để thực hiện giấc mơ nông nghiệp hàng hóa. Tuy nhiên, câu chuyện đại điền dễ mà cũng vô cùng khó.

 

Phun thuốc bằng máy tại khu đại điền của anh Đỗ Văn Dân. Ảnh: Kiên Trung.

Phun thuốc bằng máy tại khu đại điền của anh Đỗ Văn Dân. Ảnh: Kiên Trung.

"Dễ đại điền"

Năm 2019, một nhóm những người canh tác lúa với diện tích quy mô lớn tại Thái Bình tập hợp nhau dưới tên gọi “Hội những người cấy lúa quy mô lớn”. Khi đó, có 7 - 8 hộ cấy lúa quy mô tính theo đơn vị ha tại huyện Kiến Xương. Theo thời gian, đến năm 2022, Hội này đổi tên thành “Câu lạc bộ Đại điền” (CLB Đại điền) với trên 300 thành viên, sản xuất lúa quy mô từ vài chục ha trở lên.

Trên toàn tỉnh Thái Bình hiện có 1.700 đại điền nếu tính diện tích từ chục ha trở lên. Nếu tính những hộ canh tác quy mô 2ha trở lên, con số này khoảng 2.800 đại điền.

Anh Đặng Ngọc Tân, một trong những hộ đại điền đầu tiên ở Thái Bình, đồng thời là người khởi xướng thành lập “CLB Đại điền” cho biết: Trước thực tế nhiều người không quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, bỏ hoang ruộng đất, những người yêu thích đồng ruộng, yêu thích cây lúa đã chủ động mở rộng canh tác bằng hình thức đi thuê, mua gom diện tích đất ruộng của những hộ bỏ không, từ đó hình thành nên những cánh đồng mẫu lớn.

Sự mở rộng về quy mô diện tích, sự thống nhất về một chủ thể sản xuất đã giúp những người làm nông nghiệp ở Thái Bình có cơ hội nghĩ lớn, làm lớn: những đại điền quy mô vài chục cho tới cả trăm ha đã bỏ hàng chục tỷ đồng để cải tạo đồng ruộng, đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Lần đầu tiên, những ô thửa manh mún tại Thái Bình được gom lại thành một. Đại điền là bước phát triển vượt lên sau chủ trương “dồn điền đổi thửa”, đưa nhiều ô, khoảnh chia cho các nông hộ về thành một mảnh với diện tích lớn hơn, tập trung hơn.

Ba ông chủ đại điền: Đặng Ngọc Tân, Đỗ Văn Dân, Nguyễn Văn Chuẩn (từ phải sang trái). Ảnh: Kiên Trung.

Ba ông chủ đại điền: Đặng Ngọc Tân, Đỗ Văn Dân, Nguyễn Văn Chuẩn (từ phải sang trái). Ảnh: Kiên Trung.

Những bước chuyển về mở rộng quy mô diện tích đã tạo không gian để những nông hộ tại Thái Bình thực sự có cơ hội để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chiều sâu.

Ông Đỗ Văn Dân (xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương) là một trong những đại điền lớn ở Thái Bình. Hiện tại, ông Dân đang canh tác 50ha lúa của gia đình đồng thời “gia công” thêm 50ha cho bà con, đưa tổng diện tích lúa của nông hộ này là trên 100ha.

“Mình đầu tư máy móc, phương tiện cơ giới, làm mỗi nhà mình vẫn chưa hết công suất nên chúng tôi kết hợp làm dịch vụ cho bà con, từ A tới Z. Để máy móc nằm im, vừa lãng phí tiền đầu tư, lại không khai thác hết công suất của nó”, ông Dân giải thích.

Nhiều đại điền như ông Dân đang triển khai song song dịch vụ nông nghiệp như trên: dịch vụ cày bừa 130 - 150 ngàn đồng/sào, dịch vụ cấy 300 ngàn đồng, phun thuốc sâu 30 ngàn/bình tiền công. Nếu gia đình nào “khoán trắng”, các nông hộ sẽ lo toàn bộ các công đoạn, cho đến khi thóc về bồ, sau khi tính toán các chi phí sẽ trả lại phần lợi nhuận cho bà con, thậm chí đại điền sẵn sàng bao tiêu, mua thóc cho bà con ngay từ chân ruộng.

Tích tụ ruộng đất cho phép triển khai cơ giới hóa để thực hiện giấc mơ nền nông nghiệp hàng hóa. Ảnh: Hoàng Anh.

Tích tụ ruộng đất cho phép triển khai cơ giới hóa để thực hiện giấc mơ nền nông nghiệp hàng hóa. Ảnh: Hoàng Anh.

