Tiêu biểu như Ông Cao Văn Chi ấp Phú Lợi xã Phú Hữu cho biết, ông đến với mô hình trồng chuyên canh cây sầu riêng Ri6 trên 20.000m2 đất vườn đến nay được khoảng 7 năm. Với quyết tâm vươn lên từ loại cây ăn trái này, ông đã nghiên cứu, không ngừng học hỏi bà con đi trước, xem báo, nghe đài để từ đó có thêm kinh nghiệm xử lý cho cây ra hoa vụ nghịch đúng theo nhu cầu và ông đã thành công.
Hiện tại, 20.000m2 vườn sầu riêng Ri6 của ông đã cho thu hoạch bình quân mỗi vụ đạt khoảng 20 tấn, với giá bán 60 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 600 triệu đồng.
Qua thời gian gắn bó với cây sầu riêng ông Cao Văn Chi thấy rằng việc xử lý cho cây ra hoa vụ nghịch không khó vấn đề quan trọng là chịu khó quan sát để có biện pháp phòng ngừa sâu bệnh hiệu quả. Đặc biệt khi cây đậu trái bón phân có phần tăng đạm và để giảm hiện tượng rụng trái non phun thêm Borax để cho cuống dai và tăng tỷ lệ đậu trái.
Tuy nhiên, qua chăm sóc ông thấy rằng khi sầu riêng đạt trọng lượng khoảng 1 kg (có cơm) ông bón kali nhiều và đạm ít đồng thời bón phân có chứa nhiều can xi, bên cạnh đó để phòng ngừa nấm bệnh ông tiến hành phun định kỳ 2 tuần/1 lần. Với cách làm này, ông nhận thấy bệnh thối trái và sượng cơm trên sầu riêng giảm đi rất nhiều.
Với biện pháp này, Ông Cao Văn Chi nhận thấy vườn sầu riêng của mình đạt hiệu quả, được thương lái đánh giá cao về mẫu mã cũng như chất lượng. Bởi lẽ việc xử lý cho cây ra hoa vụ nghịch ngoài khẳng định những bước tiến mới trong nông nghiệp mà còn góp phần mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giúp cho nhà nông tránh được điệp khúc được mùa rớt giá.
Do mô hình trồng sầu riêng của Ông đem lại hiệu quả nên bà con lân cận cũng đã đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm, bên cạnh đó Ông cũng đã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình đến bà con để bà con có thể mạnh dạn chuyển đổi mô hình làm ăn có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.