Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Dư 7-8 triệu tấn gạo xuất khẩu

Bình luận · 210 Lượt xem

Toàn ngành nông nghiệp quyết tâm triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong các tháng cuối năm 2023, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Đảng, Nhà nước giao phó.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ trả lời chất vấn 3 nhóm vấn đề trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 15/8. Ảnh: QH.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ trả lời chất vấn 3 nhóm vấn đề trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 15/8. Ảnh: QH.

Đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân

Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 29/7/2020 và Nghị quyết số 34/NQ-CP của Chính phủ ngày 25/3/2021 nêu rõ sự cần thiết nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó yêu cầu đến năm 2030, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hàng năm ít nhất 35 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo.

Giai đoạn 2021-2025, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 39/2021/QH15 về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghị quyết đặt mục tiêu giảm diện tích đất trồng lúa xuống khoảng 3,5 triệu ha vào năm 2030. Ngoài ra, cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi 300.000 ha đất trồng lúa, nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết; hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp. 

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Theo Quyết định số 387/QĐ-BTNMT ngày 2/3/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, diện tích đất trồng lúa cả nước là gần 4 triệu ha.

Về tổ chức sản xuất, với sản lượng trung bình những năm qua, Việt Nam luôn đạt và vượt ngưỡng 43 triệu tấn lúa/năm, Theo tính toán, nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 24 triệu tấn lúa, đã bao gồm dự trữ quốc gia, làm giống, chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trên cơ sở tính toán ở mức an toàn rất cao, Bộ NN-PTNT khẳng định lượng lúa đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác khoảng 29,5 triệu tấn lúa/năm. Như vậy, còn dư khoảng 13,5 triệu tấn lúa, tương đương 7-8 triệu tấn gạo dùng cho xuất khẩu.

Bên cạnh lúa gạo, hàng năm Việt Nam còn sản xuất bình quân hơn 7 triệu tấn thịt hơi xuất chuồng, 10 triệu tấn thủy sản và chục triệu tấn rau quả. Như vậy, về tổng thế ở cấp độ quốc gia vấn đề an ninh lương thực luôn được đảm bảo.

Thu hoạch lúa gạo tại khu vực Đồng Tháp Mười. Ảnh: TL.

Thu hoạch lúa gạo tại khu vực Đồng Tháp Mười. Ảnh: TL.

4 mặt hàng tăng trưởng ngoạn mục

Bảy tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,13 tỷ USD, giảm khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2022; nhưng các doanh nghiệp cũng đã tận dụng được thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng có lợi thế.

Trong đó, 4 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu vượt trội so với cùng kỳ là rau quả (3,2 tỷ USD, tăng 68%), gạo (2,58 tỷ USD, tăng gần 30%), cà phê (2,76 tỷ USD, tăng 6%), hạt điều (1,95 tỷ USD, tăng gần 10%).

Trước thực tế thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhu cầu thị trường phục hồi chậm, các doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng, Bộ NN-PTNT đánh giá, thời cơ và thách thức đan xen. Nông sản Việt vẫn có khả năng tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu khi Ấn Độ và một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo; Thái Lan khuyến nghị giảm diện tích trồng lúa để tránh hiện tượng El Nino; rủi ro biến đổi khí hậu nhanh hơn dự kiến ảnh hưởng lên canh tác nông nghiệp.

Những tháng cuối năm 2023, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung triển khai 3 giải pháp trọng tâm. Đó là: Cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường; Chỉ đạo sản xuất linh hoạt, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu xuất khẩu; Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương gia tăng, đổi mới tổ chức truyền thông quảng bá chất lượng đặc thù vượt trội của nông sản Việt tại thị trường trong và ngoài nước.

Trong dài hạn, ngành nông nghiệp tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Đồng thời, tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững theo mục tiêu, định hướng tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và các giải pháp cụ thể tại các Đề án đang triển khai như: Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025; Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cam kết đẩy nhanh việc xây dựng trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”; Đề án “Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”.

Lực lượng kiểm ngư tại tỉnh Kiên Giang tuyên truyền, phổ biến quy định cho ngư dân. Ảnh: TL.

Lực lượng kiểm ngư tại tỉnh Kiên Giang tuyên truyền, phổ biến quy định cho ngư dân. Ảnh: TL.

Giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác IUU

Năm 2022, ngành thủy sản tăng trưởng cả về sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu. Cụ thể, giá trị sản xuất tăng hơn 4% so với năm 2021; tổng sản lượng đạt hơn 9 triệu tấn, tăng 2,7%; xuất khẩu đạt gần 11 tỷ USD, tăng gần 24%.

Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản một cách bền vững, toàn ngành nông nghiệp chủ trương tăng nuôi trồng, giảm cường lực khai thác. Với trữ lượng trung bình nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam ước khoảng 3,95 triệu tấn, Bộ NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo giảm sản lượng khai thác hiện chạm ngưỡng là 3,6 triệu tấn vào năm 2022. Cùng với đó, 11/16 khu bảo tồn biển được thành lập, với diện tích khoảng 175.000ha; thả hơn 400 triệu con giống giai đoạn 2012-2020 để tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó tập trung vào các loài có giá trị kinh tế, loài bản địa và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và thực hiện hiệu quả Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản 2023 - 2030; Rà soát, điều chỉnh, thành lập mới các khu bảo tồn biển cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhằm đạt mục tiêu đạt tối thiếu 6% diện tích vùng biển cần bảo tồn.

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần đi đôi với công tác giám sát hoạt động khai thác, vốn được quản lý thông qua hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản. Căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản, tổng sản lượng thủy sản tối đa cho phép khai thác đối tượng khai thác, vùng biển khai thác, Bộ NN-PTNT sẽ xác định, giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố. 

Trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh xác định hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý. Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần.

Qua điều tra, hiện có 80 cảng cá đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật; 53 cảng cá đủ điều kiện hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; 62 cảng cá cho tàu cá vùng khơi cập cảng. Công tác quản lý đội tàu đã đi vào nề nếp, thực hiện công bố và quản lý tốt số tàu theo hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, số lượng tàu cá giảm theo từng năm.

Tổng số tàu cá tính đến hết tháng 6/2023 đang duy trì ở mức khoảng 86.000 tàu, trong đó chủ yếu là tàu từ 6-12m. Cả nước có 5.810 tổ đội sản xuất trên biển, với 48.000 tàu tham gia sản xuất cùng 252.000 ngư dân và cố gắng duy trì đến hết năm 2023.

Đến nay, gần 85% tàu cá hiện có đã được đăng ký và cập nhật dữ liệu lên cơ sở dữ liệu quốc gia ngành thủy sản phục vụ công tác theo dõi, quản lý. Khoảng 15% số tàu còn lại không đủ điều kiện để đăng ký và được địa phương thống kê theo dõi, quản lý. Có gần 29.000 tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình (đạt khoảng 98%). Tuy nhiên, số lượng tàu cá vi phạm quy định về duy trì kết nối hệ thống giám sát hành trình tàu cá còn diễn ra phổ biến.

Đây cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam chưa gỡ được thẻ vàng IUU. 3 vấn đề chính được Bộ NN-PTNT xác định là: Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt trái phép còn diễn biến phức tạp; Công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác trong nước, đặc biệt là nhập khẩu còn nhiều tồn tại, bất cập, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của EC; Việc xử lý các hành vi khai thác IUU còn hạn chế.

Trên quan điểm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung gỡ thẻ vàng IUU càng sớm càng tốt, Bộ NN-PTNT tập trung 5 nhóm giải pháp chính. Trong đó, sẽ phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn từ nay trở đi không để xảy ra tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài

Bình luận