Chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi, thú y còn mang tính hình thức

Bình luận · 226 Lượt xem

Công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi, thú y còn mang tính hình thức chưa đi sâu vào thực tế nên không có tính đột phá.

Đắk Lắk được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc.

Ước tính, số lượng đàn đàn trâu, bò đứng thứ 9 cả nước, đàn gia cầm khoảng 13,6 triệu con, đứng trong thứ 7 và đàn lợn hiện khoảng 960.000 con, nằm top 5 trên 63 tỉnh, thành.

Sản lượng thịt hơi 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 125.700 tấn, sản lượng trứng các loại ước đạt 184 triệu quả.

Tuy nhiên, công tác quản lý, phát triển ngành chăn nuôi, thú y tại Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn. Việc áp dụng, chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi, thú y còn nhiều bất cập.

Trong những năm qua, công tác khuyến nông đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, nếu đánh giá đúng mức, hoạt động khuyến nông tại Đắk Lắk vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.

Ông Y Sỹ Buôn Yă, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản Đắk Lắk cho biết, hiện hiệu quả công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi còn hạn chế chưa đi sâu vào thực tế, còn mang tình hình thức chưa có sự đổi mới và đột phá.

Phương pháp tập huấn và đào tạo chủ yếu theo phương pháp thuyết trình, còn nặng về lý thuyết, ít thực hành trên đồng ruộng, chuồng trại.

Hiện nay việc chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi tại Đắk Lắk đang mang nặng lý thuyết. Ảnh: Quang Yên.

Hiện nay việc chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi tại Đắk Lắk đang mang nặng lý thuyết. Ảnh: Quang Yên.

Số lượng mô hình khuyến nông có chất lượng và hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, nhiều mô hình khuyến nông đạt kết quả và hiệu quả nhưng chậm được nhân rộng, ứng dụng ra sản xuất.

Công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền khuyến nông vẫn còn hạn chế. Mạng lưới thông tin truyền thông khuyến nông để tư vấn, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận thông tin phản hồi từ thực tế sản xuất có quan tâm nhưng chưa có chiều sâu.

Cán bộ khuyến nông chưa được đào tạo về phát triển thị trường, quản trị HTX, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc… để tham gia vào quá trình chuyển đổi của công tác khuyến nông.

Theo ông Y Sỹ Buôn Yă để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, thú y, UBND tỉnh Đắk Lắk cần xây dựng và ban hành quy chế hoạt động của hệ thống khuyến nông trong toàn tỉnh.

Đào tạo khuyến nông cơ sở kiến thức cơ bản theo hướng đa ngành nghề, có kiến thức về phát triển nông thôn, tổ chức liên kết nông dân và chuỗi giá trị.

Ông Sỹ cho biết thêm, cơ quan chức năng cần phổ biến các tiến bộ khoa học và công nghệ, các điển hình trong sản xuất, kinh doanh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; các mô hình liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị; mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hành nông nghiệp tốt (GAP), mô hình sản xuất có chứng nhận; sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ông Y Sỹ Buôn Yă, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản Đắk Lắk kiểm tra mô hình nuôi dê an toàn sinh học trên địa bàn. Ảnh: Quang Yên.

Ông Y Sỹ Buôn Yă, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản Đắk Lắk kiểm tra mô hình nuôi dê an toàn sinh học trên địa bàn. Ảnh: Quang Yên.

Phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của địa phương.

Cần xây dựng Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh là điểm tư vấn và cung ứng dịch vụ uy tín về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản; vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất theo quy định.

Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình quản lý tiên tiến, phát triển mô hình liên kết trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm phát thải nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc thực hiện vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Khuyến khích tổ chức sản xuất chăn nuôi nông hộ có kiểm soát. Xây dựng các vùng chăn nuôi đại gia súc ở các huyện Krông Pắc, Krông Bông, Ea Kar, M’Đrắk, Buôn Đôn, Cư Kuin…

Để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững cần nâng cao việc chuyển giao công nghệ cho người dân. Ảnh: Quang Yên.

Để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững cần nâng cao việc chuyển giao công nghệ cho người dân. Ảnh: Quang Yên.

“Phổ biến quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, công trình khí sinh học, sử dụng thức ăn không sử dụng chất phụ gia và kháng sinh, chất kích thích tăng trọng. Việc này nhằm giảm giá thành sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. Hàng năm xây dựng những mô hình chăn nuôi gắn với an toàn sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Việc nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp là cần thiết và có khả năng áp dụng rộng rãi trong hoạt động khuyến nông ở các cấp của Đắk Lắk. Nếu việc chuyển giao công nghệ được thực hiện sẽ giúp cho ngành chăn nuôi tại Đắk Lắk phát triển bền vững, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của thị trường như hiện nay”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Bình luận