Thanh toán bệnh lở mồm long móng [Bài 4]: Tìm được tiếng nói chung sẽ kiểm soát được dịch

Bình luận · 244 Lượt xem

Muốn phòng, chống bệnh lở mồm long móng gia súc hiệu quả, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn phải thực sự tìm được 'tiếng nói chung'.

Vắng bóng ổ dịch lớn

Bệnh lở mồm long móng gia súc từng là nỗi ám ảnh của người chăn nuôi Hà Tĩnh giai đoạn những năm 2013 - 2017, đặc biệt là đại dịch vào năm 2019. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh Trần Hùng, tuy bệnh này dễ phát hiện, tỷ lệ tử vong không cao, song nếu không khống chế kịp thời, nguy cơ lây lan diện rộng rất lớn, gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người chăn nuôi.

 

Nhớ lại thời điểm năm 2013, khi thức ăn tự nhiên từ đồi núi đang dồi dào, người dân các huyện miền núi như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh… có thói quen thả rông trâu, bò hàng tuần, thậm chí hàng tháng trên rừng, không chấp hành việc tiêm phòng vacxin lở mồm long móng định kỳ, khiến các ổ dịch lở mồm long móng xuất hiện thường xuyên.

 

“Thời điểm đó, có đến hơn 2.400 con gia súc của 10/13 huyện, thị xã, thành phố bị mắc bệnh lở mồm long móng. Trong đó, tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh chiếm đến hơn 97%, số gia súc chết, tiêu hủy 66 con. Công tác bao vây, dập dịch gặp nhiều khó khăn”, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh thông tin.

 

Những năm sau đó, mặc dù cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tăng cường thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng, song các ổ dịch phát sinh vẫn ở mức cao với tổng gia súc mắc bệnh lần lượt: 372 con/8 huyện (năm 2014); 471 con/8 huyện (năm 2015); 374 con/10 huyện (năm 2017); 712 con/10 huyện (năm 2017).

 

Năm 2019, bệnh lở mồm long móng lần đầu tiên càn quét đàn lợn thịt trên địa bàn, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Ước tính, 2.781/3.722 con lợn mắc bệnh đã bị chết, phải tiêu hủy, ngoài ra bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này cũng lay lan trên 550 trâu, bò.

 

Lúc bấy giờ, cơ quan chuyên môn ghi nhận nhiều biến chủng virus gây bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn, đặc biệt là lợn thịt. Trong khi đó, hầu hết đàn lợn đều chưa được tiêm vacxin phòng bệnh lở mồm long móng. Bởi lẽ, theo kế hoạch tiêm phòng định kỳ hàng năm của tỉnh Hà Tĩnh (mỗi năm 2 đợt) chỉ bắt buộc tiêm phòng bệnh dịch tả lợn, tụ huyết trùng và lở mồm long móng cho đàn lợn nái.

 

“Ngoài yếu tố gia súc chưa được tiêm phòng, Hà Tĩnh là địa phương ghi nhận lưu lượng buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua địa bàn lớn. chính quyền một số địa phương thiếu quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh, đội ngũ thú y cơ sở thiếu và yếu cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch lở mồm long móng gia súc khó kiểm soát”, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh thẳng thắn nhìn nhận.

 

Rút bài học kinh nghiệm năm 2019, từ 2020 đến nay, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh rốt ráo chỉ đạo ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương, yêu cầu phải tổ chức tiêm phòng vacxin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc đạt tối thiểu 80% tổng đàn.

 

Sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã tạo chuyển biến tích cực với tỷ lệ tiêm phòng vacxin lở mồm long móng năm 2020 đạt 85%; năm 2021 đạt 93%. Đặc biệt, số lượng ổ dịch lớn ngày càng vắng bóng, gia súc mắc bệnh giảm dần theo từng năm, từ 119 con/7 huyện (2020) xuống còn 21 con/2 huyện (2023).

 

Các địa phương phát hiện gia súc mắc bệnh đều bao vây, khống chế diện hẹp, không để gia súc bị chết, tiêu hủy, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

 

 

Quyết liệt phải đi kèm đồng bộ

Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng hiệu quả, ông Trần Hùng nhấn mạnh: “Ngoài các yếu tố như tiêm phòng vacxin, quản lý tốt gia súc mắc bệnh, tăng cường quản lý hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật qua địa bàn, ở đâu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh thì ở đó dịch bệnh gia súc, gia cầm nói chung và dịch bệnh lở mồm long móng nói riêng được kiểm soát tốt”.

 

Khoảng 5 năm về trước, những huyện có tổng đàn trâu, bò, lợn chăn nuôi nông hộ lớn như Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên từng là điểm nóng các ổ dịch lở mồm long móng thì những năm gần đây hầu như không phát sinh ổ dịch; tỷ lệ tiêm phòng vacxin luôn xếp ở top đầu toàn tỉnh.

