Thanh toán bệnh lở mồm long móng [Bài 1]: Bài toán rất khó

Bình luận · 239 Lượt xem

Bệnh lở mồm long móng (FMD) dễ lây lan xuyên biên giới, ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi gia súc, làm gián đoạn thương mại quốc tế về động vật và sản phẩm động vật.

Bệnh lở mồm long móng được Tổ chức Thú y Thế giới quy định bắt buộc phải báo cáo khi có dịch xảy ra. Ảnh: Hồng Thắm.

Bệnh lở mồm long móng được Tổ chức Thú y Thế giới quy định bắt buộc phải báo cáo khi có dịch xảy ra. Ảnh: Hồng Thắm.

Bệnh đặc biệt nguy hiểm với trâu, bò, lợn

Báo cáo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE/WOAH) 10 tháng đầu năm 2023 cho thấy, trên toàn thế giới có 4.604 ổ dịch FMD tại 8 quốc gia châu Phi và 15 quốc gia châu Á, trong đó khu vực Đông Nam Á có báo cáo tại Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan. Trong đó, Indonesia là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi xảy ra hơn 4.100 ổ dịch (90%) và đa số (93%) các ổ dịch được ghi nhận do virus FMD type O gây ra.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, lở mồm long móng là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, lây lan rất nhanh và mạnh, xảy ra ở động vật guốc chẵn như trâu, bò, lợn, dê..., với biểu hiện điển hình là hình thành mụn nước ở niêm mạc (lưỡi, lợi), những vùng da mỏng.

Về con đường truyền lây, bệnh FMD lây do tiếp xúc trực tiếp với con ốm, hoặc gián tiếp qua các nhân tố trung gian như thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi... bị nhiễm virus. Ở bệnh này, virus FMD xâm nhập vào cơ thể động vật mẫn cảm qua đường hô hấp, đặc biệt là qua tổn thương ở da và niêm mạc.

Về căn nguyên gây bệnh, theo ông Giáp, có tới 7 serotype (type huyết thanh) virus gây bệnh là O, A, C, Asia 1, SAT1, SAT2 và SAT3. Trong đó, serotype O và A là 2 serotype lưu hành phổ biến nhất.

Ông Giáp cho hay, đặc điểm quan trọng của virus FMD là không có miễn dịch chéo giữa các serotype, do đó cần lưu ý sử dụng vacxin đúng chủng để phòng bệnh hiệu quả.

Điểm quan trọng khác của virus này là trong mỗi serotype, lại có rất nhiều biến thể, được gọi với thuật ngữ topotype, subtype. Ví dụ, serotype O có 11 topotype, trong mỗi topotype có thể phát sinh ra nhiều nhánh di truyền khác nhau (lineage).

Ví dụ, topotype ME-SA có các nhánh khác nhau với tên gọi như: PanAsia, PanAsia-2, Ind-2001... Khác biệt về mặt di truyền và kháng nguyên của virus trong cùng một topotype/lineage là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới khả năng bảo hộ của vacxin.

Ông Pawin Padungtod, Điều phối viên kỹ thuật cấp cao, Trung tâm Cứu trợ khẩn cấp bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD), Tổ chức Nông lương liên hợp quốc (FAO) cho biết, bệnh FMD dễ lây lan xuyên biên giới, ảnh hưởng lớn đến hoạt động chăn nuôi, làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế về động vật và sản phẩm động vật.

“Trường hợp mắc bệnh FMD đầu tiên được báo cáo ở Việt Nam vào năm 1898, tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa. Kể từ đó, bệnh FMD đã được báo cáo định kỳ trên khắp cả nước với số lượng động vật mắc bệnh thay đổi.

Bệnh gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và ảnh hưởng đến sinh kế của nông dân. Từ năm 1954-1975, dịch FMD xảy ra ở các tỉnh phía Nam giáp Campuchia. Các đợt dịch bệnh nghiêm trọng được báo cáo 2 - 3 năm/lần”, ông Pawin Padungtod cho biết thêm.

Còn theo ông Giáp, bệnh FMD đã xuất hiện ở nước ta từ rất lâu. Đã có 3 serotype được phát hiện là O, A và Asia 1. Serotype Asia 1 không còn được phát hiện từ năm 2009. Serotype O vẫn là type chủ đạo, lưu hành cho đến nay.

Theo văn bản số 538/TY-DT, số 328/TY-DT và số 113/TY-DT của Cục Thú y về cập nhật tình hình lưu hành virus và khuyến cáo sử dụng vacxin, trong 3 năm trở lại đây chỉ phát hiện thấy serotype O. Các topotype/lineage virus thuộc serotype O ở nước ta gồm CATHAY, SEA/Mya-98, ME-SA\PanAsia và ME-SA\Ind-2001. Trong số này, Ind-2001 mặc dù xâm nhập vào nước ta muộn hơn, phát hiện lần đầu năm 2015, nhưng có xu hướng trở thành nhánh lưu hành chính.

Ông Giáp cho rằng, tính chất nguy hiểm của bệnh FMD không nằm ở tỷ lệ chết, mà nằm ở chỗ bệnh này được xếp vào danh mục các bệnh bắt buộc phải khai báo và OIE/WOAH quy định, nước hoặc vùng có bệnh FMD không được xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật. Hậu quả kéo theo là hàng loạt các vấn đề về kinh tế và xã hội.

