Một số lưu ý nhìn từ số liệu GDP chín tháng

Bình luận · 336 Lượt xem

Số liệu thống kê cho thấy có một số điểm thay đổi tích cực nhưng nhìn chung nền kinh tế vẫn đang gặp khó khăn.

Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của Tổng cục Thống kê, GDP chín tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Trong suốt giai đoạn 2011-2023, số liệu năm nay chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của chín tháng các năm 2020 và 2021 – hai năm chịu tác động của dịch Covid-19.

 

Tín hiệu tốt nhìn từ giá trị tăng thêm

 

Về phía cung, trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của toàn nền kinh tế (Gross value added – GVA), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, đóng góp 9,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%, đóng góp 22,27%; khu vực dịch vụ tăng 6,32%, đóng góp 68,57%. Theo đó, tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế chín tháng năm 2023 tăng 4,4%.

 

Do GDP = GVA + thuế sản phẩm – trợ giá, dưới ảnh hưởng của yếu tố thuế trong GDP (tăng trưởng về thuế sản phẩm chín tháng năm 2023 là 2,81%), về nguyên tắc GDP luôn tăng thấp hơn GVA (4,24% so với 4,4%).

 

Về cơ cấu ngành trong GDP, giá trị tăng thêm của khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) đóng góp 11,51% vào GDP; giá trị tăng thêm của khu vực II (công nghiệp, xây dựng) đóng góp 37,16% vào GDP; giá trị tăng thêm của khu vực III (dịch vụ) đóng góp 42,72% vào GDP và thuế sản phẩm trừ trợ giá đóng góp 8,61% vào GDP. Tỷ lệ đóng góp của giá trị tăng thêm của khu vực III vào GDP chín tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,43 điểm phần trăm, đóng góp của giá trị tăng thêm của khu vực II vào GDP giảm 1,33 điểm phần trăm.

 

Đóng góp về giá trị tăng thêm của khu vực III, khu vực I tăng lên và đóng góp của thuế sản phẩm giảm 0,14 điểm phần trăm có thể là một tín hiệu tốt. Theo phân tích từ mô hình cân đối liên ngành sản phẩm cuối cùng của khu vực I và khu vực III lan tỏa nhiều nhất đến giá trị tăng thêm của nền kinh tế, trong khi đó sản phẩm cuối cùng của khu vực II lan tỏa rất kém đến nền kinh tế. Do sản xuất của khu vực II cơ bản là gia công, đầu vào cho sản xuất của khu vực này cơ bản nhập khẩu, nên sự tăng lên về cầu của khu vực này kích thích đến sản xuất và giá trị tăng thêm của nước khác nhiều hơn nền kinh tế trong nước.

Con số tăng trưởng GDP khác tính theo tiêu dùng cuối

 

Về phía cầu, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,03%, đóng góp 34,3% vào mức tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản gộp tăng 3,22%, đóng góp 19,35% vào mức tăng chung của nền kinh tế. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 5,79%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,19%.

 

Đối với nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng GDP không có nhiều ý nghĩa dù tính toán đúng phương pháp của Liên hiệp quốc.

 

Lưu ý rằng, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ chín tháng năm 2022 tăng rất ấn tượng (tương ứng 9,32% và 6,69%), tuy nhiên chênh lệch xuất, nhập khẩu chín tháng năm 2022 theo giá so sánh khoảng 115.000 tỉ đồng.

 

Trong khi đó, dù xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ chín tháng năm 2023 giảm mạnh nhưng chênh lệch xuất, nhập khẩu chỉ là 4.600 tỉ đồng, dẫn đến chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 46,35% vào tăng trưởng GDP. Điều này khiến dù cả tiêu dùng cuối cùng và tích lũy gộp tài sản chỉ tăng 3,03% và 3,22% nhưng GDP vẫn tăng 4,24%. Tình hình này phần nào phải chăng do chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chín tháng 2023 tăng (2,07%) trong khi chỉ số giá bình quân về nhập khẩu chín tháng năm 2023 giảm (giảm 2,43%).

 

Nếu tính GDP theo chi tiêu cuối cùng thì GDP không phải tăng 4,24% mà tăng khoảng 5,94%. Điều này phần nào cho thấy đối với nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng GDP không có nhiều ý nghĩa dù tính toán đúng phương pháp của Liên hiệp quốc.

 

Nền kinh tế vẫn khó

 

Chỉ số giảm phát GDP chín tháng 2023 so với chín tháng 2022 là 1,97%. Trong khi đó tính chung chín tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%. Điều này phải chăng do giá của khâu lưu thông tăng khá cao? Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cuối cùng hộ gia đình chín tháng năm 2023 so với chín tháng năm 2022 tăng 2,97%, trong khi CPI bình quân chín tháng 2023 so với chín tháng 2022 là 3,16%, điều này do tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình trong GDP bao gồm cả các khoản tự sản tự tiêu trong nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhà ở tự có tự ở. Nhà ở tự có tự ở ghi thu bao nhiêu ở phía cung (giá trị tăng thêm) và ghi chi bấy nhiêu ở phía cầu (tiêu dùng cuối cùng của hộ); nhưng nó làm tăng quy mô GDP.

 

Tình hình kinh tế thực chất vẫn rất khó khăn dù GDP có tăng trưởng. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội cũng cho thấy tính chung chín tháng năm 2023, cả nước có 116.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; 75.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%; 46.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể; tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động là 121.900 doanh nghiệp.

Bình luận