Hà Nội đưa cây sen giống mới về để hạn chế bỏ hoang đất lúa

Bình luận · 186 Lượt xem

Trốn không khí khói bụi ở đô thị, tôi về đầm sen, đón gió, thưởng hương đồng nội, chẳng mấy chốc mà thể chất như được tái tạo, còn tâm hồn thư thái lạ thường.

Những sản phẩm từ vụ sen đầu tiên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Những sản phẩm từ vụ sen đầu tiên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thứ cây phù hợp với nông nghiệp sinh thái

Mùa này sen đã bắt đầu lụi nhưng vẫn còn mùi thơm vấn vương ở đầm. Những con cá búng nước dưới các tán lá nghe như thực, như hư. Những bông súng nở rực rỡ, khoe sắc tím kiêu sa dưới ánh nắng vàng của tiết trời thu. Thấy tôi cứ ngắm mãi sắc hoa ấy, Lương Hồng Quân-cán bộ của Trạm Khuyến nông huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội đã không ngần ngại vén quần, lội xuống, hái một chục bông hoa súng để tặng. Món quà tuy bình dị nhưng khiến tôi cảm thấy ấm áp, vui mãi trong lòng. 

Tổ hợp tác sen của xã Quang Trung có 3 thành viên sáng lập gồm 2 nông dân là Nguyễn Văn Ký, Nguyễn Văn Dương và 1 cán bộ là anh Vũ Hoàng Trung-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phú Xuyên.

Số là khi cán bộ khuyến nông vận động người dân chuyển đổi từ lúa sang sen thì chính người dân đã mời cán bộ góp vốn, tham gia vào để vừa tư vấn kỹ thuật, vừa “cùng hội, cùng thuyền” cho tăng thêm tính trách nhiệm. Ngoài ra tổ còn có sự tham gia, trợ giúp của các chuyên gia, các nhà khoa học nữa. Họ đã mạnh dạn thuê 5 ha đất với mức trả sản 40 kg thóc/sào/năm để trồng sen.

Anh Trung cho biết đất của huyện phần lớn thuộc vùng chiêm trũng, cấy lúa lắm khi bấp bênh. Thêm vào đó, nông thôn giờ số người tham gia đi làm trong các khu công nghiệp mỗi lúc một nhiều khiến cho lao động nông nghiệp thiếu nghiêm trọng, càng làm cho tình trạng sản xuất lúa thêm kém hiệu quả. Nhiều người chán đất, bỏ hoang đất, đặc biệt là ở các xã có làng nghề. Tính ra cả huyện có khoảng 200-300 ha ruộng hoang như thế.

Trước thực trạng ấy, UBND huyện đã chỉ đạo các ban ngành cố gắng tìm ra các mô hình nông nghiệp mới để hạn chế việc bỏ hoang đất. Trạm Khuyến nông huyện đã tìm thấy hi vọng ở cây sen giống mới bởi trước đây trên địa bàn cũng đã trồng nhiều sen, tuy nhiên là những giống cũ, không hiệu quả, thu nhập thấp nên bị nông dân bỏ.

Cán bộ nông nghiệp và nhà khoa học tham quan mô hình trồng sen của Phú Xuyên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cán bộ nông nghiệp và nhà khoa học tham quan mô hình trồng sen của Phú Xuyên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Trồng sen thay thế cho cấy lúa sẽ giải được bài toán là phủ xanh được diện tích đất hoang. Khi có ý tưởng đưa cây sen về địa phương, chúng tôi đã tiếp cận với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa cây cảnh trực thuộc Viện nghiên cứu Rau quả và một số cơ quan của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Đảng, Nhà nước và nhất là TP Hà Nội đang khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng kết hợp với du lịch sinh thái.

Sen đảm bảo được điều đó vì người ta có thể sử dụng được toàn bộ từ thân, lá, củ, ngó đến hoa. Thứ nữa là sức sống của sen rất tốt, trồng một lần có thể thu hoạch được 5-6 năm liền, hết vụ thì tàn sang năm lại lên.

Đầu tư cho mỗi 1 ha sen về giống ban đầu chỉ khoảng 70-80 triệu đồng trong khi đó thu nhập bình quân mỗi năm chỉ tính riêng sen đã lãi 80-100 triệu đồng. Nếu như kết hợp thả cá sẽ đạt thêm 200 triệu đồng. Nếu như mở hoạt động du lịch thu hút được khách đến trải nghiệm các dịch vụ như chụp ảnh, ăn uống, mua sắm các sản phẩm sẽ còn thu được nhiều tiền hơn nữa.

Mâm cỗ từ sen. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mâm cỗ từ sen. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trong đầm chúng tôi có 8 giống sen gồm hồ Tây đỏ, hồ Tây trắng hay còn gọi là bách nhật, sen Đồng Tháp, sen super, sen pink, sen quan âm, sen nghìn cánh và sen mây bay. Sen super rất sai hoa, mỗi m2 có thể cho tới 20-30 bông. Sen quan âm bán rất đắt hàng, đặc biệt là các nhà chùa ưa chuộng vì hoa to, gấp cánh được hay làm được những lẵng hoa. Sen nghìn cánh cũng được khách ưa chuộng. Sen hồ Tây dùng để ướp trà rất hợp, giúp nâng cao giá trị lên mỗi bông thành 15-20.000đ. Sen mây bay hoa màu trắng, có lá rất ngon, không bị chát như sen hồ Tây hay sen ta dùng để sắc nước uống tươi hoặc đem vào chế biến thành trà lá sen xuất khẩu nên lá bán tươi cũng bán được 8.000đ/kg.