Một tính chất nguy hiểm nữa của bệnh FMD là hiện tượng mang trùng. Có khoảng 50% số động vật sau khi mắc bệnh FMD và qua khỏi, đặc biệt là trâu, bò trở thành động vật mang trùng không có triệu chứng bệnh, nhưng thải virus rất lâu, khoảng vài tháng tới vài năm. Đây chính là nguồn bệnh nguy hiểm, là nguyên nhân tái phát dịch ở những ổ dịch cũ và phát sinh ổ dịch mới ở những nơi chúng được đưa đến.

Chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng vacxin hiệu quả, đúng chủng bảo hộ góp phần nâng cao hiệu quả của việc phòng, chống bệnh mồm long móng. Ảnh: Hồng Thắm.

Chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng vacxin hiệu quả, đúng chủng bảo hộ góp phần nâng cao hiệu quả của việc phòng, chống bệnh mồm long móng. Ảnh: Hồng Thắm.

Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phòng, chống FMD đến 2025

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay, bệnh FMD được OIE/WOAH quy định bắt buộc phải báo cáo khi có dịch xảy ra và là đối tượng kiểm dịch vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc.

Hiện nay, thế giới có 7 type virus FMD đang lưu hành và có khoảng 76 type phụ. Ở Việt Nam, bệnh FMD xuất hiện cách đây 100 năm và hiện đã có 3 type virus lưu hành là typ O, A và Asia1. Ông Sơn nhấn mạnh, bệnh FMD gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngành chăn nuôi, rào cản rất lớn trong hoạt động xuất khẩu sản phẩm động vật của các nước trên thế giới.

Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2020, dịch bệnh xảy ra trầm trọng nhất vào các năm 2018, 2019, chủ yếu trên đàn lợn chưa được tiêm phòng vacxin FMD (là lợn thịt không phải là đối tượng phải tiêm phòng bắt buộc trong Chương trình giai đoạn 2016-2020), gây thiệt hại rất lớn về kinh tế”, ông Sơn nói.

Để thanh toán dứt điểm bệnh lở mồm long móng, Chính phủ đã ban hành Quyết định số1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 về việc phê duyệt “Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng, giai đoạn 2021-2025”.

Sau 3 năm triển khai, Chương trình bước đầu phát huy hiệu quả, khi rất nhiều địa phương từng là điểm nóng bùng phát dịch FMD mang tính chất “đến hẹn lại lên” đã cơ bản khống chế được bệnh.

Mục tiêu chung của Chương trình là kiểm soát hiệu quả bệnh FMD trên địa bàn cả nước và ngăn chặn sự xâm nhập của các chủng virus FMD mới từ bên ngoài vào Việt Nam. Xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh FMD cấp huyện hoặc vùng liên huyện của một hoặc nhiều tỉnh, thành phố, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Ông Sơn cho rằng, việc Chính phủ ban hành Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh FMD tại Việt Nam. Chương trình đề ra mục tiêu kiểm soát hiệu quả bệnh FMD trên địa bàn cả nước và ngăn chặn các chủng virus FMD mới từ bên ngoài vào Việt Nam. Đây là những giải pháp để phòng, chống bệnh FMD mang tính đồng bộ trên địa bàn cả nước.

Còn theo ông Pawin, Chính phủ Việt Nam ban hành “Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh FMD, giai đoạn 2021-2025” lần thứ tư với các mục tiêu: Giảm tỷ lệ trung bình mắc bệnh FMD; thành lập vùng an toàn dịch bệnh FMD gồm 5 tỉnh phía Đông Nam bộ (vùng xanh) tuân thủ đầy đủ các quy định của OIE/WOAH. Các khu vực này sẽ được mở rộng dần dần trên toàn quốc, Việt Nam cũng sẽ triển khai 10 hoạt động chính nhằm giảm nguy cơ lây truyền bệnh FMD trong phạm vi Việt Nam và sang các nước khác. 

“Ngoài việc phát hiện sớm và ngăn chặn hiệu quả các đợt bùng phát, chiến dịch tiêm chủng đại trà định kỳ nhằm bao phủ 80% số động vật nhạy cảm trong thời gian ngắn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh FMD trong cộng đồng nói chung. Đồng thời, việc thiết lập, duy trì vùng an toàn dịch bệnh FMD có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trong phạm vi Việt Nam và quốc tế một cách an toàn”, ông Pawin nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả của việc phòng, chống bệnh FMD, bên cạnh các biện pháp thường quy về an toàn sinh học, người chăn nuôi cần hiểu rõ đặc điểm của mầm bệnh, trong đó có đặc điểm không bảo hộ chéo giữa các serotype, hiện tượng mang trùng kéo dài.

Do đó, cần triệt để thực hiện tiêm phòng vacxin đúng quy định, đủ liệu trình, sử dụng vacxin có hàm lượng kháng nguyên cao, tuân thủ quy định phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh như không buôn bán, không vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ ổ dịch cũ ra ngoài.

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), 9 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 21 ổ dịch lở mồm long móng ở 11 tỉnh, thành phố. Trong đó, trên lợn xảy ra 03 ổ dịch type O tại Cao Bằng và Quảng Ngãi, tổng số lợn mắc bệnh là 35 con; Trên trâu, bò xảy ra 21 ổ dịch, số gia súc mắc bệnh là 721 con, số chết và tiêu hủy là 26 con. Hiện còn 02 ổ dịch FMD trên trâu, bò tại Cao Bằng và Đồng Nai chưa qua 21 ngày với số gia súc mắc bệnh là 115 con.

 
 
Bình luận