Một số đại điền khác như anh Đặng Ngọc Tân lại “bao” toàn bộ phân bón, đạm lân, thuốc trừ sâu cho người trồng lúa. Anh Tân ứng trước cho bà con và các đại điền trong câu lạc bộ, khi thu hoạch mùa vụ mới nhận tiền.

“Diện tích đất lúa của Thái Bình trên dưới 75.000ha, diện tích lúa các đại điền đang cấy chiếm 1/3 tổng diện tích này, nhưng năng lực của chúng tôi đang đảm nhiệm 2/3 diện tích cấy lúa của cả tỉnh”, anh Tân tự tin cho biết.

Ông Đỗ Văn Dân bên chiếc máy cấy. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Đỗ Văn Dân bên chiếc máy cấy. Ảnh: Kiên Trung.

Anh Nguyễn Văn Chuẩn (SN 1985) cũng là một đại điền “có số má” ở huyện Vũ Thư. Ngoài việc canh tác 50ha đất lúa, làm dịch vụ nông nghiệp cho bà con, anh còn là một đầu mối thu mua lúa gạo, đầu tư máy sấy, kho xưởng để tích trữ… Số tiền đầu tư cho nông nghiệp của anh Chuẩn lên tới hàng chục tỷ đồng.

“Cơ giới hóa nông nghiệp, máy móc hiện đại giúp giải phóng sức lao động và năng suất rất cao. Ngay như việc phun thuốc sâu, chúng tôi mua máy bay phun thuốc với giá 400 triệu đồng/máy nhưng chỉ trong một ngày giải quyết hết cả cánh đồng vài chục mẫu ruộng”, anh Chuẩn nói.

Việc nhóm họp nhau thành một CLB Đại điền, theo ông Đỗ Văn Dân (Chủ tịch CLB) nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, tiết kiệm, hiệu quả trong việc tổ chức sản xuất trồng trọt quy mô lớn giữa các thành viên. Tiếp đó là đúc rút những thuận lợi, khó khăn, đề xuất kiến nghị với các cấp chính quyền các giải pháp tháo gỡ, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất.

Kết nối, tạo lập các mối liên kết, giúp đỡ nhau, thu hút các nguồn lực đầu tư trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Giúp các thành viên CLB tiếp cận các chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách của tỉnh trong thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp và tổ chức sản xuất trồng trọt quy mô lớn, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

"Khó đại điền"

Tháng 7 vừa mới đây, xưởng sấy thóc của ông Đỗ Văn Dân đầu tư tại xã Vũ Quý bị sự cố chập điện dẫn tới hỏa hoạn. Lúc đó, trong kho đang trữ 400 tấn thóc. Bà con hàng xóm kéo tới hỗ trợ, giúp ông chặn được đám cháy. Tuy nhiên, sự cố này khiến gia đình ông thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Đối với người nông dân, đây là một số tiền rất lớn.

Ông Đỗ Văn Dân - Chủ tịch CLB Đại điền ở Thái Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Đỗ Văn Dân - Chủ tịch CLB Đại điền ở Thái Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Thời điểm hiện tại, khu vực kho chứa, dây chuyền sấy thóc của ông Dân vẫn đang trong quá trình sửa chữa. Nhà kho, máy móc ngổn ngang. Là người tiên phong của phong trào đại điền, dám nghĩ, dám làm, đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ, với ông Dân, đây là một bài học lớn của việc đầu tư cho nông nghiệp đối mặt với muôn phần rủi ro, không chỉ là thiên tai, địch họa.

Theo nhận định của các hộ đại điền, trong bối cảnh vật tư đầu vào rất cao, giống, phân bón, thuốc BVTV, các loại máy móc lên tới hàng trăm triệu… Để sản xuất quy mô lớn thật sự khó khăn, nhiều hộ phải đi vay hàng tỷ đồng, mỗi vụ đầu tư ra ngoài đồng ruộng hàng trăm triệu đồng và trông chờ hạt thóc, phải phụ thuộc vào thiên tai, địch họa, thời tiết… Do vậy để nông dân có lãi trên đồng ruộng, ngoài việc rút kinh nghiệm, tiết kiệm chi phí đầu vào…, yếu tố phụ thuộc khác không kém phần quan trọng, đó là giá thóc cuối vụ.

“Chúng tôi theo dõi, quan tâm tới biến động giá lúa gạo từng ngày, từng giờ, vì đó là thành quả của mình. Hiện tại, giá lúa gạo thế giới đang tăng cao do nhiều yếu tố, với người nông dân, chúng tôi lấy làm mừng, nhưng, nó cũng đúng với thành quả, công sức mình bỏ ra”, anh Đặng Ngọc Tân, đại điền tại xã Đông Mỹ (TP. Thái Bình) cho biết.