Mỗi bông hoa sen chúng tôi đang bán giá trung bình 3.000đ, trực tiếp tại chỗ và hay gián tiếp qua mạng xã hội, ship hàng từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra; Hạt sen tách thô, có bao nhiêu thương lái thu mua hết bấy nhiêu; Ngó sen đang bắt đầu được các nhà hàng ăn, các hội nghị biết đến, đặt hàng với giá vài chục ngàn đồng/kg. Trên một mâm cỗ sen hiện có 7-8 món như ngó sen xào, ngó sen nộm, chim bồ câu hầm hạt sen, gà hấp lá sen, củ sen ninh móng giò…”.

1 trong 3 mô hình khuyến nông điểm của cả nước

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả được giao thực hiện dự án khuyến nông “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị”. Các địa phương được lựa chọn để xây dựng mô hình điểm là Hà Nội, Nghệ An và Đồng Tháp, thủ phủ sen hồng. Theo PGS, TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả đó mới chỉ là những mô hình điểm phối hợp với khuyến nông, còn tổng số mô hình sen trong cả nước của Viện phải đến gần 10 điểm, có những nơi như Hải Phòng, Thái Bình giờ sen vẫn còn đẹp:

Phút giây thư thái của anh Trung (bên trái) trên đầm sen. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phút giây thư thái của anh Trung (bên trái) trên đầm sen. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Năm đầu tiên, chế độ canh tác chưa tốt, thêm vào đó sen giống như các loại cây ăn quả khi ra bói ít thì chỉ thu được một lứa. Năm thứ hai gần như thu được quanh năm nhờ vào chế độ canh tác cũng như những giống sen trái vụ. Tuổi thọ sen lâu, dài tới nhưng 5, 6 năm phải luân canh để phòng trừ sâu bệnh và chống thoái hóa giống. Hướng đi sắp tới sẽ là trồng sen hữu cơ, đang có đơn vị đề nghị được phối hợp với chúng tôi để thu mua mấy trăm tấn lá tươi rồi chế biến để xuất khẩu đi Mỹ, hợp đồng ban đầu có thể vài container sau đó sẽ tăng dần; Có đơn vị đã thu mua củ sen để xuất đi Nhật. Sen rất hợp với những vùng đất lúa kém hiệu quả mà điển hình là HTX sen Vân Đài (xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)”.

Năm 2021 HTX này được thành lập dựa theo nguyên tắc 3 giữ gồm: giữ nguyên nông dân, giữ nguyên hiện trạng đất, giữ nguyên phong tục, truyền thống văn hóa của địa phương. 4 đổi gồm đổi mới tư duy của nông dân, đổi mới cơ cấu cây trồng, đổi mới công nghệ từ trồng đến chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến, thương mại sản phẩm, đổi mới cách thức tổ chức quản lý HTX một cách khoa học, gọn gàng hiệu quả. HTX đã chuyển đổi được 5 ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại sen và hoa, cho thu nhập cao gấp nhiều lần. Không chỉ bán các sản phẩm thô mà HTX còn có các sản phẩm sơ chế, chế biến như chè ướp sen, sữa sen, rượu sen, ngó sen, củ sen muối…bán cho khách du lịch và thị trường trong, ngoài nước.

Thu hoạch ngó sen. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thu hoạch ngó sen. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Quay trở lại mô hình sen ở huyện Phú Xuyên, anh Trung kể với tôi về ước mơ đa giá trị từ loại cây này. Khác với bình thường người ta bón đạm, lân, ka li thì tổ hợp tác của anh lại dùng loại phân dúi sâu dưới bùn để cho nhả chậm, cây ăn dần dần. Không chỉ trồng sen, năm nay bước đầu đơn vị còn thử nghiệm thả cá. Với đầm sen, mực nước không cao, chỉ khoảng 40-50 cm, kín, lượng ô xi thấp nên nuôi được những thủy sản ít cần ô xi như cá nheo, cá chuối hoa, cá rô đồng, chạch…Khi trồng sen không dùng thuốc BVTV thì sinh vật phù du, tép đồng rất nhiều. Cá thả xuống không phải cho ăn thức ăn công nghiệp nên cũng trở thành sản phẩm hữu cơ.

Kế hoạch năm sau tổ hợp tác sẽ xây dựng thương hiệu sen hữu cơ đồng thời phát triển du lịch, thiết kế các đường đi bằng tre hay gỗ xuyên qua đầm, làm các lều để khách nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm những sản phẩm sen, cá thu hái, bắt lên từ đầm. Đơn vị của anh cũng sẽ tham mưu với thành phố và huyện để mở rộng diện tích trồng sen ra khoảng 20 ha, không chỉ ở Quang Trung mà còn ở các xã khác, tập trung vào những địa phương được quy hoạch trong tuyến du lịch của Phú Xuyên như Chuyên Mỹ, Quang Lãng…

Hà Nội đang khuyến khích nông dân chuyển đổi một số diện tích vùng thấp trũng sản xuất kém hiệu quả, sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó có cây sen được hướng tới nhằm phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. 

Bình luận