Ngày 20/4, Sở NN&PTNT Thành phố Hà Nội tổ chức tổng kết 30 năm (1997- 2023) hoạt động khuyến nông Hà Nội. Đồng thời đưa ra những bài học kinh nghiệm, định hướng nhiệm vụ và giải pháp hoạt động khuyến nông giai đoạn 2023-2030.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, trong 30 năm qua, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt được nhiều kết quả tốt, tuy nhiên cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Thời kỳ đầu, trình độ canh tác của người nông dân còn lạc hậu, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi thấp, dẫn đến năng suất cây trồng, vật nuôi cũng thấp. Trong giai đoạn sau này, chịu tác động rất lớn của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, của tình trạng biến đổi khí hậu, giá cả vật tư đầu vào thường xuyên biến động tăng cao do phụ thuộc vào nhập khẩu. Song, được sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, UBND Thành phố, các cấp, các ngành của Thành phố cùng sự cố gắng của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động trong hệ thống khuyến nông, công tác khuyến nông của Hà Nội đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tiêu biểu như công tác xây dựng và triển khai các mô hình trình diễn trong lĩnh vực trồng trọt. Theo bà Vũ Thị Hương, từ khi thành lập đến nay, ngành khuyến nông đã triển khai thực hiện được khoảng 400 mô hình khuyến nông trồng trọt. Trong đó cây lúa là 110 mô hình; cây rau 55 mô hình; cây hoa 50 mô hình; cây ăn quả 55 mô hình; các dạng mô hình cây trồng khác 130 mô hình. Bên cạnh đó cũng đã triển khai được trên 360 dạng mô hình khuyến nông chăn nuôi; phát triển các giống thuỷ sản như cá chép, rô phi, tôm, ếch giống mới.... với các mô hình nuôi tôm càng xanh (năng suất bình quân đạt 2.430 kg/ha), mô hình nuôi ếch lồng (năng suất trung bình đạt 12,6 kg/m2), mô hình nuôi cá rô phi đơn tính (năng suất bình quân đạt 15.300 kg/ha)... Qua đó đã góp phần chuyển đổi các vùng trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao hơn 3-4 lần so với cấy lúa.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ hoạt động Khuyến nông đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ xóa đói giảm nghèo chuyển sang chú trọng sản xuất hàng hóa để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Qua gần 30 năm hoạt động, cùng với tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp, tổ chức khuyến nông không ngừng phát triển, lớn mạnh từ Trung ương, tỉnh đến cấp cơ sở, gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nhìn chung, công tác khuyến nông của Hà Nội liên tục phát triển. Các mô hình khuyến nông ngày càng bám sát thực tế, không còn nặng về chuyển giao kỹ thuật mà chú trọng, kết hợp hài hòa các yếu tố từ sản xuất đến thị trường, tiêu thụ, liên kết 4 "nhà" trong sản xuất hơn, vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm với định hướng sản xuất bền vững…Các trạm khuyến nông phát huy tốt vai trò, tính chủ động trong công tác tham mưu UBND huyện; phối hợp với đơn vị liên quan trong hoạt động khuyến nông của đơn vị tại cơ sở; tận dụng được sự ủng hộ, hỗ trợ về chủ trương, kinh phí phát triển nông nghiệp của huyện về hoạt động khuyến nông. Trình độ năng lực của cán bộ cao, đồng đều, có khả năng đáp ứng được mọi yêu cầu về nhiệm vụ cũng như tiếp nhận và triển khai thực hiện được các chương trình, dự án quy mô lớn. Góp phần phát triển ngành nông nghiệp theo đúng định hướng của Trung ương. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học kỹ thuật trong từng lĩnh vực chuyên môn được thực hiện hàng năm, theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên, do địa bàn hoạt động rộng khắp 18 huyện, thị xã và 6 quận còn sản xuất nông nghiệp, cần phải cân đối phân bổ đều đơn vị trực thuộc hoạt động nên có nhiều mô hình nhỏ, lẻ, bị hạn chế trong việc tạo vùng tập trung; từ đó dẫn đến mô hình bị dàn trải. Cán bộ các trạm khuyến nông còn thiếu cân đối về chuyên môn, ngành nghề đào tạo (có trạm khuyến nông thiếu cán bộ chuyên ngành trồng trọt hoặc chuyên ngành chăn nuôi, thú y; phần lớn các trạm khuyến nông thiếu cán bộ chuyên môn thủy sản...). Từ đó dẫn đến việc triển khai mô hình trên một số địa bàn gặp khó khăn về cán bộ chỉ đạo (phải thuê cán bộ chỉ đạo hoặc cán bộ phòng chuyên môn phải trực tiếp chỉ đạo).
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trải qua 30 năm hoạt động, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và chỉ đạo chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, hệ thống khuyến nông thành phố Hà Nội đã không ngừng phát triển, lớn mạnh và trưởng thành, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Hệ thống khuyến nông đã trở thành "cầu nối" chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho nông dân, mở ra cơ hội mới, tạo dựng giá trị bền vững cho nông nghiệp, nông dân; góp phần quan trọng vào sự thành công vào đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Với những kết đã đạt được, trong thời gian tới, bên cạnh những thời cơ thuận lợi, ngành Nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, ... Để thực hiện tốt Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu toàn ngành Nông nghiệp nói chung và hệ thống khuyến nông nói riêng tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông thành phố theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chú trọng kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khuyến nông, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khuyến nông, phát triển các hình thức hợp tác quốc tế, hợp tác công- tư để thu hút. Huy động các nguồn nhân lực, vật lực, kết hợp với kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm, đặc biệt cho sản xuất vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nguồn lực nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ưu tiên các hoạt động về kinh tế thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, thông tin truyền thông, đào tạo huấn luyện khuyến nông có phạm vi ảnh hưởng, tác động rộng tới sản xuất.
Để ghi nhận những kết quả, đóng góp của hệ thống Khuyến nông Hà Nội trong 30 năm và 20 năm hoạt động của Quỹ Khuyến nông Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho 14 tập thể, 18 cá nhân; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen cho 6 tập thể, 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đóng góp vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp.