Khai mạc Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp Bộ NN-PTNT năm 2023

Bình luận · 274 Lượt xem

Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp Bộ NN-PTNT góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ.

Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp Bộ NN-PTNT năm 2023 có 83 nhà giáo tham gia. Ảnh: L.K.

Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp Bộ NN-PTNT năm 2023 có 83 nhà giáo tham gia. Ảnh: L.K.

Ngày 10/9, tại Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm Đà Nẵng diễn ra lễ khai mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp Bộ NN-PTNT năm 2023.

Hội giảng lần này có 83 nhà giáo của 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ NN-PTNT đăng ký tham gia gồm 36 nghề chia thành 8 tiểu ban khác nhau. Tất cả các nhà giáo đã được lựa chọn qua các kỳ Hội giảng của các cấp và đều đạt chuẩn theo quy định.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo gồm 17 thành viên là đại diện các cơ quan chức năng của Bộ, Công đoàn NN-PTNT Việt Nam và các Hiệu trưởng trực thuộc các trường thuộc Bộ có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng quyết định thành lập Ban giám khảo Hội giảng gồm 32 thành viên.

Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp Bộ NN-PTNT là dịp sinh hoạt chuyên môn lớn nhất trong toàn khối giáo dục nghề nghiệp ngành NN-PTNT với mục tiêu kích thích, động viên, tạo cơ hội cho các nhà giáo học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu đổi mới và tôn vinh các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị lãnh đạo và các thầy cô giáo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc bộ từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy để đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong thời đại cách mạng Công nghiệp 4.0. Ảnh: L.K.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị lãnh đạo và các thầy cô giáo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc bộ từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy để đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong thời đại cách mạng Công nghiệp 4.0. Ảnh: L.K.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, thời gian qua, Bộ NN-PTNT và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc bộ đã chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, từng bước chuẩn hóa để đáp ứng như cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, những thay đổi từ thị trường lao động trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và định hướng phát triển của ngành NN-PTNT đã và đang đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong công tác dạy và học.

Trước thực tế này, ngày 8/5/2023, Ban cán sự đảng Bộ NN-PTNT đã ban hành Nghị quyết số 37 về đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành NN-PTNT đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết xác định đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược, là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững. Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngành theo hướng gia tăng giá trị. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước. Tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.

Lãnh đạo các Trường Cao đẳng tham gia nhận biểu trưng lưu niệm của Ban chỉ đạo Hội giảng. Ảnh: L.K. 

Lãnh đạo các Trường Cao đẳng tham gia nhận biểu trưng lưu niệm của Ban chỉ đạo Hội giảng. Ảnh: L.K. 

“Nhằm phát huy hơn nữa vai trò trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng NTM hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh, tôi đề nghị lãnh đạo và các thầy cô giáo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc bộ tập trung chuẩn bị các bài thi hội giảng ở mức cao nhất về nội dung, chuyên môn, phương pháp sư phạm và tính ứng dụng thực tiễn, hoàn thiện các tiêu chuẩn nhà giáo theo yêu cầu vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, cần chú trọng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, phương pháp dạy và học hiện đại, tích hợp các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, thích ứng với cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Đồng thời phát huy nguồn lực nội tại, chủ động hợp tác, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp cải tiến nội dung chương trình, bổ sung các trang thiết bị giảng dạy, thực hành, thực tập đáp ứng yêu cầu thị trường lao động...”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Bình luận