 

Ghi nhận thực tế tại huyện Hương Sơn cho thấy, thông qua hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ của chính quyền cấp xã, thôn xóm và lực lượng thú y, thực trạng thả rông trâu, bò ở địa phương này đã giảm khoảng 80 - 90% so với 10 năm trước. Mặt tích cực là ý thức của người dân trong việc chấp hành quy định tiêm phòng vacxin lở mồm long móng trên đàn trâu, bò luôn đạt trên 80%.

 

“Để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng, Hương Sơn đưa chỉ tiêu này vào chương trình thi đua hoàn thành nhiệm vụ chính trị hàng năm; đồng thời, xây dựng chế tài thưởng, phạt đối với cán bộ xã tích cực, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh”, ông Phan Xuân Đức, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Sơn nói.

 

Theo ông, những năm gần đây, nếu có xuất hiện bệnh lở mồm long móng thì cũng rơi vào 20% số hộ không chấp hành tiêm phòng vacxin. Hầu hết bà con lấy lý do bò mang thai không chịu tiêm nhưng sau khi bò sinh sản, việc tổ chức tiêm bổ sung cho số bò và bê mới sinh này chính quyền các xã cũng chưa thực sự quan tâm dẫn đến phát sinh dịch bệnh.

 

“Hiện nay, vacxin lở mồm long móng tiêm cho đàn trâu, bò được nhà nước hỗ trợ 100%, vì vậy bà con cần nâng cao ý thức chấp hành quy định tiêm phòng định kỳ; đồng thời, chủ động báo cáo, cách ly khi phát hiện gia súc mắc bệnh nhằm bảo vệ tài sản của gia đình và người chăn nuôi trong khu vực”, ông Đức kêu gọi người dân đồng hành cùng ngành chuyên môn hướng tới chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

 

Tương tự, huyện Cẩm Xuyên là địa phương có tổng đàn trâu bò (13.000 con), đàn lợn (17.000 con) nuôi nông hộ nhỏ lẻ chiếm đến hơn 60% nên luôn nằm trong diện nguy cơ cao phát sinh các ổ dịch bệnh lở mồm long móng.

 

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, Cẩm Xuyên quán triệt người chăn nuôi không thả rông trâu, bò, xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo vệ sinh, trong đó khuyến khích chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Giải pháp này không chỉ phòng chống được các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà còn tạo nguồn phân hữu cơ phục vụ trồng trọt; bảo vệ môi trường.

 

“Từ năm 2018 - 2020, chúng tôi ban hành chính sách hỗ trợ chăn nuôi trên đệm lót sinh học, mức hỗ trợ từ 100.000 - 150.000 đồng/m2. Kết quả xây dựng được hơn 5.000 mô hình. Hiện tại, các xã đang tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình này, bình quân mỗi năm tăng lên trên dưới 1.000 mô hình”, ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin.  

 

Theo ông Hà, hiện nay dịch bệnh lở mồm long móng gia súc trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, không phát sinh ổ dịch lớn. Tuy nhiên, muốn tăng sức đề kháng cho đàn gia súc cần phải tiêm phòng đảm bảo về mặt thời gian, mà muốn làm được điều này cấp tỉnh cần chủ động cung cấp vacxin kịp thời hơn, như năm 2023 tiến độ cấp vacxin có phần chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ tiêm tại các xã.

 

Gần 10 năm nay, Hà Tĩnh ban hành nhiều chính sách về công tác thú y nói chung và dịch bệnh lở mồm long móng nói riêng. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần ngăn chặn các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát sinh, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

 

Mới đây nhất là văn bản 259/UBND-NL, ngày 13/1/2021 về cơ chế hỗ trợ kinh phí mua vacxin lở mồm long móng tiêm phòng cho trâu, bò từ năm 2021 - 2025, trong đó ngân sách tỉnh đảm bảo 60%, ngân sách cấp huyện đảm bảo 40%.

 

Được biết, năm 2023, Công ty Cổ phần Kinh doanh Thuốc thú y Amavet trúng thầu cung cấp vacxin lở mồm long móng Aftogen Oleo cho Hà Tĩnh. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 60%, ngân sách huyện 40%. Theo ngành chuyên môn địa phương, đây là loại vacxin có hàm lượng kháng nguyên cao nên không chỉ tiêm phòng thông qua diện chính sách tỉnh, huyện hỗ trợ mà các doanh nghiệp, trạng trại chăn nuôi lớn trên địa bàn sử dụng nguồn tự chủ như Công ty C.P. Việt Nam, Công ty Golden... cũng lựa chọn loại vacxin này để tiêm cho đàn trâu, bò và lợn.

 

 

Thanh Nga

 

 

Bình luận