Khu nhà xưởng, nhà kho, khu vực sấy thóc của gia đình ông Đỗ Văn Dân vừa trải qua một vụ hỏa hoạn. Ảnh: Kiên Trung.

Khu nhà xưởng, nhà kho, khu vực sấy thóc của gia đình ông Đỗ Văn Dân vừa trải qua một vụ hỏa hoạn. Ảnh: Kiên Trung.

Anh Tân phân tích: một nông dân sản xuất lớn khoảng 100 mẫu thì phải đầu tư khoảng 4-5 tỷ đồng, bao gồm các loại chi cố định như: tiền mua đất làm kho, bãi mạ, chỗ để máy móc, lò sấy; tiền mua ruộng, thuê ruộng; tiền xây dựng cơ sở hạ tầng; tiền mua máy móc (máy cày, máy cấy, máy gieo hạt, mua khay, mua máy phun thuốc…). Tất cả số tiền này phải vay mượn ngoài, vì đất đai chưa có sổ chứng nhận, tài sản trên đất thì không vay được. Số tiền này là tiền chi phí cố định chỉ có khấu hao dần trong hàng chục năm.

“Như vậy người nông dân chỉ có tín chấp là chính. Nếu như mất mùa thì tất cả các đối tác cũng rất e ngại và sẽ không đầu tư cho vụ sau. Hiện tại, các doanh nghiệp đầu tư đồng hành với anh em Đại điền cũng rất ít”, anh Tân nói.

Theo anh Tân, tổng chi phí 1 triệu đồng/sào, 100 mẫu tương đương đưa ra đồng 1 tỷ đồng. Nếu như không có sự tin tưởng của các đối tác thì không được mua chịu vật tư phân bón, buộc phải đi vay mượn để có tiền mặt mua. Trông chờ 4-5 tháng sau mới được hạt thóc, nếu thu 200kg thóc tươi với giá 6 ngàn thì được 1,2 triệu đồng. Trừ chi phí, nông dân được 200 ngàn đồng/sào.

Chiếc xe phun thuốc sâu tự chế của ông Đỗ Văn Dân, tuy nhiên tính ứng dụng không cao nên đang được cải tiến. Ảnh: Kiên Trung.

Chiếc xe phun thuốc sâu tự chế của ông Đỗ Văn Dân, tuy nhiên tính ứng dụng không cao nên đang được cải tiến. Ảnh: Kiên Trung.

“Đấy là thời tiết thuận lợi, sâu bệnh hại ít, giống cho năng suất cao, giá bán bình ổn. Như vậy 100 mẫu thì thu được 200 triệu/vụ trong 6 tháng cho 1 gia đình 2 vợ chồng, so với đi làm công ty thì cũng tương đương, nhưng anh em vẫn gắn bó làm vì quá yêu thích nông nghiệp, muốn gắn bó với địa phương, thấy ruộng bỏ hoang thì tiếc. Vì thế, trong CLB người nọ đỡ người kia, có thể cho mượn máy móc thiết bị, cho mua vật tư phân đạm chịu đến cuối vụ, hay sấy thóc tươi giúp nhau”, anh Tân nói.

Một trong những trở ngại của đại điền, đó là vấn đề kho chứa, nhà xưởng. Trong khi điều kiện của các nông hộ còn khó khăn, chưa đủ điều kiện để lập dự án thuê đất để làm nhà kho, nhà chứa thóc gạo, nhà xưởng sấy thóc… vì để đạt được tiêu chí này, số tiền đầu tư lên tới cả trăm tỷ đồng. Thích ứng linh hoạt với thực tế, một số hộ mua đất nông nghiệp sát khu dân cư để làm nhà xưởng như trường hợp của ông Đỗ Văn Dân.

Các đại điền tiêu biểu của Thái Bình tại sự kiện Kết nối doanh nghiệp với Đại điền do Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn ThaibinhSeed và Câu lạc bộ Đại điền tổ chức. Ảnh: BTC.

Các đại điền tiêu biểu của Thái Bình tại sự kiện Kết nối doanh nghiệp với Đại điền do Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn ThaibinhSeed và Câu lạc bộ Đại điền tổ chức. Ảnh: BTC.

“Tới mùa thu hoạch, một ngày thu về vài trăm tấn thóc, không có kho chứa thì để ở đâu. Thứ hai, với lúa tươi vừa gặt, nếu để quá 24 giờ không kịp sấy sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hạt thóc. Điều quan trọng, tư thương gây sức ép với đại điền để ghìm giá, giảm giá gây thiệt hại cho người sản xuất. Vì thế, nếu có kho chứa, chúng tôi sẽ chủ động được việc bảo quản thóc gạo, giữ được thóc để giữ được giá”, ông Dân phân tích.

Bình luận