Vực lại vựa cam Cao Phong: Chuyển hướng canh tác hữu cơ

Bình luận · 80 Lượt xem

Sau giai đoạn phát triển nóng, các nhà vườn trồng cam ở Cao Phong hiện đã chú trọng vào canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn, đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu.

Trở lại vựa cam Cao Phong (Hòa Bình) thời điểm này, điều dễ nhận thấy là bên cạnh việc tập trung khôi phục, tái canh các diện tích cam đã hết chu kỳ khai thác, nhiễm bệnh, các hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất đã có những chuyển biến rõ rệt trong việc áp dụng các kỹ thuật canh tác mới theo hướng an toàn, hữu cơ nhằm giảm thiểu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học, bảo vệ sức khỏe con người, đất, môi trường.

 

 

Ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN-PTNT Cao Phong cho biết, sau giai đoạn phát triển nóng, hiện cam Cao Phong đang phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Điều này đòi hỏi các HTX, hộ sản xuất phải chủ động thay đổi thói quen canh tác, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm lượng vật tư đầu vào, tăng chất lượng và giá bán sản phẩm. Những hộ thực sự tâm huyết với cây cam đã chủ động cùng nhau thành lập các tổ sản xuất, HTX, chuỗi liên kết để thống nhất kỹ thuật canh tác, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

 

“Gia đình nào cũng hiểu chi phí đầu tư cho trồng cam rất lớn, nếu không thay đổi phương thức canh tác, để rơi vào vết xe đổ trước đây thì chỉ có nước trắng tay”, ông Dán nói.

 

Tín hiệu đáng mừng nữa là nhiều nhà vườn ở Cao Phong hiện đã mạnh đầu tư sản xuất cam theo hướng hữu cơ, tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc về bảo vệ đất và môi trường, bước đầu đã thu được nhiều kết quả rất khả quan.

 

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T Nông sản Cao Phong (3T Farm) chia sẻ, HTX có hơn 20ha trồng cam và gần 100ha liên kết sản xuất, tiêu thụ với các hộ dân. Để bảo vệ thương hiệu, nâng sức cạnh tranh và giá bán sản phẩm, HTX đã thống nhất với các thành viên những diện tích trồng mới phải sử dụng cây đầu dòng ở những cơ sở uy tín, có kiểm định. Hạn chế tối thiểu phân bón hóa học, thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh; ngâm ủ trứng, đậu tương, cá… với men vi sinh để bón cho cây.

 

Kỳ đầu kiến thiết, tiến hành trồng xen các loại cây ngắn ngày có khả năng bổ sung đạm cho đất như đậu tương, lạc, đậu xanh, vừng... Những vườn cam sung sức, khép tán thì duy trì thảm cỏ tự nhiên để giữ ẩm cho vườn trong mùa khô, chống xói mòn trong mùa mưa, tạo môi trường sống cho các vi sinh vật có lợi trong đất cũng như các loài thiên địch.

 

Với những diện tích cam sau khi thu hoạch, bón thúc bằng phân chuồng đã ủ hoai mục hoặc phân trùn quế để tăng dinh dưỡng, nâng cao đề kháng cho cây và tăng khả năng ra hoa đậu quả ở vụ sau.

 

Anh Lương Văn Thảo ở thôn Má 1, xã Bắc Phong (huyện Cao Phong) cho hay, trước đây do thiếu kiến thức nên việc trồng cam của gia đình chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và "học lỏm" các hộ xung quanh. Hễ thấy trong vườn có cỏ là xáo xới sạch sẽ, thấy cây không xanh tốt là mang đạm, lân ra bón... Kết quả là đất trồng ngày càng chai lỳ, bạc màu. Từ năm 2020, được sự hỗ trợ của HTX 3T Nông sản Cao Phong, gia đình anh bắt đầu chuyển đổi canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ.

 

Theo anh Thảo, phương pháp canh tác tăng cường sử dụng các loại vật tư đầu vào hữu cơ, bón phân, phun thuốc BVTV đúng loại, đúng thời điểm, liều lượng, gia tăng lao động thủ công đã giúp gia đình anh giảm được khoảng 60% lượng đạm, lân, kali hóa học. Quan trọng hơn, đất vườn trồng ngày càng tơi xốp, giun đất càng ngày nhiều.

 

“Nếu tính trên 1ha, với giá cá từ 5.000 - 6.500 đồng/kg sẽ tốn khoảng 10 triệu đồng, cộng với hơn 1 triệu đồng mua phi nhựa đựng, 800 nghìn đồng mua men vi sinh để ủ là có thể dùng để bón được cho cả năm. Cái hay khi tự ủ đạm cá để bón cho cây cam là không lo mua phải phân bón giả, vì hiện tại trên thị trường có quá nhiều loại phân bón, không thể phân biệt được chất lượng bằng mắt thường. Nguy hại hơn có loại càng dùng lại càng hại đất, hại cây”, anh Thảo tính toán.

 

 

Ông Đỗ Ngọc Hà ở xóm Lãi, xã Tây Phong cũng không giấu được niềm vui khi 2ha cam của gia đình từ khi chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ luôn có giá bán cao hơn 10 - 15% so với mặt bằng chung.

 

Ông Hà chia sẻ, cây cam hiện nay đã được trồng nhiều nơi với diện tích lớn, bão hòa thị trường nên không thể trồng theo kiểu ăn xổi, mà phải tạo được sự khác biệt về chất lượng. Muốn làm được điều đó, trước hết người trồng cần ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh kết hợp với sử dụng phân bón vô cơ cân đối, hợp lý. Đây là biện pháp rất quan trọng trong việc phục hồi khả năng sản xuất và tăng độ phì nhiêu của đất đã bị thoái hóa.

 

"Khi đất trồng được cải tạo, bổ sung dinh dưỡng thì tự khắc cây sẽ phát triển khỏe mạnh, khả năng chống chịu sâu bệnh cao hơn, lượng vật tư đầu vào theo đó cũng giảm.

 

Bên cạnh đó, phải có bộ giống tốt, không trồng nhiều giống trong cùng một vườn vì thời gian, nhu cầu dinh dưỡng của các giống khác nhau, nếu trồng xen sẽ rất khó khăn trong quản lý và chăm sóc", ông Đỗ Ngọc Hà chia sẻ kinh nghiệm.

 

 

Trung Quân

 

 

 

Bình luận